Đại biểu Quốc hội đề xuất chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
02:09 07/08/2013 Lượt xem: 362 In bài viếtSau hơn hai tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân, thực tiễn thi hành luật ở các địa phương, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai của Đảng và Nhà nước, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, Dự thảo Luật Đất đai tiếp tục được đại biểu Quốc hội dành thời gian thảo luận, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Do tính chất quan trọng của Dự án Luật Đất đai có tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước, đời sống của mọi người dân và còn có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã quyết định tiếp tục hoàn thiện, thông qua Dự án Luật Đất đai vào kỳ họp thứ 6. Trong số này, Tạp chí Dân tộc trích đăng ý kiến của một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số - một vấn đề bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xoá đói giảm nghèo ở vùng miền núi, dân tộc nước ta.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn
Về Điều 35 - nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất.
Tại Khoản 7, đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế giám sát của Quốc hội về tình trạng thiếu đất ở vùng đồng bào dân tộc đã chỉ ra một trong những nguyên nhân hạn chế đến kết quả giải quyết là do không có quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến không có quỹ đất để thực hiện chính sách. Mặt khác việc phát triển thủy lợi, thủy điện, giao thông thời gian qua đã thu hồi hàng trăm ngàn hecta đất nông nghiệp tốt nhất của miền núi, trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Do đó, quy định đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung ưu tiên thực hiện nhằm thể hiện mức độ cấp bách của vấn đề cần giải quyết, sự công bằng với những đóng góp của đồng bào dân tộc vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước; mặt khác cũng để chính sách đủ điều kiện thực thi, có kết quả, phù hợp với Điều 27 quy định trách nhiệm của Nhà nước về giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung khu vực rừng ma, rừng thiêng là nơi thờ cúng, hành lễ tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc thiểu số vào danh mục đất tín ngưỡng (Khoản 1, Điều 158).
Đại biểu Triệu Thị Nái - Hà Giang
Khoản 2 Điều 84 - đề nghị sau cụm từ "cơ sở hạ tầng đồng bộ", bổ sung thêm cụm từ "bố trí đất sản xuất"; sau cụm từ "phong tục tập quán" bổ sung thêm cụm từ "bản sắc văn hóa", bởi các lý do yêu cầu có đất sản xuất cho những hộ dân tái định cư là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, đại đa số người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, đã gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy từ ngàn đời là đối tượng chính thực hiện di dân tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước. Người dân phải di chuyển chỗ ở là bất đắc dĩ. Để người dân tái định cư có cuộc sống đảm bảo, ổn định lâu dài, bền vững, trước khi chuyển đến nơi ở tại khu tái định cư, ngoài việc nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, cần phải quy hoạch và xây dựng phương án bố trí đất sản xuất, tránh tình trạng thời gian qua có những điểm tái định cư bà con đã ở hai, ba năm nhưng vẫn chưa có hướng sản xuất vì không có đất sản xuất và không có nghề để tạo ra thu nhập dẫn đến đời sống rất khó khăn.
Có đất sản xuất là nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân khi thực hiện tái định cư. Do đó, Khoản 2 cần được sửa lại là: "khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bố trí đất sản xuất phù hợp với điều kiện phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của từng vùng miền và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, bảo đảm bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Tại Khoản 3, sau cụm từ "cơ sở hạ tầng" bổ sung thêm "đã bố trí đất sản xuất". Khoản 3 sẽ là: "việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, đã bố trí đất sản xuất của khu tái định cư". Quy định như vậy để Điều 84 phù hợp với nguyện vọng của người dân tái định cư, đồng thời phù hợp với Điều 27 - Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều 85, Khoản 1, đề nghị cần quy định cụ thể thời gian niêm yết nội dung thông báo về dự kiến phương án bố trí tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã và tại nơi tái định cư 15 ngày trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư để người dân có thời gian nghiên cứu, bàn luận, tham gia ý kiến nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất cao khi tổ chức thực hiện tái định cư.
Bất cứ dự án nào phải di chuyển nhà ở của người dân thực hiện tái định cư, dù quy mô nhỏ vài chục hộ đến quy mô lớn vài chục ngàn hộ đều ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng. Vì thế, để nâng cao ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc sẵn sàng chấp nhận một số mất mát trước mắt vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực thực hiện di dời đến nơi ở mới, nhà nước cũng phải có trách nhiệm thông qua những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp và kịp thời để giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, sản xuất, phát triển kinh tế. Đó cũng là cam kết của Chính phủ bảo đảm cuộc sống cho người dân tái định cư bị ảnh hưởng có đủ nhà ở, đất sản xuất và các điều kiện khác bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Không chỉ đối với dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố do Quốc hội, Chính phủ quyết định thì Thủ tướng Chính phủ mới quyết định khung chính sách bồi thường hỗ trợ mà đối với các dự án có phạm vi hẹp, nhưng phải thực hiện di dời chỗ ở của người dân, Chính phủ phải có khung chính sách chung thống nhất trong cả nước về hỗ trợ, bồi thường tái định cư. Trên cơ sở đó giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể nhằm khắc phục tình trạng thời gian qua, mỗi địa phương lại quy định các điều kiện và định mức khác nhau, dẫn đến người dân thắc mắc, so bì, khiếu kiện kéo dài.
Đại biểu Chu Lé Chừ (Chu Lê Chinh) - Lai Châu
Thực tế cho thấy tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề rất lớn, tiềm ẩn yếu tố gây bất ổn về chính trị, kinh tế - xã hội. Do đó, cần có quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 27 của Dự thảo Luật.
Điều 86 của Dự thảo Luật nên quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khắc phục tình trạng giữa các địa phương có mức bồi thường, hỗ trợ khác nhau như hiện nay đã gây nhiều khiếu kiện trong nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá - Trà Vinh
Về Điều 53 giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác. Qua giám sát việc giao đất, cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy mặc dù đã được Nhà nước cấp đất nhưng chủ cũ vẫn còn canh tác nên đồng bào không thể sản xuất được hoặc có trường hợp cấp chồng lấn với đất rừng, đất lâm trường, đất của nông trường.... Đề nghị sau khi có quyết định thu hồi đất, giao đất phải bàn giao cụ thể cho hộ gia đình và cá nhân; chính quyền địa phương giám sát đối với trường hợp giao đất, cấp đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy - Hậu Giang
Đối với quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định từ Điều 60 đến Điều 93.
Ngoài những khoản đền bù về đất, công trình kiến trúc, hoa mầu, hỗ trợ đào tạo nghề... đề nghị giá bồi thường cần tính thêm mức thiệt hại của người bị thu hồi đất nông nghiệp không còn đất canh tác, tức là mất tư liệu sản xuất đặc biệt trong thời gian ít nhất là 3 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất. Giá hỗ trợ mất thu nhập được tính theo thu nhập trung bình từ sản xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh của hộ gia đình nhân với số diện tích đất bị thu hồi. Thực tế là dù được bố trí tái định cư nhưng ở nơi ở mới người dân cũng không có đất để sản xuất; còn tạo nghề nông thôn đang có nhiều bất cập, khó áp dụng ngành nghề được đào tạo để giải quyết việc làm; hơn nữa những đối tượng từ 40 tuổi trở lên khi học ngành nghề mới rất khó áp dụng và hầu như chỉ quen với nghề nông. Do vậy, sau khi nhận đền bù, những đối tượng sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất, mất tư liệu sản xuất không có sinh kế ở khu tái định cư, cuộc sống khó khăn sẽ gây bất ổn trong xã hội. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm khoản hỗ trợ bồi thường do phải chuyển môi trường sinh sống, mất thu nhập của người sản xuất kinh doanh khi đất bị thu hồi và mức tính này nên áp dụng với cả những đối tượng tuy không có đất bị thu hồi song cũng bị ảnh hưởng bởi công trình dự án.
Hải Minh- Trí Dũng
[TT: PLN]