Tháng Tám về với quê hương cách mạng Phú Xuyên

09:54 01/10/2013 Lượt xem: 532 In bài viết

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ông Vi Văn Hiến, dân tộc Tày, cán bộ cách mạng hoạt động với danh nghĩa là thầy giáo để che mắt bọn phản cách mạng. Ngoài ra còn có ông Trần Văn Mai từ Lạng Sơn về đây cùng với ông Vi Văn Hiến tuyên truyền đường lối cách mạng, lên án bọn thực dân, phong kiến, Việt gian phản động… cùng với một số người có lý tưởng cách mạng, yêu nước, căm thù bọn thực dân phong kiến đó là ông Trung Thành tiếp tục làm nhiệm vụ trên thay ông Vi Văn Hiến và Trần Văn Mai. Ông Trung Thành đã “giác ngộ” được các ông: Mậu Sinh, Lý Thanh, Trung Y, Bích Văn hoàn toàn trung thành với cách mạng Viêt Nam. Trước đó, vào năm 1944, ông Song Hào từ Chợ Chu (Định Hóa) về Yên Lãng (Đại Từ) xây dựng chiến khu B Nguyễn Huệ. Phong trào cách mạng ở Phú Xuyên ngày càng phát triển sâu rộng. Lúc này, ông Chu Văn Tấn cùng với ông Song Hào là chỉ huy chiến khu B Nguyễn Huệ (tại xã Yên Lãng-Đại Từ) tập hợp đội quân cách mạng và huấn luyện quân sự ở khu lòng hồ Phú Xuyên. Sau đó, ông Chu Văn Tấn triệu tập các cán bộ cốt cán gồm các ông: Nhị Qúy, Nhất Qúy, Trung Thành, Trung Y, Mậu Sinh, Khánh Trung, Ngư Long họp bí mật tại nhà ông Thành Đấu ở xóm Vẽ để chuẩn bị cắm cờ khởi nghĩa Phú Xuyên. Người chỉ huy nhóm cán bộ cốt cán là ông Nhị Qúy.

Theo đúng kế hoạch, ngày 12/2 (Âm lịch) năm 1945, lá cờ đỏ cách mạng với ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa được cắm lên tung bay trước gió trên đầu cầu Trà đã có một ý nghĩa trọng đại đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân, phong kiến. Chính quyền cách mạng được thành lập. Phú Xuyên trở thành “cái nôi” của cách mạng trên địa bàn huyện Đại Từ; cầu Trà đã ghi dấu ấn vào lịch sử và địa danh này được coi là “di tích cách mạng”của địa phương.

Ngày 24/4/1945, cơ sở Việt Minh ở xã Phú Xuyên được thành lập, là nơi chính quyền được thành lập sớm nhất trên địa bàn huyện Đại Từ… nên sau Cách mạng tháng Tám đã có hàng chục cơ quan của Trung ương, Chính phủ đóng tại Phú Xuyên như: Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (từ năm 1947 đến 1953); Nhà in Lao động; Trường Trung cấp Bưu điện mở khóa đầu tiên năm 1953; Học viện Bưu chính Viễn thông 1; Xưởng cơ khí Minh Khai (Quân đội) chế bom mìn, thuốc nổ; Ban Giao thông Trung ương; Ban Vận tải Trung ương; Trung ương Đoàn Thanh niên; Ban Trị sự Báo; Sư đoàn 246.

Năm 1949, Đại hội đại biểu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổ chức tại Hội trường xóm Tân Lập. Từ 7 - 12/2/1950, Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên Cứu Quốc tổ chức tại Tân Lập. Đến tháng 4 năm 1950, Đại hội đại biểu phụ nữ Cứu quốc cũng lại tổ chức tại Tân Lập. Đại hội cấp Trung ương cũng được tổ chức tại Tân Lập. Sau đó, Thiếu sinh quân Việt Nam từ Trung Quốc về cũng đóng tại Tân Lập.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, các cơ quan đóng và làm việc tại Phú Xuyên lần lượt chuyển về Hà Nội để lại trong lòng nhân dân các dân tộc nơi đây biết bao nỗi nhớ. Ngược lại, cán bộ, công chức của các cơ quan đóng tại Phú Xuyên cũng không quên được sự giúp đỡ, che chở, bảo vệ của nhân dân các dân tộc địa phương khi đóng tại đây. Gần đây, nhiều cơ quan đã có điều kiện chia sẻ và quan tâm đến Phú Xuyên: Bộ Giao thông-Vận tải đầu tư xây dựng các phòng học cho trường Tiểu học Phú xuyên, làm mới 2 km đường bê tông để học sinh đi lại thuận tiện (địa điểm trường học ngày nay là nơi ở và làm việc của Ban Giao thông Trung ương vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp). Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng tặng xóm Tân Lập một Nhà Văn hóa, trên nền đất Hội trường 8 mái xưa kia cùng một số trang thiết bị cần thiết để nhân dân hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ… Cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng phòng chức năng, mua tặng trang thiết bị và đồ chơi cho trường Mầm non Phú Xuyên… Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cùng Đoàn công tác của Bộ đã lên thăm cán bộ và nhân dân các dân tộc đã có dự kiến đầu tư kinh phí cho Phú Xuyên hoàn thiện con đường bê tông liên xóm. Đó là nguồn cổ vũ và động viên to lớn đối với nhân dân các dân tộc nơi đây, vì họ đã từng giúp đỡ, bảo vệ các cơ quan của cách mạng trong những năm tháng kháng chiến.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng căn cứ địa cách mạng. Phú Xuyên là xã được hưởng lợi từ những chương trình, dự án đó. Nổi bật như: Chương trình định canh định cư, Chương trình 134, 135, 167,… đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng căn cứ địa cách mạng, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc đáng khích lệ, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên; Đảng bộ, chính quyền Phú Xuyên luôn đoàn kết lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy nội lực không ngừng phấn đấu, nỗ lực vươn lên để xứng đáng là cái nôi của Cách mạng.

Đỗ Hồng Vân

[TT: PLN]