Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của nhân dân , của đồng bào các dân tộc

03:41 08/11/2013 Lượt xem: 580 In bài viết

Nhớ lại, cách nay gần 10 năm, ngày Tạp chí Dân tộc chuẩn bị cho số đặc biệt chào mừng kỷ niệm nửa thế kỷ Chiến thắng Điện Biên, Ban Biên tập thống nhất: Nội dung số đặc biệt tập trung làm rõ những đóng góp to lớn về sức người, sức của của đồng bào các dân tộc cho chiến thắng. Qua đó, khơi dậy niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vào tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong xóa đói giảm nghèo của đồng bào và trong xây dựng cuộc sống mới ở vùng dân tộc và miền núi - Địa bàn xung yếu, chiến lược, “phên dậu” của đất nước. Nơi ấy, cơ sở hạ tầng cho phát triển còn nhiều bất cập; cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trong tổ chức nội dung, ngoài những bài viết của một số đồng chí lãnh đạo, quản lý cán bộ nghiên cứu ở Trung ương và địa phương, Ban Biên tập mong đăng ảnh và thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để qua Tạp chí Dân tộc mang tình cảm cùng sự quan tâm của Đại tướng đến với đồng bào các dân tộc và vùng dân tộc, miền núi. Mong muốn vậy nhưng vào mốc thời gian ấy, Đại tướng và Văn phòng của Đại tướng là trung tâm của nhiều hoạt động, nhất là hoạt động truyền thống, không chỉ với trong nước mà cả với nước ngoài nên không dễ thực hiện. Nhưng rồi, mong muốn của Ban Biên tập Tạp chí đã được đáp ứng. Đồng chí Đại tá Nguyễn Huyên - Thư ký của Đại tướng nói:

- Tôi đã báo cáo lên Đại tướng nguyện vọng của lãnh đạo Tạp chí Dân tộc. Đại tướng rất vui lòng. Chúc mừng các anh.

Nói rồi, giọng anh trầm xuống: Đại tướng đã hơn 90 tuổi, sức khỏe của Đại tướng phải được đặc biệt quan tâm. Với việc này, theo tôi ta cùng chuẩn bị. Tình cảm của Đại tướng đối với đồng bào các dân tộc và vùng dân tộc miền núi, không nói thì các anh cũng biết. Còn nhiệm vụ chính trị của công tác dân tộc, thì ai hơn cơ quan lý luận của Ủy ban Dân tộc. Các anh cứ dự soạn nội dung gửi sang chúng tôi, có gì chúng tôi hoàn chỉnh và báo cáo lên Đại tướng nhưng nhớ phải ngắn gọn, súc tích và tình cảm nữa.

Ngày 30/04/2004, chúng tôi nhận thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng bào các dân tộc. Trong thư, Đại tướng gửi lời thăm hỏi ân cần cùng những tình cảm thân thiết đến đồng bào. Đại tướng nhắc đến những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào Tây Bắc đã cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang trong Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Đại tướng “mong đồng bào phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong công cuộc đổi mới”. Những dòng cuối thư, Đại tướng viết: “Tôi mong Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư có hiệu quả hơn nữa để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Sớm rút ngắn khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược, giữa thành thị với nông thôn như mong muốn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu”.

Gần 10 năm đã đi qua, với những niềm mong của Đại tướng, cho dù khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với miền xuôi, với thành thị chưa được rút ngắn, thậm chí còn “doãng ra” và tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc, miền núi nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn còn cao, song chỉ trong giai đoạn 2006 - 2012, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng ngân sách Nhà nước dành cho các chính sách, chương trình ở vùng dân tộc, miền núi là 54.776 tỷ đồng. Tốc độ tăng chi hàng năm bình quân khoảng 20%. Sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng những cố gắng, nỗ lực của đồng bào các dân tộc đã làm cho nông thôn miền núi có những thay đổi căn bản. Đời sống của đồng bào được cải thiện, nâng cao; cơ sở hạ tầng cho phát triển được đầu tư xây dựng. Đến nay 98,6% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện; 99,5% số xã có trường tiểu học, 93,2% số xã có trường trung học cơ sở; 99,39% xã có trạm y tế, 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn. Các dịch bệnh ở vùng miền núi, dân tộc cơ bản được khống chế. Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao nông thôn có bước phát triển nhanh, các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy… Tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển, đi lên của vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà miền núi trong những năm tiếp theo.

Có một sự việc sáng hôm sang nhận thư của Đại tướng, chúng tôi được chứng kiến. Ấy là cây tùng già trong vườn đổ nằm trước nhà ở đến phòng tiếp khách. Cây tùng đường kính chừng 50, 60cm, dài phải gần 30 mét. Đồng chí giúp việc Đại tướng bảo: Đêm qua không có mưa to gió lớn. Cây già tự đổ. Trong vườn có nhiều cây nhưng không làm cây nào gẫy cành rụng lá. Chỉ chiếc xe con đậu phía trước, đồng chí giúp việc Đại tướng nói tiếp: Mọi ngày, xe vẫn đậu giáp tường trước phòng khách này, chiều qua lái xe lại cho tiến lên. Nếu không chiếc xe đã bị cây đổ vào. Người Việt mình sống giàu tâm linh. Chúng tôi không ngoại lệ. Không ai nói ra, nhưng ý nghĩ mơ hồ về một điềm không lành cứ ám ảnh.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân lên thăm Điện Biên. Thấy Đại tướng mạnh khỏe đồng bào cũng vui mừng, ai cũng cầu mong Đại tướng mạnh khỏe, sống lâu, sống đến trăm tuổi.

Năm 2011, Đại tướng bách niên. Người sống thọ ngoài tuổi bách niên là hiếm. Biết vậy, nhưng ai cũng muốn, cũng mong Đại tướng sống lâu nữa để đến kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đồng bào các dân tộc và đồng bào cả nước có Đại tướng - Vị Đại tướng của dân, của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Phương Thảo

Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc

[TT: PLN]