Xóa "3 không"
Được mệnh danh là chốn “thâm sơn cùng cốc” của Hà Nội, là xã nghèo điển hình, nơi có 85% dân số người dân tộc Mường của tỉnh Hòa Bình trước đây và hiện vẫn đang hưởng chính sách từ Chương trình 135 của Chính phủ, Yên Trung trở thành người Thủ đô trong tư thế như vậy.
Còn nhớ năm 2007, vượt quãng đường gần 60km đến với đồng bào xã Yên Trung mà chúng tôi cứ ngỡ như bước vào một vùng quê xa xôi hẻo lánh của đất nước. 60km Hà Nội - Yên Trung thay đổi qua từng cây số, hai đầu mốc là sự khác biệt đối lập. Chẳng ai dám nghĩ người xã Yên Trung bao đời nay sống trong núi non rậm rạp xa xôi bỗng chốc trở thành công dân Hà Nội. Lúc đó chẳng khó để tìm ra nguyên nhân vì sao mảnh đất vốn giàu tài nguyên thiên nhiên như những xã lân cận mà cái đói nghèo cứ bám riết như thế. Không điện, không đường bê tông, không trạm y tế, không trường ở một số thôn xa trung tâm xã là hiện thực chưa xa.
Sau 1 năm, khi Yên Trung về với Hà Nội, chúng tôi có dịp đến với mảnh đất này. Nghèo khó vẫn thường trực. Là công dân Thủ đô nhưng người dân nơi đây nghe nói đến chiếc bóng điện, chiếc radio… là những thứ xa lạ. Năm 2008, thu nhập bình quân của người dân Yên Trung là 8 triệu đồng/năm. Nơi đây còn nhà tranh vách đất, đồng bào dân tộc sống thưa thớt trong rừng. Chúng tôi hỏi chuyện cụ Đinh Văn Vận, người thôn Hương, cụ cũng không biết bản làng mình đã về Hà Nội từ lúc nào... Người ta nói Yên Trung là mảnh đất duy nhất ở Thủ đô mà điện, đường, trường chưa “phủ” hết.
Những ngày cuối tháng 7/2013, chúng tôi lại một lần
nữa có mặt tại mảnh đất “3 không” của Thủ đô. Ngồi trong trụ sở làm việc mới
khánh thành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hoàng Phương “khoe” ngay: “Thành phố
đầu tư xây mới cho xã chúng tôi, khang trang, đàng hoàng hơn những lần trước các
anh lên”. Nhắc đến những lần trước, ông Phương sực nhớ ra điều gì rồi vui mừng
thông báo tiếp: “Thôn Hương, thôn Hội có điện rồi nhé. Không những điện mà hệ
thống trường, trạm đã được đưa vào sử dụng mấy năm nay”. Quả thật, khi nghe ông
Phương cho biết điện đã về với 2 thôn xa xôi nhất của xã, chúng tôi không khỏi
bất ngờ.
Không bất ngờ sao được khi 4 năm trước, tiếng là địa phận Thủ đô nhưng thôn Hương, nơi xa trung tâm nhất, nơi giáp ranh với tỉnh Hòa Bình là một chốn rừng âm u tĩnh mịch, lác đác người dân, muốn vào đến thôn phải đi mấy cây số đường rừng. Cũng 4 năm trước, những cán bộ xã cùng với việc của Ủy ban họ tranh thủ lên rẫy phát cây, tăng gia kiếm thêm thu nhập. Ông Phương bảo: “Bây giờ bận rộn lắm. Trước đây mỗi tháng chúng tôi mới báo cáo một lần cho huyện. Từ ngày về Hà Nội, xã phải gửi báo cáo bằng văn bản hàng tuần”.
Động lực vươn lên
Khi hỏi đến tình hình xã sau 5 năm sáp nhập về Thủ đô, ông Phương cho biết, nhờ được “bóng” Hà Nội mà cuộc sống của nhân dân ở xã đã bớt khó khăn. Chương trình 135 được triển khai rộng rãi, đến nay đường giao thông đã được mở rộng đến từng thôn, xóm, đi lại thuận tiện. Ngầm Hương Hội cũng được sửa chữa lại, chấm dứt tình trạng dân bản bị cô lập mỗi khi lũ về. Đặc biệt, 100% dân trong xã đã có điện, hầu như nhà nào cũng mua sắm tivi, nồi cơm điện và các tiện nghi phục vụ sinh hoạt... và đã xóa được 100% nhà tranh vách nứa. Đến hết năm 2013, chúng tôi phấn đấu đạt thu nhập 15 triệu đồng/ người/năm, vượt gần gấp đôi thời điểm chưa về Hà Nội. ông Phương cho biết.
Trưởng thôn Hương, ông Nguyễn Văn Định hồ hởi khoe: “Thôn Hương giờ vẫn còn 5 hộ nghèo, chiếm 10%, nhưng đã giảm nhiều so với con số 50% hộ nghèo của 4 năm về trước. Số hộ có kinh tế khá cũng tăng, chiếm đến 60%, nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản”. Song điều khiến ông Định vui nhất là trục giao thông chính 2 km đã được bê tông hóa. Chẳng bù cho năm nào, hễ mưa xuống là đường nhầy nhụa vì bùn lầy, giao thông gần như bị đình trệ.
Người dân thôn Hương rất phấn khởi khi cuộc sống của họ đang đổi thay, điện đã về nhưng có lẽ, hưởng niềm vui trọn vẹn nhất là những em bé mầm non khi được vui chơi, học tập trong lớp học khang trang, sạch đẹp. Đói ăn, đói điện, đói đường đã được xóa. Yên Trung bây giờ đã đổi thay bằng động lực mà như ông Hoàng Phương nói là từ “chính nỗi ám ảnh xã nghèo nhất Thủ đô”.
Hà Phương
[TT: PLN]