Chương trình 135 giai đoạn III. Cơ hội đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi
02:34 21/06/2013 Lượt xem: 317 In bài viếtBên lề hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi, triển khai quyết định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình 135 về hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (Gọi tắt là chương trình 135 giai đoạn III), Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc về mục đích, ý nghĩa, những điểm mới trong đầu tư và cơ chế thực hiện chương trình 135 giai đoạn III
PV: Kính chào Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm! Xin cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Trước hết, đề nghị Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết ý nghĩa của việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 135 đối với phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi?
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Cần phải khẳng định Chương trình 135 là một “thương hiệu” rất thân thuộc với cấp uỷ, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc và miền núi. Qua 2 giai đoạn đầu tư (1998-2010), Chương trình 135 đã chứng minh vị thế là một chương trình giảm nghèo lớn và quan trọng nhất, hỗ trợ hiệu quả đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới. Kết quả của Chương trình đã góp phần đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia thành công nhất trên thế giới về giảm nghèo và phát triển kinh tế trong 2 thập kỷ vừa qua.
Chương trình đã làm thay đổi diện mạo vùng miền núi, dân tộc đặc biệt khó khăn; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh (bình quân 3,6%/năm); trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên, dần đáp ứng công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá; tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hoá, y tế thôn, công trình thuỷ lợi tăng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thành tựu mà Chương trình 135 giai đoạn I, II đã đạt được rất to lớn, song hiện nay, khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác trong cả nước vẫn còn chênh lệch khá xa. Thu nhập bình quân đầu người toàn vùng chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân chung của khu vực nông thôn. Tỷ lệ nghèo các xã, thôn bản là 45%, nhiều xã lên tới 70-80%, khoảng 900.000 hộ ở mức cận nghèo. Theo khảo sát của Uỷ ban Dân tộc tại 50 tỉnh, 356 huyện, 1.848 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu cho thấy hiện còn: 149 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 67,2% thôn, bản chưa có đường trục giao thông được cứng hoá; 3.150 công trình thuỷ lợi cần được đầu tư; 202 xã chưa có điện đến trung tâm, 8.100 thôn, bản (38,6%) chưa được sử dụng điện; 32,2% số hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh….; trên 218 ngàn cán bộ cấp xã, thôn bản cần được tập huấn nâng cao kiến thức; trên 400 ngàn hộ có nhu cầu được đào tạo, tập huấn kiến thức làm ăn. Thống kê năm 2012 của các địa phương cũng chỉ ra có khoảng 120.000 hộ nghèo, bằng 660 ngàn khẩu thuộc các thôn bản giáp biên chưa tự túc được lương thực…Từ những khó khăn về kinh tế - xã hội, cùng với trình độ phát triển còn hạn chế ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên các thế lực thù địch đã lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để tuyên truyền chống phá Đảng, chống phá Nhà nước tạo ra một số điểm nóng về an ninh, chính trị ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ
Công trình nước sạch ở xã miền núi được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135
Từ những vấn đề trên, tôi cho rằng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 là cơ hội lớn để giải quyết những nhu cầu bức thiết đang đặt ra ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn. Ở góc độ nhất định, có thể coi Chương trình 135 là Chương trình "xương sống" của chính sách dân tộc, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư. Tổ chức thực hiện Chương trình là cơ hội giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi thoát nghèo nhanh và bền vững, thể hiện sự nhất quán và liên tục trong chính sách, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
PV: Chương trình 135 giai đoạn I (1998-2006) tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; giai đoạn II (2006-2010) đã chuyển hướng đầu tư về xã, thôn đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới. Sang giai đoạn này tiếp tục đầu tư tới xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi. Như vậy, có thể hiểu Chương trình 135 được thiết kế theo hướng đầu tư trực tiếp xuống người dân được không, thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm?
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận: Xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ, nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ lâu dài, trọng tâm để đồng bào có đủ “sức đề kháng” chống lại các yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên, khó khăn về kinh tế-xã hội nhằm từng bước phát huy nội lực, vươn lên phát triển bền vững.
Vừa qua, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Quỹ Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã công bố Báo cáo Tác động của Chương trình 135 giai đoạn II qua lăng kính hai cuộc điều tra đầu kỳ và cuối kỳ. Báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nhưng vẫn còn cao. Mức sống của các hộ chưa thoát nghèo không được cải thiện nhiều; mức tăng thu nhập có xu hướng giảm theo thời gian; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ các hộ nghèo tạm thời là khá lớn…
Dựa vào kết quả tổng kết và kết quả khảo sát, đánh giá thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, ý kiến đề nghị của các địa phương thụ hưởng Chương trình, ý kiến cử tri tại các kỳ họp Quốc hội, giai đoạn III, Chương trình 135 đã được thiết kế đầu tư xuống cấp xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tức là xuống đến tận người dân. Nội hàm của Chương trình cũng có sự thay đổi so với hai giai đoạn trước, không chỉ bao gồm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội mà còn tập trung vào giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên quan điểm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đủ lớn để địa bàn này đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; giảm chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020.
PV: Có thể thấy rằng, hiện đang có rất nhiều nhu cầu bức thiết đặt ra ở vùng dân tộc và miền núi nói chung, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng. Vậy nội dung của Chương trình 135 giai đoạn này sẽ tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề gì, thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm?
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Chương trình 135 được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020, xây dựng theo cơ chế rút gọn, tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ 2 nội dung: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và Hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong đó, về Hỗ trợ phát triển sản xuất gồm một số nội dung chính như: Bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả; Hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; Hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; Hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập, nhân rộng mô hình; Hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y; vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xây dựng cơ sở hạ tầng: Hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; Hoàn thiện hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa trên địa bàn xã gồm: Trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã, thôn, bản; Hoàn thiện các công trình để bảo đảm chuẩn hóa trạm y tế xã; Hoàn thiện hệ thống các công trình để bảo đảm chuẩn hóa giáo dục trên địa bàn xã; xây dựng lớp tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên, trang bị bàn ghế, điện, nước sinh hoạt, công trình phụ trên địa bàn thôn, bản; Cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã, thôn, bản; Các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; Duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở.
PV: Với những nội dung như vậy thì định mức đầu tư, hỗ trợ của Chương trình 135 cũng như cơ chế phân bổ vốn đầu tư sẽ như thế nào? Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm!
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Năm 2012 và 2013 thực hiện theo định mức và vốn đã được phân bổ;
Năm 2014 và 2015, tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013; các năm tiếp theo được bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Cơ chế phân bổ vốn đầu tư có điểm mới là các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế về vị trí địa lý, diện tích, dân số, số thôn bản, số hộ nghèo, kết cấu hạ tầng, điều kiện sản xuất, trình độ cán bộ cơ sở… tiến hành phân loại các xã thuộc diện đầu tư của Chương trình thành 3 loại: Xã loại III là xã có điều kiện khó khăn nhất trong các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh; xã loại II là xã có điều kiện khó khăn ở mức trung bình so với xã đặc biệt khó khăn của tỉnh; xã loại I là các xã còn lại. Trên cơ sở phân loại xã và vốn phân bổ của Trung ương, các địa phương xây dựng hệ số K để phân bổ vốn theo nguyên tắc xã khó khăn hơn được phân bổ vốn cao hơn.
PV: Đề nghị Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III?
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Ở hai giai đoạn trước của Chương trình 135, Uỷ ban Dân tộc được Chính phủ giao là Cơ quan Thường trực, giúp Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, quản lý, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình. Uỷ ban Dân tộc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này thể hiện qua việc cộng đồng quốc tế, nhất là các nhà tài trợ ngân sách cho Chương trình đều đánh giá Chương trình 135 là Chương trình giảm nghèo toàn diện nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, ít thất thoát nhất. Hiện nay, cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức thực hiện của Chương trình đã và đang được Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế khác áp dụng cho các dự án tại một số tỉnh.
Giai đoạn tiếp theo của Chương trình 135, Uỷ ban Dân tộc tiếp tục được Chính phủ giao là cơ quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc thành lập Văn phòng Điều phối để quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình 135; nghiên cứu, xây dựng các mô hình, cách làm mới để góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình; Rà soát, xác định danh sách xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách xã. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc quyết định danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135; Xây dựng tiêu chí xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hàng năm bình xét xã, thôn, bản đủ tiêu chí hoàn thành mục tiêu, lập danh sách, tổng hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định; Đề xuất hình thức biểu dương, khen thưởng các địa phương có nhiều thành tích trong quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là các địa phương có nhiều xã, thôn, bản sớm hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; Vận động, các doanh nghiệp, tổ chức Quốc tế, các đối tác phát triển nhằm vay vốn, hỗ trợ vốn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho Chương trình…
Tôi tin tưởng bằng kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình cùng trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết với cộng đồng các dân tộc thiểu số, Uỷ ban Dân tộc sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đã trả lời phỏng vấn.
Quang Hải- Phương Liên
[PLN]