Góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992

10:16 02/08/2013 Lượt xem: 405 In bài viết

Tạp chí Dân tộc giới thiệu phần giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về Điều 5 - Điều được xác định là định hướng hình thành các văn bản luật để điều chỉnh vấn đề dân tộc và công tác dân tộc.

Điều 5 - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:

1. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình.

4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

* Về khoản 1

Có ý kiến đề nghị sửa khoản này theo hướng bao quát hơn, bổ sung quy định người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) nhận thấy Điều này quy định về chính sách dân tộc của Nhà nước và quyền của các dân tộc với tư cách các tộc người cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, nội dung quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam đã được thể hiện tại Điều 19. Do vậy, việc bổ sung vào Điều này là không cần thiết.

* Về khoản 2

Có ý kiến đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt vùng miền, tỉnh thành, phân biệt chủng tộc; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết dân tộc, trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy quy định nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc đã bao hàm cả nghiêm cấm phân biệt vùng miền, phân biệt chủng tộc. Do vậy, không cần kể một cách chi tiết về các hành vi nói trên trong Điều này. Trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề dân tộc cũng đã được lồng ghép trong quy định về các chính sách cụ thể của Nhà nước trên từng lĩnh vực tại các chương sau nên xin không bổ sung vào Điều này.

* Về khoản 3

a) Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, không được sử dụng tiếng nước ngoài tại các diễn đàn chính thức của Nhà nước như kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và đại hội Đảng; bổ sung quy định chữ quốc ngữ là chữ viết thống nhất được sử dụng trong hệ thống các cơ quan nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia đã bao hàm cả tiếng nói và chữ viết. Hơn nữa, Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề chung, mang tính khái quát cao, do vậy các nội dung cụ thể như các ý kiến trên đề xuất xin được tiếp tục nghiên cứu và thể hiện trong các quy định của luật và văn bản dưới luật.

b) Có ý kiến đề nghị bổ sung việc tuân thủ pháp luật trong việc giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp để tránh lợi dụng gây hậu quả xấu cho xã hội; bổ sung quy định “các dân tộc có quyền xác định và xác định lại tên gọi của dân tộc mình theo quy định của pháp luật”.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy trách nhiệm tuân thủ pháp luật là trách nhiệm chung của mọi tổ chức, cá nhân; việc lợi dụng các quyền để chống phá, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của dân tộc, gây hậu quả xấu cho xã hội đều bị nghiêm cấm. Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại các Điều 11, Điều 16 của Dự thảo Hiến pháp. Do vậy, không cần thiết phải lặp lại ở các điều quy định về từng nội dung cụ thể.

Về quyền xác định tên gọi của dân tộc, Ủy ban nhận thấy dân tộc với ý nghĩa tộc người tuy có những điểm chung về nguồn gốc, chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục... nhưng lại không có hình thức tổ chức chặt chẽ. Do vậy, xác định quyền cho tộc người chính là quyền của từng cá nhân trong tộc người đó. Trên thực tế, việc gọi tên các dân tộc thời gian qua là căn cứ vào truyền thống, tập quán và dựa trên những căn cứ khoa học, lịch sử, được giới chuyên môn thừa nhận. Do đó, tên các dân tộc không thể chỉ là mong muốn của một nhóm hay một bộ phận người.

c) Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định nội dung về dân tộc, chính sách đoàn kết dân tộc, nhiệm vụ của Nhà nước trong công tác này; không quy định về ngôn ngữ quốc gia tại Điều 5 mà đưa nội dung này vào quy định tại Điều 13.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, đặt nội dung quy định về ngôn ngữ quốc gia tại Điều này hay tại Điều 13 đều có tính logic, hợp lý riêng. Tuy nhiên, đặt tại Điều này sẽ có sự kết nối trực tiếp đến quyền sử dụng ngôn ngữ riêng của các dân tộc trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Vì vậy, xin được giữ nội dung này tại Điều 5.

* Về khoản 4

Có ý kiến đề nghị Nhà nước có chính sách và tạo điều kiện phát triển cho tất cả các dân tộc, không chỉ dân tộc thiểu số, để tránh sự phân biệt giữa các dân tộc Việt Nam. Có ý kiến đề nghị đổi cụm từ “dân tộc thiểu số” thành “dân tộc ít người”.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, cụm từ “dân tộc thiểu số” hiện đang được sử dụng phổ biến trong các văn bản pháp luật của Nhà nước; về mặt ý nghĩa thì cũng không có gì khác so với cụm từ “dân tộc ít người”. Về ý kiến còn lại, Điều này đang quy định về chính sách dân tộc nên không thể không đề cập đến chính sách của Nhà nước đối với nhóm dân tộc thiểu số, thường có điều kiện phát triển hạn chế hơn so với dân tộc chiếm đa số của quốc gia. Hơn nữa, chính sách phát triển chung đã được quy định tại các điều cụ thể về từng lĩnh vực. Do vậy, về cơ bản, xin giữ như quy định đã công bố lấy ý kiến, chỉ sửa cụm từ “hòa nhập” thành “góp phần” nhằm nhấn mạnh hơn sự đóng góp của các dân tộc anh em vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Tạp chí Dân tộc số 150 trang 11

[TT: PLN]