Thông thường, việc đầu tiên của độc giả khi cầm cuốn Tạp chí là xem mục “Trong số này” để nắm những nội dung chính được đề cập. Với 7 chuyên mục khung: Vấn đề-Sự kiện, Nghiên cứu lý luận, Diễn đàn-Trao đổi, Thực tiễn-Kinh nghiệm, Dưới mái nhà Tổ quốc, Văn hóa - Xã hội và Tin tức, Tạp chí Dân tộc đã phản ánh toàn diện quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách dân tộc của Nhà nước; bức tranh công vụ của người làm công tác dân tộc; cuộc sống mới của các dân tộc thiểu số (DTTS)… Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tiễn của đất nước, của công tác dân tộc, Tạp chí Dân tộc chủ động mở mới một số chuyên mục (hoặc tiểu mục) như: “Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, “10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc”…
Đổi mới trong thiết kế nội dung, linh hoạt trong cách thức trình bày các chuyên mục đang là yếu tố quyết định để ấn phẩm Tạp chí Dân tộc ngày càng hấp dẫn và cần thiết với bạn đọc. Ngoài 2 trang tin tức, tổng lượng bài được bố trí trong các chuyên mục dao động từ 20 - 22 bài/số đã cơ bản tạo được sự cân đối, hài hòa giữa các chuyên mục.
Tạp chí Dân tộc là diễn đàn lý luận, khoa học, nghiệp vụ chuyên biệt về công tác dân tộc nên đội ngũ cộng tác viên của Toà soạn đa dạng, bao gồm các nhà hoạt động chính trị, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính các khu vực, thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc (UBDT), lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vụ chức năng của UBDT, cán bộ Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trong cả nước, các nhà chuyên môn, nhà khoa học có kiến thức lý luận và thực tiễn. Do vậy các bài viết đăng trên Tạp chí Dân tộc có chiều sâu, đúng thuật ngữ, lý giải được các vấn đề về công tác dân tộc đang đặt ra. Nhiều bài viết là sản phẩm khoa học, có giá trị pháp lý để đánh giá thành tích hoạt động khoa học của các nhà khoa học, chuyên môn.
Nhìn cấu trúc hợp lý cốt giúp những người làm công tác dân tộc ở địa phương tìm thấy nội dung để hiểu rõ nội hàm từng chuyên mục. Qua chuyên mục "Vấn đề-Sự kiện" nắm được các sự kiện liên quan đến vùng miền núi, dân tộc; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Uỷ ban Dân tộc, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố dành cho vùng miền núi, dân tộc… Trong chuyên mục "Nghiên cứu lý luận" nắm luận cứ, luận điểm nhằm làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Chuyên mục "Diễn đàn - Trao đổi" phản ánh ý kiến đa chiều về vấn đề cụ thể trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Từ chuyên mục “Thực tiễn-Kinh nghiệm”, nắm kết quả thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc. Chuyên mục "Dưới mái nhà Tổ quốc” giúp nắm cuộc sống mới của đồng bào DTTS nhờ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thông qua chuyên mục “Văn hóa - Xã hội”, chủ yếu nắm bản sắc văn hóa dân tộc và cách thức kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng đời sống văn hoá mới, tiến bộ, văn minh của từng DTTS nói riêng, vùng dân tộc, miền núi nói chung.
Nội hàm của các chuyên mục trên đã được Ths Nguyễn Quang Hải - Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc phân tích trong bài viết “Nâng cao hàm lượng lý luận; phát hiện đúng, trúng vấn đề; đề xuất giải pháp hợp lý; trách nhiệm và nhân văn” (Tạp chí Dân tộc số 151, 7-2013, tr.25-27).
Hướng đến sự hoàn thiện của Tạp chí Dân tộc, tác giả đề xuất một số giải pháp:
Tòa soạn nghiên cứu mở chuyên mục “Hướng dẫn nghiệp vụ” cho người làm công tác dân tộc ở địa phương để giúp lĩnh hội kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành công vụ. Tuy trong từng bài viết ở các chuyên mục đã phần nào cung cấp kiến thức và kỹ năng cho người làm công tác dân tộc, nhưng nghiệp vụ công tác dân tộc có khuôn thước, chuẩn mực đòi hỏi phải được áp dụng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.
Thực hiện nhiệm vụ được giao và đáp ứng nhu cầu đa dạng, cách thức tiếp cận thông tin hiện đại của bạn đọc trong thời đại mới, Tạp chí Dân tộc cần có “Đôi mắt” toàn diện, trên phạm vi toàn miền DTTS của cả nước. Tạp chí nên thiết lập mối liên kết chặt chẽ với hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Qua Ban Dân tộc các địa phương hoặc Hội đồng nhân dân (đối với tỉnh không có Ban Dân tộc), nắm đặc điểm địa bàn cùng các chính sách dân tộc được đầu tư vào từng vùng, miền. Trên cơ sở đó, Toà soạn xây dựng tiêu điểm (đề tài, chủ đề) cho từng số; đồng thời tham mưu để UBDT ban hành văn bản (Quy định, Kế hoạch hoặc Công văn) kèm lộ trình tham gia phối hợp của cơ quan làm công tác dân tộc địa phương (rộng hơn là chính quyền địa phương) với Toà soạn.
Những nội dung thiết thực, bổ ích của cuốn Tạp chí Dân tộc sẽ trở thành yếu tố gắn kết độc giả, mà trước hết là của người làm công tác dân tộc với Toà soạn. Đó cũng là mấu chốt quan trọng thu hút độc giả, các tổ chức, cá nhân tích cực phối hợp cùng Tạp chí Dân tộc, qua đó góp phần nâng tầm chất lượng thông tin, tuyên truyền để cuốn Tạp chí Dân tộc trở thành cẩm nang hữu ích đồng hành cùng người làm công tác dân tộc cũng như với bạn đọc quan tâm đến vùng dân tộc, miền núi của cả nước.
TS. Nguyễn Thị Sửu- Trưởng Ban Dân tộc Thừa Thiên- Huế
[TT: PLN]