Trung du và miền núi Bắc Bộ. Cơ hội phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020
02:50 07/08/2013 Lượt xem: 6766 In bài viếtTrung du và miền núi Bắc bộ gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hoà Bình và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Tổng diện tích toàn vùng là 115.153,4 km2, chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước.
Trung du và miền núi Bắc bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; là vùng kinh tế tổng hợp gồm: kinh tế cửa khẩu, thuỷ điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp đa ngành, nông - lâm nghiệp, du lịch là chủ đạo; là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời với bản sắc văn hoá độc đáo, phong phú.
Thành tựu và thách thức
Những năm qua, vùng trung du, miền núi Bắc bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngày 01/7/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng. Ngày 02/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục có Kết luận số 26-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khoá IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng trung du, miền núi Bắc bộ đã phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,57%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá, vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến và đảm bảo an ninh lương thực. Công nghiệp phát triển nhanh, khai thác tốt tiềm năng về khai khoáng, thuỷ điện, chế biến lâm sản, tạo động lực cho chuyển đổi cơ cấu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Thương mại và dịch vụ được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 23%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 29,31%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm. Nhiều công trình trọng điểm ghi trong Nghị quyết đã và đang được thực hiện. Công tác di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện bước đầu đạt kết quả tốt. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; quốc phòng an ninh được tăng cường; hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Tuy vậy, Bộ Chính trị đánh giá trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc bộ vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài cho cả nước.
Cụ thể hoá Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị, ngày 8/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 5497/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020. Trung du và miền núi Bắc bộ đang đứng trước thời cơ phát triển mới khi quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát phấn đấu duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và đảm bảo quốc phòng, an ninh; khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước; cơ bản sắp xếp ổn định dân cư, nhất là vùng đồng bào tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện, đưa dân ra biên giới, khắc phục cơ bản tình trạng di dân tự do; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Phương hướng phát triển các nghành, lĩnh vực
- Với sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: Phát triển các vùng chuyên canh tập trung, quy mô thích hợp như: cây chè, cao su, cà phê, cây ăn quả, dược liệu, hoa, rau màu… Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hình thành các khu chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò thịt, bò sữa, dê, lợn với quy mô trang trại gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp. Chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng; khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, trồng cây đặc sản, cây dược liệu dưới tán rừng… Hoàn thành giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư, chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy, bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại các hồ lớn và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
- Về công nghiệp: Phát triển các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ gắn với phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Khôi phục và phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm truyền thống phù hợp với bản sắc văn hóa của từng địa phương.
- Phát triển dịch vụ và du lịch: tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, trước hết là sản phẩm nông sản; phát triển nhanh và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ thương mại, tăng cường trao đổi thương mại giữa các tỉnh trong vùng với Trung Quốc và Lào. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn vùng.
- Phát triển kết cấu hạ tầng: Xây dựng và nâng cấp các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện theo quy hoạch. Xây dựng đường kết nối các tỉnh với các tuyến đường cao tốc, đường tuần tra biên giới. Đầu tư hoàn thiện đường giao thông nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; phát triển đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa…
Phát triển thủy lợi, cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống; áp dụng các công nghệ tiên tiến và xây dựng các mô hình cấp nước hợp vệ sinh cho nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Đầu tư đồng bộ hạ tầng hệ thống truyền tải và phân phối điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của các khu công nghiệp và nhu cầu sử dụng của nhân dân; xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống viễn thông hiện đại phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và nhu cầu của nhân dân.
- Phát triển văn hóa - xã hội: Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương; ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở cho các địa phương trong vùng.
Múa sạp của dân tộc Thái
Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, làm nền tảng cho sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc trong vùng.
Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình giảm nghèo và tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất bền vững, từng bước nâng cao thu nhập.
- Phát triển khoa học và công nghệ nhằm đồng bộ hóa công nghệ những ngành có lợi thế của vùng, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Sử dụng hợp lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường: Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản; sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích đất hiện có, duy trì diện tích lúa nước khoảng 250 nghìn ha nhằm đảm bảo an ninh lương thực; bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước, diện tích rừng hiện có, tăng cường trồng mới rừng kinh tế, rừng phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng…
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh
Cầu treo về bản
Ảnh: Phương Liên
Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu tại cá xã vùng biên giới gắn với bảo đảm điều kiện sản xuất và sinh hoạt an toàn để hoàn thành việc đưa dân đến sinh sống tại vùng biên giới. Chủ động nắm chắc tình hình và ứng phó kịp thời với mọi tình huống.
Hoàng Thu
[TT: PLN]