Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
02:54 07/08/2013 Lượt xem: 8603 In bài viếtLà nhan đề cuộc hội thảo do Ủy ban Dân tộc phối hợp với trung tâm phát triển truyền thông sức khỏe thuộc liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức. TS Hoàng Xuân Lương- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và TS Nguyễn Trí Dũng- Chủ tịch hội đồng quản lý trung tâm phát triển truyền thông sức khỏe đồng chủ trì hội thảo.
Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
Lấy dẫn chứng từ cộng đồng 32 hộ người Chứt ở bản Rào Tre, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Do phong tục tập quán, suy nghĩ nên chỉ thanh niên trong bản lấy nhau khi nhiều người chưa đến tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình đồng thời có quan hệ họ hàng trực hệ. Hệ quả là hình thể của người Chứt thấp bé, bệnh tật khá phổ biến, tuổi thọ trung bình chỉ đạt 45 tuổi. Tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày tại hội thảo đều chỉ ra rằng tảo hôn là tập quán khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta. Phụ nữ dân tộc thiểu số sống ở nông thôn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là đối tượng trọng điểm của vấn nạn tảo hôn và kết hôn sớm ở Việt Nam. Đơn cử tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có tới 52% cặp vợ chồng kết hôn ở lứa tuổi 12-17 tuổi; xã Vân Hồ, tỷ lệ tảo hôn là 68%; xã có tỷ lệ tảo hôn thấp nhất là Muổi Nọi, huyện Thuận Châu cũng ở mức 27%. Kết quả điều tra của Trung tâm truyền thông và sức khoẻ trong 3 năm gần đây cũng chỉ ra dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất vùng núi phía Bắc với 33%, dân tộc Thái chiếm 23,1%, dân tộc Mường chiếm 15,8%.
Nghèo đói, thất học, thiếu hiểu biết được đánh giá vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của nạn tảo hôn. Với đồng bào dân tộc thiểu số thì kết hôn sớm do nhu cầu lao động là một động cơ quan trọng (chiếm tới 54%). Bỏ học sớm, kết hôn sớm và đi làm sớm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, là hệ luỵ của nhau và rơi vào nữ giới nhiều hơn nam giới. Bên cạnh đó là các nguyên nhân như sự thiếu bản lĩnh của người phụ nữ và sự bao che của cộng đồng. Ở Việt Nam, làn sóng phản kháng tảo hôn chỉ xuất hiện ở các cơ quan chức năng và các tổ chức chăm sóc sức khoẻ bé gái trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới, bản thân người phụ nữ và cộng đồng đã mạnh dạn lên tiếng phản đối tảo hôn.
Về hiện trạng hôn nhân cận huyết thống hiện nay, thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế) cho biết: Một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống là 10%.
Hôn nhân cận huyết làm suy thoái giống nòi, trẻ sơ sinh có tỷ lệ dị dạng cao hoặc mang các bệnh di truyền nghiêm trọng như: mù màu, bạch tạng, tan máu, bệnh "lùn"…
PGS.TS Trần Văn Phòng-Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã chỉ ra 4 hệ luỵ của hôn nhân cận huyết và tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số, đó là: Ảnh hưởng tiêu cực tới sự tiến bộ xã hội của đất nước; ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực cho phát triển; ảnh hưởng tiêu cực đến việc rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân chủng học của một số tộc người thiểu số.
Từ tiếp cận nghèo đói đa chiều, TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã trở thành rào cản đối với việc hoàn thành tất cả các mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đặt ra, đó là: Giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, xúc tiến bình quyền nam - nữ, bảo vệ trẻ em, cải thiện sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống lại bệnh dịch HIV/AIDS.
Cần có những giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thống nhất quan điểm: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề xã hội phức tạp, các ý kiến tại hội thảo kiến nghị các cơ quan chức năng cần có chương trình nghiên cứu tổng thể, cơ bản về các vấn đề có liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các dân tộc thiểu số để đưa ra giải pháp đặc thù nhằm khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, cần thực thi Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020, trong đó chú trọng nhân rộng ra toàn quốc các chương trình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang được triển khai hiệu quả tại một số tỉnh, ưu tiên các cộng đồng dân tộc thiểu số có dân số quá ít và đang có nguy cơ suy giảm chất lượng dân số. Tăng cường công tác truyền thông với các hình thức đa dạng, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật dân số, hôn nhân, gia đình cùng các hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặt khác do vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người, kinh tế khó khăn nên cần thiết phải thực thi các chính sách xoá đói giảm nghèo, giáo dục nâng cao dân trí…
Kết luận hội thảo, TS Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh: Nếu như người Việt Nam đang ở "vùng trũng" về sức khoẻ, thể trạng, tầm vóc so với các quốc gia trên thế giới thì đồng bào dân tộc thiểu số lại là “vùng trũng” của Việt Nam. Khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải thực thi nhiều giải pháp đồng bộ và trong thời gian dài. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, Uỷ ban Dân tộc giao Vụ Dân tộc thiểu số là đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan sớm xây dựng Đề án “Chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” và kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2014 nhằm xoá bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hướng tới hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; giáo dục tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ hủ tục, tập tục, luật tục trái với xu hướng tiến bộ, văn minh, hội nhập và phát triển.
Phương Liên
[TT: PLN]