Đại biểu Quốc hội đề nghị: Cần nghiên cứu cơ chế phối hợp liên nghành hoặc giảm đầu mối quản lý chính sách cho vùng dân tộc, miền núi

09:50 02/08/2013 Lượt xem: 323 In bài viết

Các đại biểu: Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng), Trương Văn Vở (Ðồng Nai), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Phương Thị Bắc (Bắc Kạn), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng: Bên cạnh ưu tiên mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, kích thích tổng cầu, tăng thu ngân sách, Chính phủ cần đặc biệt giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội. Thực tế cho thấy, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao. Ðại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phân tích: Năm 2012, các huyện nghèo giảm hơn 7% hộ nghèo, nhưng sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a, số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn không giảm mà lại tăng 45%, từ 62 huyện lên 85 huyện, từ 7 xã lên 311 xã là không hợp lý. Ðại biểu này đề nghị, Chính phủ xem xét lại số liệu giảm nghèo. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng kết quả xóa đói giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng trong hoạch định chính sách. Nếu thống kê và dự báo không tốt thì việc hoạch định chính sách cũng sẽ không tốt, hiệu quả đầu tư kém khiến nền kinh tế khó khăn.

Trước thắc mắc của đại biểu Quốc hội về tỷ lệ giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền giải thích: Tiêu chí giảm nghèo tính từ 1/1/2011, ở nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng; thành thị là 500.000 đồng/người tháng. Tổng hợp của các địa phương trong năm qua cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%. Thế nhưng, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng núi Đông Bắc là trên 17%; vùng núi Tây Bắc gần 30%, Tây Nguyên là 15% và Đông Nam Bộ chỉ còn 1,2%. Những con số trên cho thấy, chuẩn nghèo vẫn được tính theo mốc từ ngày 1/1/2011. Tỷ lệ giảm nghèo này chưa bền vững, còn chênh lệch giữa các vùng. Ban Chỉ đạo giảm nghèo đã rà soát công tác giảm nghèo, sắp xếp lại theo hướng giảm hỗ trợ trực tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất.


Đại biểu Mã Điền Cư: Cần hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung cho các vùng DTTS.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều địa phương cao, như: Yên Bái 59,98%, Quảng Ngãi 45,5%, Quảng Bình 42,2%... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn một số thôn bản chưa có điện, đường, cầu,... Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) cho rằng: Đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi những năm qua rất lớn, song các chính sách đang chỉ giải quyết phần ngọn, cho đồng bào con cá, chứ chưa trao cho họ cái cần. Do đó giảm nghèo không bền vững, đời sống của đồng bào vẫn khó khăn, tình hình di cư còn cao… Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) phân tích: Sỡ dĩ hiệu quả đầu tư ở vùng dân tộc, miền núi chưa cao là do thiếu chính sách phân vùng phát triển, chính sách giúp hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung và chính sách kết nối sản phẩm của các vùng này với thị trường. Việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện hành mới chỉ dừng lại ở các chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển. Mặt khác, các chính sách xóa đói giảm nghèo đưa ra mục tiêu phấn đấu cao, quá nhiều chỉ tiêu cần đạt, song định mức vốn cho huyện, xã, thôn, bản chưa tương xứng với mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Từ những thực trạng đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống chính sách giảm nghèo hợp lý, tiếp tục nghiên cứu cơ chế phối hợp liên ngành hoặc giảm đầu mối quản lý để tránh chồng chéo, lồng ghép chính sách hiệu quả hơn, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất và bền vững.

Trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi cần chú trọng xây dựng chính sách phân vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chính sách kết nối sản phẩm của các vùng này với thị trường. Các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo cần hợp nhất các nguồn tài chính thành một nguồn duy nhất. Thực hiện công khai, minh bạch trong sử dụng và quản lý nguồn lực đối với thôn, xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại đối tượng thuộc diện nghèo làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách trước mắt và lâu dài theo hướng quan tâm tạo vốn cho người nghèo sản xuất, kinh doanh; tập trung xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống gắn với Chương trình Xây dựng Nông thôn mới; phát triển Quỹ xóa đói giảm nghèo; đổi mới chính sách với người nghèo, trong đó có chính sách giao đất, giao rừng cho người dân tộc thiểu số...Khi xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia phải chú ý đến việc bố trí đất sản xuất phù hợp với phương thức canh tác, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ với vùng đặc biệt khó khăn để người nghèo tự thoát nghèo một cách bền vững, nhanh chóng.

Về Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế phù hợp trong phân bổ ngân sách cho khu vực miền núi, vùng cao. Tiếp tục xem xét, chỉnh sửa bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đảm bảo có độ mở linh hoạt phù hợp với từng vùng, miền.

Hải Minh- Trí Dũng

[TT: PLN]