Hội nghị toàn quốc Đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi

09:20 18/06/2013 Lượt xem: 334 In bài viết

Thay mặt Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử trình bày báo cáo đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi. Báo cáo nêu rõ: Giai đoạn 2006-2012, các chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi được thể chế qua gần 160 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 14 Nghị định của Chính phủ; 40 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 27 văn bản phê duyệt các đề án, chính sách; 26 văn bản liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách trên địa bàn. Đáng lưu ý là cơ chế chính sách cho vùng dân tộc, miền núi đang có sự thay đổi căn bản, ngày càng sát thực tế, từ chỗ chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho người dân chuyển sang vừa đầu tư phát triển, vừa hỗ trợ trực tiếp. Địa bàn và đối tượng trong hệ thống chính sách cũng có sự thay đổi quan trọng, từ chỗ "dễ làm trước, khó làm sau" chuyển sang ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho vùng khó khăn nhất, gồm xã đặc biệt khó khăn, thôn bản đặc biệt khó khăn. 


Trường học xã đặc biệt khó khăn được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135

Về vốn đầu tư, mặc dù trong điều kiện suy thoái kinh tế nhưng ngân sách nhà nước đã bố trí cho các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi 54.776 tỷ đồng, tốc độ tăng chi hàng năm bình quân khoảng 20%, cao hơn mức tăng chi bình quân của cả nước, tạo điều kiện để tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của vùng miền núi, dân tộc, tạo đà cho khu vực này phát triển. Nhờ đó, sản xuất ở một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên. Các địa phương vùng dân tộc, miền núi đều đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo, trong đó vùng Đông Bắc giảm 3,62%, Tây Bắc giảm 4,47%, Tây Nguyên giảm 3,04%, Đồng bằng sông Cửu Long giảm 2,15%. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thay đổi rõ rệt: 98,6% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện; 99,5% số xã có trường tiểu học, 93,2% số xã có trường trung học phổ thông. Tất cả các tỉnh vùng dân tộc và miền núi đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, dạy nghề, đào tạo nghiệp vụ; 99,39% xã có trạm y tế, 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn. Các dịch bệnh ở vùng miền núi, dân tộc như sốt rét, bướu cổ… cơ bản được khống chế, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Trong lĩnh vực văn hoá, giá trị văn hoá dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy. Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn có bước phát triển nhanh. Hệ thống chính trị vùng dân tộc thường xuyên được xây dựng, củng cố và phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Đồng tình với những đánh giá của Uỷ ban Dân tộc về thành tựu thực hiện các chính sách cho vùng dân tộc, miền núi, thảo luận tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương nhất trí phương hướng, nhiệm vụ triển khai chính sách dân tộc trong thời gian tới tập trung vào 6 định hướng: (1) Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cho vùng dân tộc và miền núi, nhất là các công trình trọng điểm để phục vụ đời sống và sản xuất; (2) Giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết tình trạng dân di cư tự do; (3) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong vùng dân tộc và miền núi để người dân làm theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời có điều kiện giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc; (4) Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững vùng dân tộc, miền núi; (5) Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một, phòng chống biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường sinh thái, rừng đầu nguồn ở vùng dân tộc, miền núi; (6) Đảm bảo nguồn lực đầu tư cho các chính sách đã được ban hành, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn, thống nhất đầu mối cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


Các đại biểu dự hội nghị

Đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém thời gian qua, đó là: Chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, thời gian thực hiện ngắn, thiếu chiến lược lâu dài; do trình tự thủ tục xây dựng và trình một số đề án chính sách mất thời gian nên khi được ban hành thì thời gian thực hiện còn lại rất ngắn; một số chính sách còn chồng chéo về đối tượng, địa bàn thụ hưởng; hầu hết chính sách mang tính chất hỗ trợ, chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản nên hiệu quả chưa thực sự bền vững; nhiều chính sách hết hiệu lực nhưng không đạt mục tiêu do nguồn vốn Trung ương cấp không đủ, ví dụ như Quyết định số 1592/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, Chính sách hỗ trợ định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh du cư (Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg và 1342/QĐ-TTg), các chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế; tổ chức thực hiện chính sách còn nhiều yếu kém, có chính sách chậm ban hành văn bản hướng dẫn; phân công chủ trì chỉ đạo tổ chức thực hiện một số chính sách chưa hợp lý…


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trao cờ Thi đua xuất sắc của Ủy ban Dân tộc cho 7 tập thể thuộc Ủy ban Dân tộc và 15 Ban Dân tộc các tỉnh đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác dân tộc năm 2012.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Vùng dân tộc, miền núi có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, an ninh quốc phòng đối với cả nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới vùng dân tộc, miền núi thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Hiến pháp, pháp luật để thực hiện nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc thiểu số dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, vùng dân tộc, miền núi đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, thành tựu ở vùng dân tộc, miền núi còn có thể to lớn hơn nếu quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách tốt hơn. Ngoài những nguyên nhân khách quan như xuất phát điểm của vùng thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, nguồn lực đầu tư có hạn so với nhu cầu… còn là những nguyên nhân chủ quan như chính sách cho vùng dân tộc, miền núi được ban hành nhiều nhưng vẫn có những chính sách chưa sát, chưa phù hợp với thực tế, lại chậm được phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, có chính sách còn chồng chéo.

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng dân tộc, miền núi, tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện song có trọng tâm, trọng điểm các chính sách cho vùng dân tộc, miền núi. Cấp uỷ, chính quyền các cấp phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên để có biện pháp chỉ đạo tương xứng, đồng thời đặt mục tiêu này trong nhiệm vụ chung của cả nước là phấn đấu đến 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương cùng các địa phương rà soát lại các chính sách, chương trình, dự án với tinh thần chính sách đúng thì tiếp tục thực hiện; chính sách chưa phù hợp thì sửa đổi, chính sách chưa có mà cần thiết thì phải ban hành, chính sách chồng chéo thì khắc phục. Mọi chính sách đều phải tập trung cho xoá đói giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất trong đó ưu tiên phát triển rừng, sản xuất lương thực và chăn nuôi, giải quyết vấn đề di dân tự do, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và củng cố quốc phòng, an ninh.

Về kiến nghị của Uỷ ban Dân tộc và các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý ngay trong tháng 4/2013, ban hành 2 chính sách đã hết hiệu lực nhưng cần tiếp tục thực hiện, đó là: Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 1592/QĐ-TTg và Chính sách hỗ trợ định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư theo Quyết định số 33/QĐ-TTg và Quyết định số 1342/QĐ-TTg. Đối với Đề án phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi đến năm 2015, định hướng 2020, giao Uỷ ban Dân tộc chủ trì cùng các Bộ, ngành hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét ban hành trong năm 2013. Thủ tướng đồng ý bổ sung 7 dân tộc rất ít người gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô vào đối tượng thụ hưởng chính sách phát triển giáo dục tại mục III, Điều 1, Quyết định số 2123/QĐ-TTg.


Đưa điện về bản

Tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan đã triển khai nội dung Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình 135 về Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn và Quyết định số 54/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015.

Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể và cá nhân trong năm 2012, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử và Bà Lê Thị Thái Hoà-Trưởng phòng Chính sách Kinh tế-Vụ Chính sách Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Nguyễn Hữu Giảng-Chánh Thanh tra, Chu Tuấn Thanh-Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Uỷ ban Dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử trao Cờ thi đua xuất sắc của Uỷ ban Dân tộc cho 7 tập thể thuộc Uỷ ban Dân tộc và 15 Ban Dân tộc các tỉnh đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác dân tộc năm 2012.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua toàn quốc” cho đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm-UBDT và đồng chí Lê Thị Thái Hòa, Trưởng Phòng Chính sách Kinh tế, Vụ Chính sách Dân tộc-UBDT.



Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đồng chí đạt thành tích xuất sắc từ năm 2007-2011: Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm-UBDT; Nguyễn Hữu Giảng, Chánh Thanh tra-UBDT; Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền-UBDT.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Uỷ ban Dân tộc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để ra thông báo kết luận hội nghị làm cơ sở triển khai thực hiện. Đối với các Bộ, ngành Trung ương, cần tập trung rà soát chính sách thuộc phạm vi lĩnh vực ngành quản lý để giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc ở vùng dân tộc, miền núi. Uỷ ban Dân tộc nâng cao năng lực xây dựng chính sách, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng ngân sách quốc gia. Các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách trên địa bàn, chống tham ô, thất thoát lãng phí; quản lý, xử lý tốt những vấn đề cụ thể của các dân tộc, không để xảy ra tình huống bất ngờ, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi.

Nguyễn Quang Hải

Phương Liên- Bình Minh

[PLN]