Đại hội lần thứ nhất hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi
03:09 04/11/2013 Lượt xem: 416 In bài viếtTại Hà Nội, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi vừa tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2013-2018. Tới dự có các đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Theo Quyết định số 628/QĐ-BNV ngày 28/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan. Hội đang có 150 thành viên trên cả nước và 9 uỷ viên thường trực, gồm: các cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Trung ương và địa phương. Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Dân tộc Bế Trường Thành được bầu là Chủ tịch Hội; ông Hà Văn Núi - Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội.
Tôn chỉ, mục đích của Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi là tham gia hỗ trợ công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở khu vực miền núi.
Hội có nhiệm vụ nghiên cứu tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế miền núi; đăng ký tham gia đấu thầu, chủ trì thực hiện các đề tài, nghiên cứu chính sách đặc thù về phát triển kinh tế miền núi, các dự án điều tra cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; tổ chức các hội thảo chuyên đề, tập hợp và tạo điều kiện để các hội viên tham gia đóng góp và phát huy các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả việc phát triển kinh tế miền núi, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với vùng dân tộc thiểu số; hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tài trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi; tham gia thực hiện công tác đào tạo cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Sự ra đời của Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế ở miền núi - địa bàn chiếm 3/4 diện tích cả nước nhưng đang phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức. Đồng chí Hà Thị Khiết đề nghị Hội cần nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế miền núi; phát huy vai trò, vị trí là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước và Uỷ ban Dân tộc trong việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi; tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội.
Tới thăm Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội lần thứ Nhất, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao quyết tâm của Hội hỗ trợ đồng bào miền núi thông qua các hoạt động kinh tế, tham gia hướng dẫn chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho đồng bào ở khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn, góp phần vào công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng miền núi.
Vùng dân tộc, miền núi có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, an ninh quốc phòng đối với cả nước. Vị trí đó được xác định rõ trong Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương các khoá với nguyên tắc nhất quán "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, giai đoạn 2006-2012, vùng dân tộc, miền núi nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn, là minh chứng sắc nét cho sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sản xuất ở một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên. Các địa phương vùng dân tộc, miền núi đều đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thay đổi rõ rệt; giá trị văn hoá dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy; mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn phát triển nhanh; hệ thống chính trị vùng dân tộc thường xuyên được xây dựng, củng cố và phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở; an ninh chính trị và trật tự xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng được giữ vững.
Cùng với xây dựng Đảng, phát triển văn hóa thì phát triển kinh tế là một trong ba trụ cột của đất nước nói chung, vùng dân tộc, miền núi nói riêng. Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi được thành lập là thêm một biểu hiện sinh động của việc quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, là minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển vùng miền núi, dân tộc trong nhiệm vụ chung phấn đấu đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Hà Minh- Trí Dũng
[TT: PLN]