Những điểm mới của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc
04:16 16/06/2014 Lượt xem: 1181 In bài viếtNgày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc
Tư tưởng đại
đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành đường lối chiến lược
của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã và đang từng bước được hiện thực hóa trong quá
trình cách mạng. Chính vì thế, cùng với quá trình đấu tranh giành độc lập dân
tộc, các dân tộc ở Việt Nam cũng được giải phóng, quyền bình đẳng giữa các dân
tộc được khẳng định; đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... của
các dân tộc thiểu số được từng bước nâng cao, an ninh chính trị và toàn vẹn lãnh
thổ được bảo đảm vững chắc. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận của cách
mạng Việt Nam trong hơn 68 năm qua.
Trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
trước đây và của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, đều khẳng
định các dân tộc thiểu số có quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau
cùng phát triển.
Tinh thần đó tiếp tục được nhấn mạnh và làm rõ hơn
trong Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh Điều 5 được xác định là định hướng cho công
tác dân tộc, chính sách dân tộc, lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc còn được quy
định cụ thể trong các Điều 42, 58, 60, 61, 75 của Hiến pháp 2013, cụ thể:
* Về quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ của
đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại Điều 42 Hiến pháp: “Công dân có
quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao
tiếp”, đây là cơ sở pháp lý để xây dựng bộ tiêu chí xác định và xác định lại
thành phần dân tộc, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
* Về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào
dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được khẳng
định tại khoản 1 Điều 58 của Hiến pháp:
“1. Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của
Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức
khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, Chính phủ đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung 82 luật, pháp lệnh liên quan, trong đó có sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật Dân số.
* Về lĩnh vực văn hóa, Hiến pháp tiếp tục khẳng định
tại khoản 1 Điều 60 nguyên tắc: “1. Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa
văn hóa nhân loại”.
* Về lĩnh vực giáo dục, Hiến pháp quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên:“2. Nhà
nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo
dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học
phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo
dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.
3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử
dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được
học văn hoá và học nghề.”
Từ quy định này của Hiến pháp, Quốc hội phải sửa đổi Luật Giáo dục, đặc biệt là chính sách cử tuyển đối với sinh viên người dân tộc thiểu số, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
* Về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội
đồng và Chủ tịch Hội đồng dân tộc được làm rõ hơn, đề cao vai trò, trách nhiệm,
quy định tại khoản 2, khoản Điều 75 Hiến pháp:
“2. Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc;
thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về
việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách
dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng dân tộc.”
Sáu điều nêu trên của Hiến pháp 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho việc xây dựng Đề án Luật Dân tộc theo Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhà nước quan tâm tới quyền của các dân tộc thiểu số trong đời sống vật chất, tinh thần để tiến tới đạt mặt bằng chung của cả nước, quan tâm, bảo vệ, hỗ trợ quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo của các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Mỗi dân tộc thiểu số có phong tục truyền thống, tâm
lý, tính cách riêng; trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa giữa các dân
tộc cũng không đồng đều. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định
công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất, thượng tầng văn hóa ở khu vực miền
núi với đồng bào các dân tộc thiểu số cần có những biện pháp, những bước đi
thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể của từng dân tộc, trong đó phải đặc biệt
chú ý tới những nét đặc thù của các dân tộc thiểu số.
Thực hiện đúng nội dung nhất quán của Hiến pháp 2013
- văn bản có hiệu lực pháp lý tối thượng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đang hiện thực
hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI đề ra: Cộng đồng các
dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến
bộ.
ThS. Phan Hồng Thủy
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế UBDT
[TT: PLN]