Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. Tăng dần định mức đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn
09:33 03/10/2013 Lượt xem: 321 In bài viếtNhững năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Chính sách, Chương trình, Dự án phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng chậm phát triển, tỷ lệ nghèo đói cao so với bình quân chung của cả nước. Vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí về những thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách dành cho vùng dân tộc, miền núi với những câu hỏi rất cụ thể của người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng như những trăn trở đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở...
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.
Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm! Một cán bộ xã nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng Chương trình 135 phản ánh: Hiện nay Nhà nước đang đầu tư cho mỗi xã đặc biệt khó khăn 1,5 tỷ đồng/năm. Khoản kinh phí này dành để đầu tư 4 hạng mục: Xây dựng cơ sở hạ tầng; trợ giúp pháp lý; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và hỗ trợ phát triển sản xuất. Người cán bộ xã cho rằng định mức đầu tư như vậy là bất hợp lý, không đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử: Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010 bố trí định mức đầu tư mỗi xã 1 tỷ đồng; mỗi thôn, bản 200 triệu đồng. Giai đoạn 2013-2015 bắt đầu thực hiện từ năm 2014, định mức được nâng lên 1,5 tỷ đồng/xã. So với khả năng ngân sách, định mức đã được nâng lên, nhưng so với kiến nghị của các địa phương và tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì định mức trên vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ khả năng làm xoay chuyển tình hình ở các xã, thôn bản nghèo.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành Trung ương tham mưu, đề xuất Chính phủ có lộ trình tăng dần định mức đầu tư cho các địa phương đặc biệt khó khăn.
Trong điều kiện khó khăn chung, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc, giúp đồng bào khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Quá trình hoạch định chính sách phải sát với dân, xuất phát từ nguyện vọng của cộng đồng, linh hoạt, phù hợp với thực tế, tránh tình trạng vùng thiếu nước sinh hoạt lại hỗ trợ đất sản xuất và ngược lại. Hỗ trợ sản xuất rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là cần nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân cũng như cán bộ cơ sở. Hiện nay, các dự án Nhà nước đầu tư cho các xã nghèo thuộc Chương trình 135 đều giao cho Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư. Do vậy, vấn đề nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã cần được đặc biệt quan tâm để đội ngũ này đủ khả năng quản lý, chỉ đạo các chương trình, dự án, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần triệt để chống tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.
PV: Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm! Người dân phản ánh: Hiện nay, một số dự án hỗ trợ định canh, định cư ở địa phương đang thực hiện nhưng bị bỏ dở dang, không biết đến khi nào mới hoàn thành. Tại sao lại có tình trạng này và đến bao giờ những dự án đó được tiếp tục hoàn thành để phục vụ đời sống nhân dân?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử: Nước ta đang trong giai đoạn phát triển nên đô thị hóa vùng nông thôn đang trở thành vấn đề trọng tâm của tất cả các địa phương, phù hợp với chính sách của Nhà nước. Với vùng dân tộc, miền núi, nhu cầu đô thị hóa cũng rất quan trọng.
Thời gian qua, đa số các địa phương thực thi rất
hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án do Chính phủ ban hành như: Chương
trình 135, trung tâm cụm xã, trong đó có cả khu thương mại, bệnh viện…
Tuy nhiên, Ủy ban Dân tộc đã kiểm tra và xác định vẫn còn một số địa phương
triển khai, thực hiện chính sách dân tộc chậm, dở dang. Có tình trạng dự án xây
dựng trung tâm cụm xã đã được giải ngân đến 50% nhưng bỏ dở, hoặc không phát huy
tác dụng…
Cách khắc phục vấn đề này như thế nào? Trước hết phải xuất phát từ nhu cầu chung của cộng đồng, của người dân. Tôi cho rằng, cần có sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành quản lý chính sách, chương trình, dự án để phân định rõ trách nhiệm đầu tư. Ví dụ: Công trình y tế thì ngành nào quản lý; công trình chợ thì ngành nào đảm nhiệm...
Để tránh lãng phí, theo tôi cần làm hai việc: Thứ nhất, báo cáo với Chính phủ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình dở dang để đưa vào sử dụng. Thứ hai, phải tìm hiểu và xác định lại nhu cầu. Nếu người dân và địa phương không có nhu cầu thì phải chuyển sang đầu tư lĩnh vực khác, nội dung khác, hạng mục công trình khác.
Thực tế khoảng 10 năm trở lại đây có tình trạng công trình dở dang, gây lãng phí mà người dân đã phản ánh đúng. Tôi cho rằng, các cấp ủy và chính quyền địa phương phải làm việc có trách nhiệm hơn, sát với người dân hơn. Khi duyệt dự án cần tính đến nhu cầu thực tế của từng địa phương, phù hợp với phong tục tập quán vùng miền và nguyện vọng của đồng bào dân tộc thì mới đạt hiệu quả.
Một góc khu tái định cư thủy điện Sơn La
PV: Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm! Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo vấn đề định canh định cư. Tuy nhiên, đến nay, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt vẫn đang là tình trạng khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt ở những vùng tái định cư khiến người dân không yên tâm sản xuất. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử: Mỗi vùng, miền của nước ta đều có ưu thế và hạn chế riêng. Vùng có quỹ đất tốt, sản xuất nông nghiệp thuận lợi nhưng cũng có vùng phần lớn là núi đá, diện tích đất sản xuất rất thấp. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu… dù rất rộng nhưng toàn núi đứng. Đó là khó khăn lớn với các địa phương. Theo quan điểm của tôi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là vùng núi đá phía Bắc có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn thì không bao giờ khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất do không thể biến đá thành đất.
Hiện nay, đối với đồng bào dân tộc, thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt đang trở thành vấn đề phổ biến, nhất là ở những vùng khó khăn, núi cao, vực sâu… Bên cạnh đó, vùng núi còn là nơi đầu nguồn các sông, có nhiều công trình thủy điện lớn của đất nước. Song diện tích ngập lòng hồ thủy điện đã đẩy người dân vào tình trạng khó khăn vì càng lên núi cao thì nhiều vùng càng không có đất sản xuất. Do đó, các địa phương cần có tính toán và phương án cụ thể, chủ động trình Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành phải xác định cho được quỹ đất tương ứng với số dân, đảm bảo định mức tối thiểu đất sản xuất cho người dân. Trường hợp không đảm bảo định mức đất, Nhà nước phải cân đối lại và đó thực chất là bố trí, sắp xếp lại dân cư. Giải pháp thứ hai rất quan trọng và mang tính tích cực, đó là Nhà nước phải đầu tư nguồn lực để chuyển đổi ngành nghề cho người dân.
PV: Xin được dành câu hỏi cuối cho một người dân ở tỉnh Trà Vinh nhưng lại là câu chuyện khá điển hình cho tiêu chí phân loại và cách ứng xử với hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Chị Sơn Thị Mừng - một hộ nghèo ở ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết, 2 năm qua, gia đình được xếp vào diện hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ 2 lần tiền dầu và tiền ăn Tết 100.000 đồng/người. Tuy nhiên, mới đây gia đình chị bất ngờ được “thoát nghèo”, trong khi như chị kể: “Gia đình tôi hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đất không có, nước sạch cũng không, điện thì câu từ hộ nghèo khác, chồng là bộ đội phục viên phải đi làm thuê, hai đứa con còn nhỏ, hay đau ốm. Hộ của tôi như vậy có cho thoát nghèo hay không?”. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết ý kiến về trường hợp này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử: Tôi cho rằng đây là trường hợp không phổ biến, nhưng cần phải xem xét lại. Xét công nhận hộ nghèo đã có tiêu chí của Chính phủ; điều kiện thoát nghèo cũng có tiêu chí để đánh giá. Cộng đồng có trách nhiệm bình xét, tức là nhân dân nơi cư trú phải xác định, công nhận hộ đấy là nghèo hay không còn nghèo theo đúng tiêu chí của Trung ương quy định.
Tôi cũng xin trả lời là còn khó khăn như vậy thì hộ gia đình chị Mừng chưa đủ điều kiện để thoát nghèo; đề nghị chính quyền địa phương xem xét lại và có bình xét, công nhận thật khách quan theo đúng các tiêu chí quy định của Trung ương.
PV: Một lần nữa xin cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trả lời phỏng vấn.
Theo Tạp chí Dân tộc Số 152 trang 12(tháng 8/2013)
[TT: PLN]