Tạp chí Dân tộc đồng hành cùng công tác nghiên cứu khoa học

02:43 04/11/2013 Lượt xem: 385 In bài viết

Chặng đường 14 năm qua không phải là dài so với nhiều Tạp chí khác, song Tạp chí Dân tộc đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện và tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc trên các chuyên mục của ấn phẩm. Mỗi chuyên mục hàm chứa nội dung nghiên cứu khác nhau nhưng đều là những đóng góp đáng trân trọng của các nhà quản lý ở Trung ương, địa phương, nhà nghiên cứu, nhà khoa học cùng đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên của Toà soạn. Trong 7 chuyên mục cơ bản của Tạp chí Dân tộc: Vấn đề-Sự kiện, Nghiên cứu lý luận, Diễn đàn-Trao đổi, Thực tiễn-Kinh nghiệm, Dưới mái nhà Tổ quốc, Văn hóa-Xã hội, Tin tức; chúng tôi đặc biệt lưu ý hai chuyên mục: Vấn đề-Sự kiện và Văn hóa-Xã hội.

Trong chuyên mục Vấn đề - Sự kiện: Tạp chí Dân tộc đã hệ thống hóa, cập nhật những chủ trương, đường lối về công tác dân tộc của Đảng, chính sách dân tộc của Nhà nước. Chuyên mục này rất cần thiết, bổ ích và luôn đồng hành với các nhà nghiên cứu trên phạm vi cả nước. Ví dụ, trong số 148 (tháng 04-2013), chuyên mục có các tin, bài: “Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi”, “Chương trình 135 giai đoạn III - Cơ hội đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi” đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị và chắc chắn những số liệu, tư liệu này sẽ xuất hiện trong các công trình nghiên cứu tiếp theo nhằm phân tích, đánh giá về các chính sách dân tộc đã, đang triển khai thực hiện ở nước ta. Đây chính là sự tương tác đặc thù giữa Tạp chí Dân tộc với việc triển khai những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học.

Chuyên mục Văn hóa - Xã hội lại hàm chứa dung lượng tri thức rộng, phong phú, đa dạng và cũng hết sức phức tạp theo diễn tiến của môi trường văn hóa ở từng vùng, miền, cộng đồng dân tộc. Sức mạnh của văn hóa dân tộc là sức mạnh vô hình, là động lực to lớn củng cố đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nội dung này luôn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay của nước ta nói chung, ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ… nói riêng. Thời gian qua, trên chuyên mục này, Tạp chí Dân tộc đã chọn đăng một số công trình nghiên cứu dựa trên những yếu tố văn hoá có tính đặc trưng, thể hiện qua ngôn ngữ, các biểu tượng, tín ngưỡng - tôn giáo, lễ hội, văn nghệ cổ truyền, tri thức dân gian, trang phục, tập quán ẩm thực, truyền thống cư trú, phong tục trong chu kì đời người, tâm lý… của các dân tộc thiểu số trong cả nước. Đó là cố gắng lớn của Ban Biên tập Tạp chí Dân tộc nhằm góp phần giúp văn hóa tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của chính dân tộc là chủ thể của văn hoá đó; đồng thời đào thải những yếu tố phản nhân loại, phản dân tộc, những yếu tố độc hại, những hủ tục “phản văn hóa”.

Tập hợp những nghiên cứu này sẽ cung cấp cứ liệu, số liệu tham khảo cho những người nghiên cứu trên các lĩnh vực chuyên sâu như: Văn hóa học, Dân tộc học, Xã hội học, Tâm lý học… về cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Giữa Tạp chí Dân tộc và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tạo ra sự kết nối quan trọng - nhịp cầu gắn liền giữa công tác nghiên cứu khoa học với công tác thông tin, tuyên truyền. Bản chất của vấn đề chính là hướng đến sự đảm bảo chất lượng của cả hai lĩnh vực công tác. Hiệu quả mối quan hệ này đã được khẳng định bởi thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những công trình nghiên cứu có giá trị, dưới nhiều góc độ tiếp cận của tác giả là các nhà khoa học - Giảng viên của Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III đăng trên Tạp chí Dân tộc. Những công trình nghiên cứu này tập trung đề cập, đề xuất hướng giải quyết nhiều nội dung liên quan đến vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Gắn với đó, công tác thông tin tuyên truyền của Tạp chí Dân tộc cũng đạt hiệu quả lớn hơn, giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn.

Kỷ niệm 14 năm ngày Tạp chí Dân tộc ra số đầu tiên, chúng tôi bày tỏ một số suy nghĩ:

Một là, dân tộc là hiện tượng xã hội phức tạp. Vì vậy chuyên mục Nghiên cứu lý luận của Tạp chí cần đăng nhiều hơn các công trình nghiên cứu về vấn đề dân tộc theo học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững phép biện chứng - linh hồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn và không ngừng bổ sung phát triển lý luận Mác - Lênin về vấn đề dân tộc được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Tạp chí Dân tộc.

Hai là, trong tiến trình đổi mới để phát triển và hội nhập, Tạp chí Dân tộc nên mở thêm chuyên mục giới thiệu bản sắc dân tộc của các quốc gia ở Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới. Bởi lẽ, những giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trên thế giới khi được tiếp thu, dân tộc hóa sẽ làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc mình.

Ba là, trong quá trình nghiên cứu về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, xuất phát từ đặc thù, tính chất và mục đích, người nghiên cứu cần loại bỏ xu hướng tự biện, thiếu thực tiễn khi không khảo sát thực tế cụ thể mà chỉ giới hạn phạm vi khảo sát qua sách vở, tài liệu,... Vì từ vai trò của các sản phẩm khoa học đối với sự phát triển môi trường cộng đồng tộc người, từ quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, mọi công trình nghiên cứu đều phải có giá trị và ý nghĩa xã hội nhất định nhằm giải quyết những vấn đề dân tộc. Do vậy, tác giả của các công trình nghiên cứu ở Tạp chí Dân tộc nên coi trọng tiếp xúc, khảo sát trực tiếp đối tượng nghiên cứu. Không phải ngẫu nhiên, khái niệm "điền dã" lại gắn liền với Dân tộc học. Gần đây ở Việt Nam, bộ môn này được gọi là Nhân học. Công việc "mô tả dân tộc" (ethnography) đòi hỏi người nghiên cứu phải cố gắng tiếp xúc trực tiếp với đối tượng để có thể mô tả chính xác. GS Từ Chi - người được khẳng định là nhà Dân tộc học hàng đầu của Việt Nam, sau nhiều năm điền dã để lại cho hậu thế một số công trình khoa học mà có lẽ sau ông ít người làm được, như: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ (1984), Hoa văn Mường (1978), Hoa văn các dân tộc Djarai-Bhana (1986), Người Mường ở Hòa Bình... Những công trình nghiên cứu này đã tái tạo diện mạo của tộc người thông qua lát cắt về một giá trị cụ thể. Phương pháp nghiên cứu này đối lập với cách thức nghiên cứu ôm đồm, vội vã, cắt xén, sao chép… đã xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu về tộc người những năm gần đây.

Bốn là, Toà soạn cần tổ chức các diễn đàn trao đổi để tranh luận dân chủ, thẳng thắn, có chiều sâu về một số vấn đề lớn, quan trọng, mang tính phát hiện của 54 dân tộc anh em, nhất là với 53 dân tộc thiểu số ở nước ta. Diễn đàn này sẽ tạo ra liên kết bền vững của nền văn hóa “thống nhất mà đa dạng” trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Năm là, tiếp tục tôn vinh những giá trị đích thực trong bản sắc dân tộc Việt Nam; sưu tầm, bảo vệ và giới thiệu những giá trị bị mai một (thậm chí có những giá trị gần như bị khuất lấp). Ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và nhiều khu vực khác trong cả nước, những giá trị vật thể và phi vật thể thuộc diện này còn rất nhiều. Nếu trong mỗi số Tạp chí chỉ cần giới thiệu một hiện tượng, một đối tượng thì mỗi năm chúng ta đã có thể làm sống lại hàng chục giá trị như thế.

TS. Lê Văn Liêm- Giám đốc Trung tâm Thông tin- Tư liệu- Thư viện
Học viện Chính trị- Hành chính Khu vực III
[TT: PLN]