Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
02:38 02/08/2013 Lượt xem: 480 In bài viếtChính sách này được áp dụng cho tất cả hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên phạm vi cả nước và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản, buôn, làng, ấp đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo định mức quy định tại địa phương, có khó khăn về nước sinh hoạt, chưa được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
1. Hỗ trợ đất sản xuất
- Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: Định mức hỗ trợ căn cứ theo mức bình quân chung của từng địa phương. Những nơi còn quỹ đất thì được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo quỹ đất với mức bình quân 30 triệu đồng/hộ. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và vay vốn tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm, lãi suất 0,1%/tháng.
- Những nơi không còn quỹ đất để giao đất sản xuất cho các hộ thì được hỗ trợ để chuyển đổi sang một trong các hình thức:
+ Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/lao động cho những hộ có lao động học nghề để chuyển đổi nghề; mức hỗ trợ cho từng lao động cụ thể căn cứ vào học phí, ngành nghề và thời gian học thực tế của từng lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
+ Với những hộ có lao động, có nhu cầu vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc cần vốn để làm các nghề khác thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm, lãi suất 0,1%/tháng.
Ngoài ra, các hộ có lao động chuyển đổi nghề còn được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan đến dạy nghề theo quy định hiện hành. Các địa phương tùy theo khả năng ngân sách có thể quyết định mức hỗ trợ thêm.
+ Hỗ trợ xuất khẩu lao động: Được thực hiện cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng: Áo dụng cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.
Phát triển trồng cây thanh long.
2. Hỗ trợ đất ở
Mức giao diện tích đất ở cho mỗi hộ bình quân 200 m2/hộ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tự cân đối quỹ đất và ngân sách để giao đất cho các hộ làm nhà ở.
3. Hỗ trợ nước sinh hoạt
+ Nước sinh hoạt phân tán: Hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có khó khăn về nước sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ bình quân 1,3 triệu đồng/hộ để xây bể chứa nước, đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước sinh hoạt.
+ Nước sinh hoạt tập trung: Tổng mức đầu tư cho một công trình cấp nước sinh hoạt ở thôn do chủ đầu tư căn cứ thực tế để phê duyệt, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ bình quân 1,3 tỷ đồng/công trình.
+ Kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư xây dựng theo các Quyết định: 134/QĐ-TTg, 1592/QĐ-TTg và theo Quyết định này thì kinh phí được bố trí từ ngân sách địa phương và lồng ghép với các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
Quyết định của Thủ tướng quy định các nguyên tắc: Hỗ trợ trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Các hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phải sử dụng đúng mục đích để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo; không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất ở, đất sản xuất trong thời gian 10 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất. Lao động được hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo, chuyển đổi nghề phải sử dụng đúng mục đích thông qua các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương hoặc kết hợp với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp. Mỗi hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất theo quy định chỉ được hỗ trợ một trong các hình thức nêu trên.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Quang
[TT: PLN]