Hội thảo "Xây dựng nội dung, hình thức và các hoạt động của mô hình, thí điểm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới"
09:21 08/08/2013 Lượt xem: 328 In bài viếtTriển khai Mô hình 5 Dự án 4 của Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 về "Hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới", vừa qua, tại Hà Nội, Uỷ ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo "Xây dựng nội dung, hình thức và các hoạt động của mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới". TS Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và Ban Dân tộc các địa phương.
Theo Quyết định số 245/QĐ-UBDT ngày 27/5/2013 do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương ký ban hành, toàn quốc có 30 xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số tham gia thực hiện mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới. Thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm, từ 2013 - 2015. Năm 2013, các hoạt động trong mô hình gồm: Thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại điểm cố định (Bưu điện văn hoá xã hoặc nhà người có uy tín trong thôn bản); thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới lưu động tại các thôn bản; tăng cường công tác truyền thông qua hệ thống phát thanh xã, thôn, bản, pa nô, khẩu hiệu…
Nhiệm vụ của các tổ tư vấn, hỗ trợ cố định và lưu động là tư vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực giới và bạo lực gia đình, định kiến giới và hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đấu tranh xoá bỏ phân biệt đối xử về giới và định kiến giới… nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ tại địa phương.
Xuất phát từ thực tiễn đối với vùng dân tộc thiểu số, biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả của thông tin, tuyên truyền phải bằng hình ảnh trực quan hoặc hình thức văn hoá, nghệ thuật có sử dụng ngôn ngữ của đồng bào. Tham luận tại hội thảo, đại diện Ban Dân tộc các địa phương đề xuất trong 2 năm 2014 và 2015, mô hình cần đa dạng các phương pháp và hình thức truyền thông phù hợp như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền sử dụng báo cáo viên là người dân tộc thiểu số; xây dựng băng, đĩa hình có thuyết minh bằng tiếng dân tộc; sử dụng tờ rơi, tờ gấp, cẩm nang về bình đẳng giới, thành lập các câu lạc bộ về bình đẳng giới, tuyên truyền vận động giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Kết luận hội thảo, TS Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc yêu cầu Vụ Dân tộc thiểu số tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương; sớm tổ chức tập huấn triển khai mô hình tại cơ sở, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông trên cơ sở hướng dẫn các xã lựa chọn vấn đề bức xúc nhất tại địa bàn để đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo bước chuyển rõ rệt trong thực hiện bình đẳng giới.
Trí Dũng
[TT: PLN]