Bước tiến trong bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta
04:11 25/09/2013 Lượt xem: 393 In bài viếtNgày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là văn kiện chuyên đề sâu sắc và toàn diện về văn hoá sau Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là bước phát triển mới, cực kỳ quan trọng trong tư duy của Đảng, thực sự có ý nghĩa chiến lược về văn hóa. Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội đã khẳng định: Một trong 10 nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết là bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Thành tựu
Trước hết, nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên. Sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đạt những kết quả nhất định: điều tra, nghiên cứu bảo tồn một số làng bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc ít người; sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hóa thông tin phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ văn hóa xã đặc biệt khó khăn; phối hợp xây dựng đời sống văn hóa tuyến biên giới, hải đảo; cấp trang thiết bị, phương tiện hoạt động cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn… Kết hợp lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số những năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đã kịp thời được bảo tồn, phát huy. Hoạt động giao lưu, tôn vinh và giới thiệu quảng bá văn hóa các dân tộc được quan tâm thực hiện. Định kỳ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở mỗi địa phương, cấp khu vực và quy mô toàn quốc: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và miền Đông Nam bộ; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Mông, Chăm, Khmer, Mường, Hoa; Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc, Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam… đã tạo cơ hội để đồng bào giao lưu, học hỏi, hiểu biết về văn hóa dân tộc, tăng cường đại đoàn kết dân tộc.
Lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật là người dân tộc thiểu số được quan tâm phát hiện, bồi dưỡng. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ trí thức thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số và tạo điều kiện để trí thức, cán bộ dân tộc thiểu số trở về phục vụ quê hương. Thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số. Quan tâm đến các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, giảm tỉ lệ hộ đói nghèo, ổn định và cải thiện đời sống, xóa mù chữ và nâng cao dân trí, xóa bỏ hủ tục, thói quen lạc hậu, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được coi trọng và chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến cơ sở đã làm khởi sắc bộ mặt nông thôn, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, tình làng nghĩa xóm được gắn bó.
Các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ…) vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chỉ đạo và triển khai từ Trung ương đến địa phương. Gần 100% số xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa hoặc bưu điện văn hóa; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đề án Xây dựng huyện điểm văn hóa những năm gần đây đã tạo nên sự chuyển biến lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các thành tựu trên đã khẳng định việc coi trọng và phát huy vai trò của người dân-chủ thể của văn hóa ngày càng được chú trọng và quan tâm hơn.
Hạn chế
Các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số chưa được đầu tư, hỗ trợ đúng tầm. Nhiều giá trị chưa được sưu tầm và lập hồ sơ nghiên cứu để có kế hoạch bảo tồn, phát huy trong đời sống cộng đồng và tôn vinh ở cấp quốc gia như: Kho tàng dân ca, dân vũ, tiếng nói, chữ viết của các tộc Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, ÊĐê, M’Nông, Giarai, Chăm, Khmer…Việc bảo tồn, phát huy, phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các tộc thiểu số tuy được đề cập trong một số văn bản của Đảng, Nhà nước hoặc được phê duyệt theo các đề án, dự án cụ thể, nhưng trong thực tế chưa quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng. Điều tra, nắm bắt thực trạng về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số và vùng miền chưa thường xuyên, chưa kịp thời đầy đủ, chưa xây dựng được bản đồ quy hoạch, kế hoạch bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các tộc người và vùng miền sát thực cho từng giai đoạn nên còn mang tính định hướng chung, thiếu định lượng cụ thể… Việc thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để có giải pháp và đầu tư ngân sách trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống các tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có số dân rất ít hoặc ở những vùng đặc biệt khó khăn đang có nguy cơ cao bị đồng hóa, mất bản sắc, hoặc không thể tự bảo vệ được văn hóa của mình còn hạn chế, chưa có đầu tư thỏa đáng. Nhiều di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số chưa được nghiên cứu, lập hồ sơ để tôn vinh công nhận là di sản cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia; đa số nghệ nhân của các tộc thiểu số chưa được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát huy trong việc bảo tồn những di sản văn hóa mà họ là người nắm giữ nên nhiều giá trị truyền thống nằm trong những “di sản sống” đó lần lượt mất đi theo năm tháng… Phục dựng một số sinh hoạt văn hóa truyền thống (lễ hội…) của các dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn có biểu hiện “sân khấu hóa”, có thể làm biến dạng, méo mó phần nào giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống chưa được giới thiệu quảng bá nên phát huy tác dụng xã hội hạn chế. Số cán bộ có trình độ cao, am hiểu sâu và tâm huyết với văn hóa các dân tộc thiểu số, say sưa tận tụy, có nhiều sáng kiến đóng góp cho bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số chưa nhiều và chưa đảm bảo được chuẩn hóa. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số có nhiều cố gắng, mức hưởng thụ của đồng bào về văn hóa được cải thiện nhưng do điểm xuất phát thấp, trình độ phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế nên mặt bằng về hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới còn có khoảng cách lớn so với những vùng thuận lợi. Vùng dân tộc thiểu số đã và đang bị tác động bởi nhiều luồng văn hóa bên ngoài không phù hợp với đặc điểm và thuần phong mỹ tục, không gian văn hóa; bên cạnh đó còn tồn tại những tập tục, thói quen lạc hậu ảnh hưởng không ít đến sự tiến bộ và phát triển của các dân tộc…
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời khi đất nước ta mới bước những bước ban đầu của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Sau 15 năm, cơ chế thị trường đã thực sự vận hành, lộ rõ cả tác động tích cực và tiêu cực đến đời sống văn hóa, xã hội. Chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa các đối tượng, các vùng miền ngày càng gia tăng do mặt trái của cơ chế thị trường đang tạo ra sự phân tầng xã hội gay gắt. Văn hóa là nền tảng, vừa là mục tiêu, động lực, hệ điều tiết xã hội, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn đất nước. Đối diện với toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa, nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng một nền văn hóa của quốc gia vững chắc. Văn hóa sẽ là nhân tố hòa giải, đoàn kết dân tộc trước toàn cầu hóa và những âm mưu làm suy yếu nước ta. Bởi vậy phải chú trọng xử lý quan hệ giữa 3 trụ cột: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.
ThS. Nguyễn Quang Hải
[TT: PLN]