Tạp chí Dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển

02:43 04/11/2013 Lượt xem: 510 In bài viết

Sau hơn 2 tháng tập trung chuẩn bị nội dung, tổ chức biên tập và đưa vào in, ngày 9/9/1999, số Tạp chí Dân tộc và Miền núi đầu tiên được xuất bản. Và đến tháng 9 năm 2013, đã có 153 số Tạp chí với 1.161.694 cuốn được xuất bản, gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành ở Trung ương, đến lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, các huyện dân tộc và miền núi. Đó là thành quả của sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc; sự phối hợp của các bộ, ngành hữu quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc; Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố; sự hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm, trí tuệ của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cộng tác viên trên khắp mọi miền Tổ quốc, cùng tinh thần làm việc tận tâm, luôn hướng về đồng bào dân tộc với mong muốn được đóng góp công sức của mình vào sự đi lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động trong toà soạn.

Trải qua 14 năm, Tạp chí Dân tộc đã ngày càng trưởng thành lớn mạnh, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khẳng định vị thế là Tạp chí lý luận đầu ngành, là kênh thông tin chính thống, chuẩn xác, hữu ích về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; dự báo kịp thời tình hình và giải đáp xác đáng những vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tham gia đấu tranh hiệu quả chống “Diễn biến hoà bình” của các thế lực lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta; phát hiện và tuyên truyền những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các mô hình phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn an ninh quốc phòng vùng dân tộc, miền núi….

Dù “sinh sau, đẻ muộn” trong làng Báo chí Cách mạng Việt Nam với không ít khó khăn trong hoạt động nghiệp vụ: Đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp mỏng, thông tin mang tính chuyên ngành nhưng phạm vi hoạt động lại rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu… Vượt lên khó khăn, Tạp chí Dân tộc đã có bước tiến vững chắc về chuyên môn. Nhiều năm có tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia lọt vào vòng Chung khảo. Đặc biệt, tháng 6/2012, tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2011, Chi hội Nhà báo Tạp chí Dân tộc đoạt giải C (Không có giải A) với loạt bài “Từ Mường Nhé, huyện tận cùng Tây Bắc - Những vấn đề đặt ra đối với chính sách dân tộc”.

Những thành quả trên đã minh chứng, khẳng định đường hướng phát triển của Tạp chí Dân tộc là hoàn toàn đúng đắn, đó là: Xây dựng và giữ vững “thương hiệu”, uy tín, niềm tin với độc giả bằng việc bám sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; bám sát thực tiễn sinh động, nhiều đặc thù của vùng dân tộc, miền núi để phản ánh với tinh thần trách nhiệm, trăn trở cùng những bức xúc của đồng bào các dân tộc thiểu số thể hiện trong từng con chữ, trên từng trang viết.

Những thành tựu đạt được cùng đường lối phát triển đúng đắn đã được kiểm chứng qua thực tiễn 14 năm là nguồn cổ vũ, động viên để Tạp chí Dân tộc tiếp tục vươn lên hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Kỷ niệm 14 năm ngày Tạp chí ra số đầu là dịp để Toà soạn nhận thức sâu sắc hơn những thách thức đang phải đối diện. Trong xu thế toàn cầu hoá, tình trạng xung đột sắc tộc và tôn giáo diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta. Cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển bùng nổ giúp độc giả có điều kiện nắm bắt thông tin thuận lợi, đa chiều, chủ động lựa chọn phương thức cung cấp thông tin phù hợp với mình nhất, đồng thời tiếp nhận thông tin bằng nhiều kênh khác nhau…

Giải quyết những thách thức đó đồng nghĩa với việc Tạp chí Dân tộc phải chủ động vươn lên hội nhập và phát triển cùng xu hướng báo chí hiện đại, trọng tâm là đổi mới về nội dung và triển khai những phương thức cung cấp thông tin mới tới bạn đọc. Đây là đòi hỏi cấp bách song không dễ thực hiện trong điều kiện Tạp chí có quy mô chưa lớn về nguồn nhân lực, diện phát hành.

Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) khẳng định: “Vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo là những vấn đề chính trị lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta”. Nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng như đáp ứng đòi hỏi chính đáng của độc giả về nâng cao chất lượng “món ăn tinh thần” với Tạp chí Dân tộc. Toà soạn chủ trương bên cạnh đổi mới toàn diện các chuyên trang, chuyên mục phù hợp, tòa soạn sẽ hướng tới đa dạng hoá hình thức cung cấp thông tin chính thống về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Thực tế cho thấy nhu cầu cấp thiết phải nâng trang, tăng kỳ với Tạp chí Dân tộc bản in. Hiện nay, Tạp chí Dân tộc phát hành 1 kỳ/tháng, với 64 trang (cả bìa), số lượng 8.094 bản/kỳ. Có thể thấy số lượng phát hành và số trang đều đang trong trạng thái “manh áo hẹp” so với nhu cầu cần chuyển tải thông tin của Toà soạn cũng như nhu cầu được cung cấp thông tin của độc giả.

Với Tạp chí Dân tộc điện tử, những năm qua, Toà soạn đã duy trì Tạp chí Dân tộc điện tử là trang thành phần của Trang tin điện tử (nay là Cổng Thông tin điện tử Uỷ ban Dân tộc). Tháng 5/2013, Tạp chí đã phối hợp với Trung tâm Thông tin (Ủy ban Dân tộc) tiến hành thay đổi toàn diện giao diện Tạp chí Dân tộc điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Tạp chí Dân tộc điện tử đã phát huy tác dụng tốt trong việc cung cấp thông tin về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; phản biện xã hội, đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”... Tuy nhiên, so với tiêu chí của một báo điện tử thì đang còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện, nhất là về tính kịp thời, đa dạng thông tin, yêu cầu mỹ thuật, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Tạp chí Dân tộc bản in…

Một ý tưởng phát triển mới đối với Toà soạn là xuất bản Tạp chí Dân tộc song ngữ bằng 3 thứ tiếng: Việt - Mông, Việt - Ê Đê, Việt - Khmer phục vụ nhu cầu bạn đọc tại 3 vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Và để chủ động tham gia Trang thông tin đối ngoại, Tạp chí cũng đang xây dựng Đề án xuất bản Tạp chí Dân tộc bằng Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc... Bên cạnh đó, Tạp chí tiếp tục phối hợp với các Vụ, đơn vị trong Uỷ ban Dân tộc thực hiện các ấn phẩm khác cung cấp cho vùng dân tộc, miền núi: Đặc san Chính sách Dân tộc với cơ sở, Bản tin Chương trình 135, Chuyên đề Nước sạch - Vệ sinh môi trường vùng dân tộc, miền núi…

14 năm - chặng đường chưa thật dài nhưng cũng không còn là quá ngắn đối với Tạp chí Dân tộc. Một nhu cầu tất yếu và khách quan trong chặng đường phát triển tới là phải đổi mới và hội nhập để phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, đa dạng hóa các loại hình xuất bản mang lại hiệu quả thông tin tuyên truyền cao nhất.

Muốn vậy, Tạp chí Dân tộc sẽ tập trung kiện toàn đội ngũ biên tập viên, phóng viên đủ về số lượng, vững về chất lượng, có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, tích cực sâu sát cơ sở, gắn bó với vùng dân tộc, miền núi; từng bước đầu tư trang bị kỹ thuật, phương tiện tác nghiệp để xây dựng Toà soạn chính quy, hiện đại. Mặt khác, tăng cường mời gọi sự cộng tác của các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương và các cộng tác viên có uy tín trong cả nước.

Phát huy lợi thế được nằm trong diện Nhà nước đặt hàng, Tạp chí Dân tộc quyết tâm giữ vững và tiếp tục khẳng định vị thế là Tạp chí lý luận chuyên ngành đi đầu trong tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thông tin nhanh nhạy, kịp thời đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phản biện xã hội, định hướng dư luận về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đấu tranh kịp thời, sắc bén, thuyết phục phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đích đến của Toà soạn là quyết tâm xây dựng và duy trì trong lòng bạn đọc hình ảnh ấn tượng về Tạp chí Dân tộc luôn không ngừng sáng tạo, đổi mới, hội nhập vào dòng chảy năng động, hiện đại của báo chí cả nước.

ThS. Nguyễn Quang Hải
Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc

[TT: PLN]