5 năm mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội. Khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử ý nghĩa thực tiễn lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển của thủ đô và đất nước
04:07 25/09/2013 Lượt xem: 391 In bài viếtNgày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Đây là sự kiện có ý nghĩa chiến lược và tầm vóc lịch sử, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, ổn định, lâu dài của một thành phố giữ vai trò là trung tâm đầu não về chính trị-hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô cả trước mắt và trong tương lai khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực tế phát triển của Hà Nội 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử cũng như ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Tạp chí Dân tộc trích đăng bài phát biểu của đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính do Thành phố Hà Nội vừa tổ chức.
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, ngày 01 tháng 8 năm 2008, toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội sau hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã đi vào hoạt động.
Một thiên niên kỷ đã qua kể từ khi Đức vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Thăng Long, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có “thế rồng cuộn, hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông, dựa núi”, “địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng”, “muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước, được Đảng và Nhà nước trao tặng ba lần Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Thành phố Anh hùng; bạn bè quốc tế tôn vinh là Thành phố vì hòa bình, là lương tri, phẩm giá con người.
Với yêu cầu xây dựng Thủ đô trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định mang ý nghĩa lịch sử: Điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết số 15 Quốc hội khóa XII, địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội bao gồm: Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình. Thủ đô Hà Nội sau khi được mở rộng có diện tích 3.328 km2, lớn gấp hơn 3 lần trước đây; dân số tăng hơn gấp rưỡi, hơn 6,2 triệu người, hiện nay là hơn 7 triệu người; gồm 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, thị trấn.
Chặng đường 5 năm thật sự ngắn so với tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô. Song, là một chặng đường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước - Cả nước vì Hà Nội", ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước.
Trong thời gian rất ngắn, toàn bộ hệ thống chính trị
bao gồm cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn
thể chính trị - xã hội, lực lượng quân sự, công an, cơ quan sự nghiệp, các tổ
chức xã hội nghề nghiệp... đã khẩn trương bắt tay vào công việc, làm việc không
quản ngày nghỉ, giờ nghỉ, quyết tâm chạy đua với thời gian, để đúng ngày 1 tháng
8 năm 2008, kỳ họp hợp nhất Hội đồng nhân dân Thành phố chính thức khai mạc,
đánh dấu hoàn thành việc hợp nhất; và ngay trong ngày đầu tiên ấy, bộ máy, tổ
chức và cán bộ của thành phố Hà Nội mở rộng chính thức đi vào hoạt động, đảm bảo
cho mọi công việc của Thành phố được diễn ra suôn sẻ. Bộ máy, biên chế không
phình ra, trụ sở các cơ quan, đơn vị cùng toàn bộ cơ sở vật chất của các địa
phương hợp nhất được bố trí sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm.
Trong bối cảnh những năm qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến
phức tạp, suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu; nhiều khó khăn, thách thức
mới đặt ra. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp
tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh
thần chủ động, vận dụng sáng tạo đường lối, Nghị quyết của Đảng; tranh thủ thời
cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp xây dựng và phát
triển Thủ đô tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan
trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim, đầu não chính trị
- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và
giao dịch quốc tế.
Những kết quả, thành tựu nổi bật của Thủ đô 5 năm qua được thể hiện trên các lĩnh vực chủ yếu sau:
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn chiếm trên 10% cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%/năm, từ 6,9 tỷ USD năm 2008, tăng lên 10,3 tỷ USD năm 2012. Nông nghiệp tiếp tục phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Giá trị sản xuất năm 2012 đạt 199 triệu đồng/ha, gấp 1,63 lần so với năm 2008. Thu ngân sách từ 57 nghìn tỷ đồng năm 2007, đến năm 2012 đạt 146.331 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần trước khi hợp nhất, bình quân tăng 19,2%/ năm và chiếm trên 20% tổng thu ngân sách cả nước.
Thủ đô Hà Nội hôm nay
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị; phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, diện mạo Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại từng bước trở thành hiện thực. Trong đó công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng và là một trong những thành tựu nổi bật của Hà Nội sau 5 năm hợp nhất. Thành phố đã đầu tư vốn ngân sách hơn 50 ngàn tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Có những địa bàn nông thôn mức đầu tư trong 5 năm qua lớn gấp từ 10 đến 30 lần so với mấy chục năm trước. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Thủ đô có nhiều khởi sắc; đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nước sạch... được đầu tư theo hướng chuẩn hóa.
Văn hóa - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Sau khi hợp nhất, nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người trên lĩnh vực văn hóa - xã hội bị giảm so với trước, song với những cố gắng mới, Thành phố Hà Nội vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, y tế, thể dục thể thao... Công tác đảm bảo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với các đối tượng chính sách, người có công và bảo trợ xã hội, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, Thành phố còn có các chế độ, chính sách hỗ trợ bổ sung, tôn vinh các đối tượng người có công và giúp đỡ người nghèo.
Thành phố đã thực hiện tốt yêu cầu đảm bảo ổn định chính trị; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; trật tự an toàn xã hội được giữ vững trong mọi tình huống.
Những kết quả đạt được trong 5 năm qua khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; đồng thời khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; hiện thực hóa mong ước và căn dặn của Bác Hồ: Hà Nội phải phấn đấu là địa phương đi đầu, kiểu mẫu của cả nước; xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với sự tin yêu và mong đợi của nhân dân Thủ đô và cả nước…
Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
[TT: PLN]