Phong trào yêu nước của đồng bào Dân tộc thiểu số góp phần quyết định làm nên cách mạng tháng 8 thành công

09:34 03/10/2013 Lượt xem: 1556 In bài viết

Ngày 27/9/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đồng bào các dân tộc thiểu số đã nổi dậy, xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập đội du kích hơn 200 người. Các đội Cứu quốc quân vũ trang được thành lập và chính quyền cách mạng ở cơ sở ra đời đã tạo chỗ dựa chính trị vững chắc cho khu du kích Bắc Sơn - Võ Nhai hình thành và phát triển. Lo sợ trước làn sóng cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số mà khởi đầu là khởi nghĩa Bắc Sơn, giặc Pháp đã phải huy động 4.000 quân, tiến hành khủng bố trắng, nhưng hoạt động du kích vùng chiến khu vẫn được giữ vững. Các chiến khu Ngọc Trạo, Đông Triều - Quảng Ninh đã hình thành thế liên hoàn của du kích Bắc Sơn, trở thành những căn cứ lớn của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Bắc Sơn và việc ra đời đội vũ trang cách mạng, khu du kích căn cứ cách mạng trong vùng dân tộc thiểu số Đông Bắc đã thể hiện tấm lòng kiên trung của đồng bào các dân tộc thiểu số một lòng theo Đảng, theo cách mạng, quyết tâm đánh đổ bọn thực dân, phát xít xâm lược và bọn phong kiến tay sai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ địa thế chiến lược của vùng Đông Bắc mà trung tâm là Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà. Người nhận thấy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí kiên cường dũng cảm của đồng bào các dân tộc nên đã chọn Pắc Bó-Cao Bằng làm nơi đặt chân đầu tiên sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại đi tìm đường cứu nước để trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Bác Hồ đã dày công cùng với Trung ương Đảng xây dựng và không ngừng củng cố cơ sở cách mạng vững vàng ở vùng Đông Bắc, mở đầu cho trang sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngày 8/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ Trung Quốc về Pắc Bó (Hà Quảng-Cao Bằng). Tại đây, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định đường lối xây dựng các tổ chức cách mạng, thành lập Mặt trận đoàn kết thống nhất dân tộc, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị các điều kiện và thời cơ thuận lợi tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Ở vùng Tây Bắc, Bắc Trung bộ, ngay từ năm 1930-1931, cơ sở đảng trong vùng dân tộc Thái đầu tiên được thành lập tại xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An. Năm 1940-1941, các chi bộ đảng đầu tiên được ra đời ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa. Các tổ chức cơ sở đảng thành lập là bước ngoặt trong lịch sử, thổi luồng gió mới vào truyền thống đoàn kết yêu nước đấu tranh giành tự do, độc lập. Thông qua tổ chức Mặt trận của Đảng, Mặt trận Việt Minh, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đã có bước phát triển mới. Từ chỗ phong trào chống thực dân phong kiến nổi dậy tự phát, lẻ tẻ ở từng địa bàn, nay phong trào cách mạng vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc thực sự tạo được khối đoàn kết, thống nhất, được tổ chức chặt chẽ, theo đường lối và phương châm, sách lược đúng đắn.

Với sự ra đời và hoạt động của chi bộ Đảng ở nhà tù Sơn La, các cán bộ cách mạng vượt ngục, được nhân dân các dân tộc che chở; nhờ tuyên truyền vận động của các đảng viên này mà những năm 40, nhiều cán bộ người dân tộc vùng Sơn La, Hòa Bình được giác ngộ trở thành hạt giống đỏ của cách mạng. Nhiều căn cứ cách mạng trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số như chiến khu Mường Khói, Diễn, Hiền Lương, Tu Lý thuộc các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ là những căn cứ làm cơ sở chuẩn bị cho việc nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Đối với đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, cuộc đấu tranh anh dũng kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược giành độc lập dân tộc đã trở thành bản hùng ca đi vào truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi đặt chân tới vùng đất này thực dân Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bất khuất kiên cường. Phong trào chống Pháp của thủ lĩnh N'Trang Lơng, dân tộc M'nông, đã nhanh chóng lan rộng khắp vùng Trung và Bắc Tây Nguyên trong suốt những năm đầu thế kỷ XX. N'Trang Lơng đã kiên cường phát động phong trào chống Pháp, ông kêu gọi người M'nông và Xtiêng ở khu vực tiếp giáp hai nước Việt Nam và Campuchia tổ chức đánh Pháp suốt 25 năm (1911-1936), tiêu diệt nhiều binh lính Pháp, làm nên những chiến công oanh liệt, buộc chúng phải rút khỏi cao nguyên M'nông. Những chiến công của N'Trang Lơng đã cổ vũ lòng yêu nước và sức mạnh của đồng bào Tây Nguyên, khơi dậy nhiều phong trào chống Pháp khác trên toàn miền cao nguyên Nam Đông Dương, làm cho thực dân Pháp thất điên bát đảo. Đồng bào các dân tộc Ba Na ở phía Nam, phía Bắc đường 19, tỉnh Gia Lai đã nổi dậy chống lại các cuộc hành quân của thực dân Pháp nhằm bắt lính, bắt xâu, thu thuế. Dân các làng Đe Chgang, Đe Krúi, Đe Kik, Đe Roi… dưới sự lãnh đạo của các già làng, tù trưởng đã tổ chức bố phòng cắm chông, đặt bẫy đá, lập chướng ngại vật trên các trục đường nối với đường 19 và tổ chức phục kích, đánh úp gây thiệt hại nặng cho quân Pháp. Ở Lâm Đồng, có một phong trào quần chúng độc đáo, bắt nguồn từ phong trào Nước Xu, do một phụ nữ dân tộc là Chu Hoi cùng cha là thủ lĩnh người Kơho đã vận động nhân dân tổ chức các hoạt động chống Pháp.

Tại Kon Tum, chi bộ trong nhà lao Kon Tum đã được thành lập vào tháng 9/1930, gồm 4 đảng viên, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Những hạt giống cách mạng ở chốn lao tù như ngục Đak Glei, ngục Kon Tum, nhà lao Pleiku, nhà đày Buôn Ma Thuột... đã làm nòng cốt cho phong trào cách mạng và có ảnh hưởng lớn đến đồng bào các dân tộc trong vùng, nhờ đó phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ.

Cùng với các dân tộc anh em, đồng bào người Hoa đã đoàn kết với các dân tộc cùng chống giặc ngoại xâm. Bà con người Hoa đã lập các trạm liên lạc để đưa cán bộ Việt Minh sang Trung Quốc đào tạo trong đó có đồng chí Trần Phú. Năm 1935, nhiều tổ chức người Hoa được thành lập như Tiến Đức xã, Hải Yến xã, Liên quân… để nuôi giấu cán bộ, tham gia cướp chính quyền từ tay Pháp - Nhật. Đồng bào người Hoa ở Nam bộ cũng tích cực tham gia cách mạng, nhiều người con ưu tú người Hoa đã tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Ban Hoa vận được thành lập khắp các tỉnh thành phía Nam, bà con xây dựng các cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chùa Ông ở quận Ninh Kiều-Cần Thơ là nơi hoạt động bí mật của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, về sau là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí của quân giải phóng.

Ở vùng đồng bào Chăm, cơ sở cách mạng phát triển ở nhiều nơi như Phú Nhuận, Hiếu Lễ, Phước Đồng (Ninh Phước - Ninh Thuận). Nhiều người Chăm tham gia hoạt động cách mạng du kích, tiêu diệt những tên lính Pháp và bọn tay sai, ác ôn như các lý trưởng, cường hào, ác bá; bí mật che giấu, nuôi dưỡng các cán bộ, đảng viên, những người yêu nước hoạt động cách mạng như đồng chí Trương Phú Khánh, Phú Như Lập. Những năm 1938-1939, dưới sự lãnh đạo của Xăm Trăm, phong trào chống đi phu đã lan rộng khắp các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên và lên cả Tây Nguyên.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp thua trận, Nhật nhảy vào Đông Dương. Đồng bào Chăm cũng như đồng bào các dân tộc anh em ở Ninh Thuận và cả nước phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc cực khổ, đã làm bùng cháy thêm ngọn lửa căm thù giặc sâu sắc. Đồng bào Chăm đã tự nguyện tham gia Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương và sau đó gia nhập Việt Minh. Năm 1944, các địa phương vùng đồng bào Chăm như Hoài Trung, Phước Lập, Mỹ Nghiệp (Ninh Phước) đã hình thành các cơ sở cách mạng có mối liên hệ mật thiết với nhau; đồng bào tích cực vận động quyên góp của cải ủng hộ cách mạng, điển hình như mẹ Nguyễn Thị Thềm đã ủng hộ hàng chục cây vàng.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, Đại đội Chế Bồng Nga, chủ yếu là những người con ưu tú của đồng bào Chăm, hoạt động ở vùng Bình Thuận đã tiêu diệt nhiều đồn địch. Đầu năm 1945, nhiều làng Chăm như Phú Nhuận, Phước Đồng, Hiếu Lễ... đã nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh. Những hoạt động tích cực đó đã chuẩn bị mọi mặt để đồng bào Chăm cùng với các dân tộc anh em tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở Nam bộ, từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng của đồng bào Khmer chuyển sang đấu tranh có tổ chức. Các tổ chức đảng đã tập trung xây dựng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống âm mưu thống trị và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp; củng cố khối đoàn kết Việt-Khmer, do đó tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng gắn bó. Ở những vùng đồng bào Khmer mất mùa, Đảng ta đã phát động phong trào vay lúa của người giàu để cứu đói cho người nghèo, những việc làm cụ thể đó càng làm thức tỉnh thêm lòng nhân ái đoàn kết trong đồng bào Khmer. Trong những năm 1930-1931, tại Trà Vinh, Vĩnh Long, phong trào đấu tranh đòi xóa bỏ sưu cao, thuế nặng, giảm tô phát triển mạnh. Qua các phong trào, đồng bào Khmer ngày càng nhận thức rõ hơn khả năng và sức mạnh to lớn của cộng đồng mình, từ đó tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống chế độ thuộc địa, phong kiến, chống phát xít, đòi tự do dân chủ cho nhân dân. Nhiều thanh niên, trí thức Khmer Nam Bộ đã đi sâu vào phong trào quần chúng, tuyên truyền thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Đảng, Chương trình Việt Minh với nhiều hình thức phong phú như: “Đất nước độc lập”, “Dân tộc bình đẳng”, “Người cày có ruộng”… đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp đồng bào Khmer ở khắp vùng Nam bộ…

Tại Cao Bằng, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ở khu rừng Trần Hưng Đạo. Trong 34 chiến sĩ đầu tiên, có 29 chiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Đó là những chiến sĩ ưu tú góp phần xây dựng nên lực lượng vũ trang hùng mạnh của quân đội ta. Cũng tại khu căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội thành lập Chính phủ lâm thời ra lệnh tổng khởi nghĩa. Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã giành được thắng lợi vang dội, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam.

Phong trào yêu nước và hoạt động cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số đã góp phần quyết định làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa lớn lao, phá tan xích xiềng nô lệ thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên bình đẳng dân tộc, đồng bào các dân tộc đoàn kết, làm chủ đất nước.

TS. Hoàng Xuân Lương. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

[TT: PLN]