Thi đua thực hiện thắng lợi Chương trình hành động công tác dân tộc nhiệm kỳ 2011-2016

02:59 02/08/2013 Lượt xem: 325 In bài viết

Lời hiệu triệu của Người đã thôi thúc, động viên hàng triệu người dân Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, không ngại hy sinh xương máu, ra sức tham gia kháng chiến và thi đua lao động sản xuất xây dựng Tổ quốc.

Tư tưởng thi đua yêu nước của Bác đã được cụ thể hóa trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực to lớn thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Vùng miền núi chiếm 2/3 diện tích cả nước; cộng đồng 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,27% dân số cả nước. Từ khi thành lập Đảng, trong 83 năm qua, vùng dân tộc, miền núi luôn là chỗ dựa vững chắc của cách mạng, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng, một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ, không ngại hy sinh, gian khổ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâyku (ngày 19/4/1946), đề cập về chức năng, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số (tiền thân của Uỷ ban Dân tộc ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Chính phủ có “Nha Dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào.

Trải qua 67 năm kể từ ngày thành lập (3/5/1946-3/5/2013) và 65 năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc và của ngành. Quán triệt quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài đồng thời cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam, nội dung thi đua của ngành đã tập trung vào việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 1971/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 449/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến 2020. Ngành đã tích cực nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách để tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành nhằm phát triển nhanh, toàn diện, bền vững vùng dân tộc, miền núi; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Với những thành tích đạt được qua các phong trào thi đua yêu nước, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho Ủy ban Dân tộc; phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An và ông Vừ Chông Pao, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho nhân dân và cán bộ xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; tặng thưởng 42 Huân chương Lao động từ hạng 1 đến hạng 3; tặng 82 Huân chương Đại đoàn kết; tặng 616 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tặng gần 2.000 Bằng khen; 59.946 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ Nhất (tháng 5/2010) là những minh chứng rõ nét về hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước trong ngành công tác dân tộc nói riêng, vùng dân tộc, miền núi của đất nước nói chung qua các thời kỳ cách mạng.


Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.

Qua hơn 25 năm đổi mới, những thành tựu đạt được đã tạo ra thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế. Tuy vậy, vùng dân tộc thiểu số vẫn đang là vùng khó khăn nhất của cả nước. Người nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc sống ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện lời dạy của Bác: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua". Hơn lúc nào, các hoạt động thi đua yêu nước cần đi vào thực chất, với tinh thần trách nhiệm cao và lòng yêu nước nồng nàn của mỗi cá nhân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình hành động công tác dân tộc nhiệm kỳ 2011-2016 gồm 7 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: (1) Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; (2) Rà soát, ban hành các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2016; (3) Chương trình phát triển kinh tế-xã hội giảm nghèo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2014-2020 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn III); (4) Xây dựng Đề án bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam, Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở; (6) Đề án thành lập Học viện Dân tộc gắn với đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; (7) Xây dựng trụ sở cơ quan Uỷ ban Dân tộc và Khách sạn Dân tộc.


Lễ hội Katê của người Chăm

Bước vào năm 2013, các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành công tác dân tộc đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ở vùng dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới.

Đã tập trung xây dựng mới và tổ chức thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (núi đá, lũ quét, lũ ống, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai); chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi.

Xây dựng đề án thành lập Học viện Dân tộc gắn với đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi. Đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác dân tộc. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị.
Tăng cường hoạt động đầu tư, hỗ trợ phục vụ phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững địa bàn vùng dân tộc, miền núi. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc cho cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc. Tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tổ chức thực hiện Chương trình hành động nhiệm kỳ 2011-2016, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công tác dân tộc cùng ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:

Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”.

Theo Tạp chí Dân tộc Số 150- Trang 1

[TT: PLN]