Nghĩa đồng bào nơi đảo xa

02:14 13/06/2014 Lượt xem: 378 In bài viết

Đúng 8h05' ngày 15/4, tàu rời Quân cảng Cát Lái - Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu hành trình đến với phần máu thịt thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ hải quân đứng nghiêm thành hàng ngang trên cầu tàu vẫy tay tiễn đoàn. Trên tàu, các thành viên Đoàn công tác đứng dọc thành boong vẫy tay chào lại. Khung cảnh thật nghiêm trang và xúc động. Con tàu hú lên ba hồi còi dài chào tạm biệt đất liền. Thế là chúng tôi chính thức bắt đầu chuyến công tác đặc biệt dài 9 ngày 8 đêm đến với vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc. Nơi ấy là Trường Sa…

Trường Sa, Hoàng Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Đội Bắc Hải ra các đảo để thâu lượm hàng hoá, khí cụ trên các con tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn cũng đã tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia cắm mốc, trồng cây trên quần đảo liên tục từ năm 1834. Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo này từ khi hai quần đảo còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trao lá cờ Tổ quốc đã được treo tại cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa...

Lần này, tàu Hải quân HQ 996 lãnh trách nhiệm đưa đoàn đi. Đây là con tàu đã 20 năm nay làm nhiệm vụ nối đất liền với Trường Sa. Từ khi được hạ thủy vào năm 1994, tàu HQ 996 đã thực hiện hàng trăm chuyến đưa đón cán bộ, chiến sĩ, thân nhân đến thăm, làm việc với quân, dân huyện đảo Trường Sa. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, tàu đón những vị khách đặc biệt đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ chỉ sống ở rừng, ở núi mà chưa một lần xuống biển, chưa nói vượt hàng nghìn km ra tới Quần đảo Trường Sa…

Sau ba ngày, hai đêm hành quân liên tục trên biển, vượt qua 873 km (480 hải lý), 17h ngày 17/4, tàu cập bến Đảo Song Tử Tây - hòn đảo nằm ở phía cực Bắc và cũng là một trong ba đảo nổi lớn nhất của Quần đảo Trường Sa. Từ những bước chân đầu tiên lên đảo, các thành viên Đoàn công tác đều trào dâng niềm xúc động, tự hào. Giữa muôn trùng sóng gió biển khơi, hiện hữu hòn đảo thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nơi ấy, có đồng chí, đồng đội, đồng bào ta đang ngày đêm canh giữ. Thấy đảo như thấy Mẹ Tổ quốc. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên một màu xanh thanh bình. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Song Tử Tây - hòn đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa được giải phóng cách đây tròn 39 năm (tháng 4/1975) đã "lột xác" trở thành một xã đảo xanh tươi, trù phú, căng tràn sức sống với hệ thống cơ sở hạ tầng khá hiện đại đảm nhiệm chức năng dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân. Hải đăng Song Tử Tây là ngọn hải đăng cấp 1 thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế được xây dựng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Hải đăng có chiều cao 38 m, tầm hiệu lực ban ngày là 21 hải lý, ban đêm 22 hải lý. Hải đăng Song Tử Tây cũng được các nhà hàng hải dùng làm tiêu điểm chuyển hướng cho các tàu qua lại trên tuyến hàng hải quốc tế từ Singapore đi Hồng Kông và Mannila (Philipine). Đảo Song Tử Tây có một âu tàu rất lớn có thể làm chỗ neo đậu an toàn cho hàng trăm tàu cá của ngư dân tránh trú bão. Trên đảo, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nuôi được bò, gà, lợn, trồng nhiều rau xanh tươi tốt bốn mùa… Đặc biệt, trên đảo có Chùa Song Tử Tây - điểm tựa tâm linh của quân và dân được xây dựng theo phong cách truyền thống, có tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái. Vườn chùa trồng nhiều loại cây đặc sản của Trường Sa như: Phong ba, Bàng vuông.

Sau Song Tử Tây, qua Đá Nam, Nam Yết, Đoàn công tác tới đảo Sinh Tồn. Tại đây, Đoàn đã tham dự Lễ khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Đảo Sinh Tồn. Ngôi trường được xây dựng trên diện tích hơn 300m2, gồm 2 tầng với 3 phòng học, phòng thư viện, 2 phòng công vụ dành cho giáo viên với kinh phí khoảng 12,5 tỷ đồng được trích từ Chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” do Quỹ học bổng Vừ A Dính phát động. Ra dự lễ khánh thành, Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” khẳng định: “Từ hôm nay, những công nhân bé nhỏ rất đỗi thân thương của chúng ta sẽ được học tập, rèn luyện, vui chơi dưới mái trường kiên cố, rộng rãi và thoáng mát giống như bất cứ ngôi trường nào trên đất liền. Điều quan trọng và xúc động hơn là ngôi trường đặc biệt này được xây bằng tình yêu Tổ quốc của những người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.


Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương thăm hỏi quân dân trên đảo.

Rời Đảo Sinh Tồn, Đoàn công tác tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đảo đá Len Đao và nhà giàn DK1/15 nằm trên bãi đá Phúc Nguyên. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, Đoàn đã làm lễ thả vòng hoa xuống biển, mặc niệm tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những ánh mắt đỏ hoe, những tiếng nấc nghẹn ngào theo cánh hoa dập dờn cùng sóng biển gửi tới hương hồn các liệt sĩ lòng biết ơn sâu sắc của đất liền. Sâu thẳm trong trái tim chúng tôi vang lên lời nhắc nhở hãy mãi nhớ về giờ phút thiêng liêng này. Tổ quốc ta, nhân dân ta sẽ không bao giờ quên sự quả cảm của những người con đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Ngày 21/4, Đoàn công tác tới Đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa được mệnh danh là "Thủ đô" của huyện đảo Trường Sa và là đảo lớn nhất của Quần đảo Trường Sa. Trường Sa là một đảo nổi, còn có các tên gọi khác là Trường Sa lớn, hay Trường Sa Tây. Đảo Trường Sa như pháo đài sừng sững, hiên trang, bất khuất, kiên trung giữa biển Đông. Xung quanh đảo là các cột phong điện được lắp đặt, trên đó có cánh quạt quay tít. Thực vật trên đảo chủ yếu là cây Phong ba, Bàng vuông, Xương rồng, Phi lao, Nho biển, Muống biển và một số loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim. Trên đảo cũng có một số loài chim, nhưng nhiều hơn cả là cò và một số loài chim di cư theo mùa. Khu vực quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên… Chính điều kiện thuận lợi đó đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm dấu ấn của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh và khẳng định chủ quyền Quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Sau nghi thức chào đón, Đoàn công tác lên đảo. Những cái bắt tay thật chặt, những vòng tay ôm xiết mang tình cảm của 54 dân tộc Việt Nam vượt hơn nghìn km đến với đảo xa. Vì thời gian ngắn nên không khí làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc. Ban Chỉ huy Đảo báo cáo ngắn gọn với Đoàn công tác về tình hình đời sống, chiến đấu, lao động và học tập của quân, dân trên đảo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử và Đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ trên Quần đảo Trường Sa và Khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1) vượt qua khó khăn, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; triển khai tốt công tác tư tưởng - chính trị, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tiếp đó, Đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và cá nhân đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bộ đội quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1: 2.670 chiếc thẻ điện thoại Viettel tổng trị giá 192 triệu đồng. Ủy ban Dân tộc tặng Đảo Trường Sa Quốc kỳ đã được treo tại cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) - điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Lá cờ có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Việt Nam. Lá cờ là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh vô địch đã đưa dân tộc ta giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tấm lòng của đất liền, Ủy ban Dân tộc đã tặng cán bộ, chiến sĩ những phần quà thiết thực là đặc sản của vùng dân tộc, miền núi: 100 kg thịt trâu khô, 200 kg thịt lợn hun khói, trên 350 kg măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương. Chương trình "Vì học sinh Trường Sa thân yêu" tặng 100 bình lọc nước, 1.000 bóng đèn tiết kiệm điện trị giá 500 triệu đồng. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Quỹ "Vì học sinh Trường Sa thân yêu" số tiền 500 triệu đồng. Tại các đảo, nhà giàn đến thăm, Đoàn đã tặng 281 thùng quà. Nhiều phần quà tuy giản dị, chỉ là tấm khăn thổ cẩm, cây sáo, chiếc khèn, cây đàn ghi ta nhưng là tình cảm chân thành của người dân tộc, miền núi gửi cho người giữ biển nên rất có ý nghĩa, góp phần để quân và dân trên đảo thêm ấm lòng, gần gũi với đất liền hơn.


Đoàn đại biểu đại diện 54 dân tộc Việt Nam trên đảo Trường Sa

Trong 9 ngày, đêm với điều kiện thời tiết không thuận lợi, biển có lúc sóng lừng, nắng nóng nhưng với tinh thần "Vì biển đảo quê hương", 100% đại biểu đã lên đảo, tiến hành nhiều hoạt động phong phú: thắp hương tại Chùa Song Tử Tây, Chùa Sinh Tồn, Chùa Trường Sa; dâng hương tưởng niệm Đài Liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn Đảo Trường Sa; viếng mộ liệt sĩ tại đảo Nam Yết, Đảo Trường Sa lớn; trồng cây lưu niệm tại các đảo nổi; thăm, tặng quà các hộ dân và chính quyền các xã, thị trấn; động viên 2 hộ gia đình mới sinh cháu bé; tham gia 8 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, biểu diễn phục vụ quân và dân các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa lớn và các đảo chìm: Đá Nam, Len Đao, Nhà giàn DK1. Đội nghệ thuật xung kích tỉnh Sơn La bằng những lời ca, tiếng đàn, tiếng sáo, điệu múa mang đậm âm hưởng của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, với lòng nhiệt huyết đã biểu diễn hết mình phục vụ quân, dân các đảo và nhà giàn. Thay cho mọi lời nói, có lẽ đó là cách hữu hiệu nhất để những vị khách đến từ đất liền thể hiện sự cảm phục với quân, dân các đảo - những người đã luôn kiên định, vững vàng, sẵn sàng chiến đấu cao nơi đầu sóng, ngọn gió, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, quyết tâm bám trụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chị Chung Thị Biển, dân tộc Nùng, tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự phấn khởi khi thấy tinh thần của quân, dân các đảo rất tin tưởng, lạc quan, vui vẻ. Quan hệ đoàn kết quân, dân ngày càng gắn bó. Các đảo, điểm đảo, nhà giàn đều xanh, sạch, đẹp, nền nếp, chính quy. Đời sống của cán bộ, nhân dân trên đảo ngày càng được cải thiện. Qua chuyến đi, chị càng ý thức hơn về trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Xúc động trước sự quan tâm, tình cảm của Đoàn công tác, Trung tá Lương Xuân Giáp - Chính trị viên Đảo Trường Sa khẳng định: "Cái nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam ngày càng thể hiện rõ hơn, đặc biệt chuyến thăm của đại diện 54 dân tộc anh em là tình cảm của người Mẹ đất liền Việt Nam đến với Trường Sa, đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ chúng tôi vững lòng hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Suốt hành trình qua 4 đảo nổi, 2 đảo chìm và nhà giàn DK1, Đoàn công tác vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng trước sự phát triển của huyện đảo Trường Sa. Đêm xuống, Trường Sa lung linh ánh điện nhờ những cột đèn năng lượng mặt trời và turbine điện gió... Trường Sa không còn xa đất liền bởi những cột ăng ten tiếp sóng điện thoại di động, tiếp sóng truyền hình qua mạng di động của Viettel. Cán bộ, chiến sỹ trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK1, nhân dân sống trên đảo có thể liên lạc thuận lợi với đất liền qua mạng di động.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đánh giá: Qua chuyến công tác, các thành viên trong Đoàn đã nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam; thấy được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân trong việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển; tiềm năng biển đảo và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân đối với Trường Sa và nhà giàn DK1. Đoàn công tác đã hoàn thành tốt đẹp kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu đề ra và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử tâm sự: Ra thăm biển đảo, chứng kiến, cảm thông, sẻ chia với những khó khăn, đồng thời cảm phục tinh thần dũng cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các đảo, nhà giàn nơi đầu sóng ngọn gió, nơi vị trí tiền tiêu, lá chắn phía Đông của Tổ quốc, mỗi thành viên Đoàn công tác càng thêm tin tưởng vào quyết tâm và bản lĩnh của bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1, bản lĩnh của Quân chủng Hải quân trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Qua chuyến đi này, đại diện của mỗi dân tộc hiểu hơn về cuộc sống, về tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân Trường Sa. Để rồi từ họ, tinh thần ấy sẽ lan tỏa đến đồng bào, từng bản làng, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng bào 53 dân tộc thiểu số Việt Nam hiện cư trú chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, nơi phên dậu đất liền của Tổ quốc quyết tâm cùng quân dân nơi biển đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia mà ông cha ta đã gây dựng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử cũng bày tỏ mong muốn mỗi người khi ra Trường Sa hãy mang theo ít nhất 1 kg đất màu - món quà của quê cha đất tổ gửi tới quân dân quần đảo Trường Sa, đồng thời góp phần "xanh hoá" các hòn đảo thân yêu của Tổ quốc.

Giữa biển khơi mênh mông, sự hội tụ của 54 dân tộc anh em với quân, dân huyện đảo Trường Sa là một sự kiện hiếm có. Người từ rừng tới, người từ biển khơi - những con Lạc, cháu Hồng quây quần, đoàn kết bên ngọn lửa hồng, trong cái nghĩa đồng bào "bọc trăm trứng", di sản quý báu được lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc để lại. Đêm chia tay ấm áp nghĩa tình, mọi người cùng nối vòng tay lớn biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số khắp mọi miền Tổ quốc, hát vang những ca khúc tuyệt vời về Trường Sa, về tình yêu quê hương đất nước. Đại diện 54 dân tộc, những chủ nhân của đất nước Việt Nam, của Trường Sa, Hoàng Sa yêu dấu tay nắm chặt tay cùng hát "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà...", "Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua..."giữa biển trời bao la của Tổ quốc. Đó mãi là một kỷ niệm không bao giờ quên, tiếp thêm sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng quân, dân Trường Sa trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

"Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật, đảo quê hương!. Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em". Chúng tôi thầm cảm ơn giai điệu tuyệt vời trong bài hát "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long, để trong hành trình trở về đất liền và mãi suốt cuộc đời, luôn rưng rưng trong tâm khảm của mỗi người cảm xúc tin, yêu và nhớ về Trường Sa...

Nguyễn Quang Hải

Tổng Biên tập TCDT

[TT: PLN]