Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, thành tựu cùng những vấn đề đặt ra

02:50 03/11/2014 Lượt xem: 454 In bài viết

Giai đoạn 2005 - 2012, chính sách, pháp luật về giảm nghèo ban hành được chia thành hai nhóm chính: Nhóm chính sách chung và nhóm chính sách đặc thù. Nhóm chính sách chung gồm bảy nhóm chính sách cơ bản: tín dụng; hỗ trợ sản xuất, đất sản xuất và trồng rừng; dạy nghề và tạo việc làm; nhà ở và nước sinh hoạt; giáo dục - đào tạo; y tế và chăm sóc sức khỏe; trợ giúp pháp lý và hỗ trợ thông tin. Nhóm chính sách đặc thù, chủ yếu trong hai chương trình lớn tác động đến giảm nghèo đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đó là: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) và Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a).

Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã góp phần tác động đến việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước là 2,3% /năm/mục tiêu 2%; xây dựng trên 1.000 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; đầu tư trên 5 nghìn công trình hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi; trên 12.000 hộ nghèo tham gia các mô hình giảm nghèo; thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng khoảng 15%, ước tính có khoảng 20-30% số hộ thoát nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được xây dựng trên nguyên tắc, đối tượng trọng tâm là người nghèo, hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo; ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt). Chương trình đã khắc phục được khía cạnh dàn trải của các chính sách chung.

Chương trình 135 giai đoạn II: Đến 2010, có 5 mục tiêu hoàn thành, đó là: giảm tỉ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010); tăng thu nhập bình quân đầu người (đạt 4,2 triệu đồng/người/năm); 80,7% số xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản; 100% xã có trạm y tế; 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí. Về nguồn lực, ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 14 nghìn tỷ đồng, định mức đầu tư tăng dần qua các năm (từ 860 triệu đồng/xã năm 2006-2007 lên 1.064 triệu đồng/xã năm 2008-2009 và 1.364 triệu đồng/xã năm 2010), ngân sách địa phương bố trí được trên 635 tỷ đồng (bằng 4,5% tổng vốn), đồng thời huy động được sự đóng góp rất đa dạng của người dân như ngày công lao động, hiến đất xây dựng công trình, khai thác vật liệu tại chỗ... (khoảng từ 10-15% tổng mức đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn) và đóng góp của một số tổ chức trong và ngoài nước.
Chương 30a: Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 58,33% (năm 2010), còn 43,89% (năm 2012), bình quân giảm trên 6,48%/năm. Đối với 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế, chính sách của Chương trình 30a, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 43,56% (năm 2011) còn 30,13% (năm 2012). Thu nhập bình quân đầu người của các huyện tăng 2,1 lần, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 95.486 hộ, vượt 116% so với kế hoạch. Trong 3 năm (2009-2011), các huyện nghèo đã được đầu tư 2.674 công trình. Về nguồn lực, ngân sách Trung ương đã bố trí để thực hiện Chương trình 30a trong 3 năm (2009 - 2011) là 22.968 tỷ đồng, bình quân mỗi huyện nghèo được bố trí 123,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, các tỉnh bố trí ngân sách địa phương được khoảng 1.300 tỷ đồng, 26 doanh nghiệp nhà nước cam kết hỗ trợ 54 huyện nghèo số tiền trên 2.200 tỷ đồng.

Chương trình 135 và 30a là bước điều chỉnh chính sách đúng hướng, phù hợp với đặc điểm nghèo đã thay đổi của giai đoạn này, xác định địa bàn trọng tâm để giải quyết, qua đó tăng cường được hạ tầng cơ sở (giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, phát thanh truyền hình...), thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng dần trình độ và hiệu quả canh tác, sản xuất, kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số và các địa bàn khó khăn nhất, góp phần cải thiện đời sống của khu vực miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Kết quả một số chương trình hỗ trợ giảm nghèo đặc thù khác

Từ năm 2010-2012, các địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (QĐ 102/2009/QĐ-TTg) 1.599,764 tỷ đồng, đạt 90,7% kế hoạch.

Từ năm 2008-2012, thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư (QĐ 33/2007/QĐ-TTg, QĐ 1342/QĐ-TTg), ngân sách Trung ương bố trí 1.256 tỷ đồng, đã hoàn thành 6/44 dự án định canh, định cư xen ghép và 14/253 dự án định canh, định cư tập trung; tiếp tục thực hiện 38 dự án định canh, định cư xen ghép, 162 dự án định canh, định cư tập trung, ổn định đời sống và sản xuất cho 9.827 hộ với 46.187 nhân khẩu. Hiện còn 77 dự án định canh, định cư tập trung chưa thực hiện được do thiếu kinh phí nên chính sách này được tiếp tục thực hiện đến năm 2015.

Về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (QĐ 134/2004/QĐ-TTg, QĐ 1592/QĐ-TTg ): Giai đoạn 2004 - 2008, đã hỗ trợ xây dựng 373.400 nhà (vượt 11% kế hoạch) với tổng kinh phí là 1.920 tỷ đồng. Chất lượng nhà ở mới đảm bảo trên mức nhà tạm với tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, vách cứng, mái cứng), mức hỗ trợ bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/căn. Đã hỗ trợ 1.552 ha đất ở cho 71.713 hộ, 43 tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất sản xuất với 27.763 ha cho 85.563 hộ; xây dựng được 4.663 công trình nước sinh hoạt tập trung. Giai đoạn từ 2009 đến nay, các chính sách này đã được gia hạn (QĐ 1592/QĐ-TTg) với tổng kinh phí 7.906 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008-2010 (QĐ 74/2008/QĐ-TTg): Đến cuối năm 2011, ngân sách Trung ương đã phân bổ 1.087,91 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ đất ở cho 5.584 hộ, hỗ trợ đất sản xuất được 4.553/33.587 hộ, đào tạo nghề được 22.542/41.518 lao động, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 38.513/74.605 lao động. Do nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn rất lớn nên chính sách này đã được tiếp tục thực hiện đến năm 2015 (QĐ 29/QĐ-TTg).

Chính sách cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất (QĐ 32/2007/QĐ-TTg): Từ năm 2007-2011, ngân sách Trung ương phân bổ 532 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện chính sách này, đã hỗ trợ cho 118.530 hộ vay vốn để phát triển sản xuất, 80.218 hộ vay vốn để mở rộng chăn nuôi, 4.343 hộ vay để mở rộng sang ngành nghề dịch vụ khác. Năm 2012, ngân sách Trung ương đã bố trí 110 tỷ đồng nhưng chính sách hết hiệu lực nên việc giải ngân dừng lại. Do còn khoảng trên 156 nghìn hộ có nhu cầu vay vốn (chiếm tỉ lệ 61,4%), chính sách này được tiếp tục thực hiện đến năm 2015 (QĐ 54/2012/QĐ-TTg).
Cùng với các một số chính sách khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như trợ giá, trợ cước; xây dựng trung tâm cụm xã; hỗ trợ 5 dân tộc thiểu số rất ít người... các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nghèo, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này, góp phần làm thay đổi nhanh hơn bộ mặt của nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Thực tiễn thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị, là chính sách ưu tiên hàng đầu và là nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế, cá nhân, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.

Bên cạnh thành tựu đạt được thì thách thức lớn nhất hiện nay đó là tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% (cá biệt có nơi trên 50%, thậm chí trên 60%-70%) và có khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo (trong khi cả nước có hơn 1,4 triệu hộ cận nghèo); thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế.

Định hướng chính sách giảm nghèo giai đoạn 2015-2020

Quốc hội nhận định, đến năm 2020, mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo bình quân trong cả nước ít nhất 1,5%/năm, đối với các huyện nghèo giảm 4%/năm là phù hợp và có tính khả thi đối với điều kiện kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân. Giai đoạn 2015-2020, cần tập trung điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015 thông qua thay đổi chuẩn nghèo đa chiều; ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội. Tiếp tục đưa giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của Quốc hội. Tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo, trong đó quan tâm giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số; địa bàn 30a; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở đối với người nghèo.

Chính phủ cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, sắp xếp hợp lý các văn bản pháp luật có liên quan đến giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; phân công trách nhiệm rõ ràng; phân loại địa bàn và đối tượng hỗ trợ gắn với thời hạn và điều kiện; giảm dần các chính sách cho không và tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện; lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức vươn lên thoát nghèo. Đảm bảo cân đối nguồn lực trung hạn cho các chính sách; lựa chọn chính sách ưu tiên để sử dụng nguồn lực hợp lý, công bằng; tập trung đầu tư cho địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với các vùng phát triển.

NGUYỄN QUANG