Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử

09:02 26/11/2014 Lượt xem: 1063 In bài viết

Chúng tôi đánh giá cao thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành những tình cảm cả về tinh thần và vật chất, để triển khai một chương trình hết sức có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc nghèo nói riêng và thu được những thành quả hết sức to lớn. Chúng tôi đánh giá có sự chuyển biến rất mạnh trong vùng đồng bào dân tộc về trình độ dân trí, phát triển văn hóa, xã hội, có những khởi sắc quan trọng, chưa bao giờ có. Vùng đồng bào dân tộc đã có những điểm tiếp cận được thông tin chung của cả nước, có cơ hội làm nền tảng để phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn và cảm thấy có phần trách nhiệm của người làm công tác dân tộc. Trước hết, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số so với tỷ lệ hộ nghèo trung bình cả nước vẫn còn 59,2%, trong khi đồng bào dân tộc đa số chỉ còn 9,9%. Tỷ trọng người nghèo trong đồng bào dân tộc ngày càng gia tăng. Nếu năm 1993 mới có 20% thì đến năm 2010, kết thúc Chương trình 135 giai đoạn 2, tỷ lệ này lại tăng lên 47%. Năm 2012, vẫn còn 47% nghèo đói kinh niên, 68% nghèo cùng cực (số liệu của Ngân hàng Thế giới nhận xét về nghèo đói trong vùng đồng bào dân tộc ở Việt Nam). Năm 2013, cả nước vẫn còn 2.068 xã, 3.506 thôn, bản đặc biệt khó khăn rải rác tại 52 tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc sinh sống. Tại các huyện nghèo và các huyện được Thủ tướng Chính phủ bổ sung hưởng chính sách tương đương như các huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vẫn chiếm 83%. Một số dân tộc có tỷ lệ nghèo rất cao, tập trung ở vùng sâu, vùng xa và trên núi cao như các dân tộc thiểu số ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 90%.
Về đất sản xuất, mặc dù hàng triệu hộ đã được giải quyết nhưng vẫn còn gần 327 nghìn hộ thiếu đất sản xuất. Nhiều hộ do không có đất để sản xuất đối diện với nguy cơ di cư tự do; còn gần 300 nghìn hộ đói giáp hạt, đói kinh niên; 329 nghìn hộ thiếu đất ở.

Về chất lượng nhân lực - nguyên nhân dẫn đến nghèo của đồng bào dân tộc: Theo số liệu thống kê, số người dân nghèo chưa được đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc cả nước chiếm 86,21%. Tỷ lệ này ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chiếm 90%, 17/52 tỉnh còn trên 90% lao động chưa qua đào tạo. 53 dân tộc, xếp thứ nhất là dân tộc Mông có 98,7% chưa qua đào tạo, dân tộc Khmer 97,7%, dân tộc Thái 94%, các dân tộc ít người khác 95,95%. Do chưa qua đào tạo, rõ ràng đồng bào không thể đủ kiến thức để tự xóa đói giảm nghèo dù Nhà nước đã cố gắng, làm hết sức cho đồng bào dân tộc. Với một mặt bằng dân trí như thế thì đây là lực cản rất lớn. Đề nghị Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các địa phương cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề đào tạo, nâng cao dân trí cho đồng bào, để chính bản thân họ tự xóa đói giảm nghèo chứ không ai làm thay được.

Đổi mới và tạo đột phá trong xây dựng chính sách

Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế chính sách phù hợp. Chúng tôi đề xuất cần tập trung vào các lĩnh vực sau:

Một là, rà soát lại các địa bàn trọng điểm về nghèo đói để có chính sách, nhưng không phải chính sách chung cho cả nước mà chính sách cho vùng. Vùng Tây Bắc hiện nay còn 28% đói nghèo, cần có chính sách riêng; chính sách cho vùng Tây Nguyên riêng, Tây Nam bộ riêng. Không thể có một chính sách chung cho cả 3 vùng này vì đặc thù dân tộc, phong tục tập quán, điều kiện, các yếu tố liên quan đến vấn đề đói nghèo đều khác nhau. Đề nghị cần có một chính sách xác định như vậy, trên cơ sở sử dụng bộ tiêu chí phù hợp với khu vực đó. Các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và các địa phương cần có sự phối hợp rất chặt chẽ để đưa ra các sáng kiến về chính sách phù hợp với đặc thù địa bàn.

Hai là, đề nghị có chính sách ổn định dân cư. Một trong những nguyên nhân nghèo triền miên hiện nay là do chưa làm tốt công tác ổn định dân cư, định canh, định cư. Thời kỳ bao cấp, chúng ta có một kế hoạch về bố trí, sắp xếp lại dân cư, định canh, định cư và xây dựng vùng kinh tế mới nhưng đã hết hiệu lực và bây giờ dân di cư tự do dẫn đến rất bị động cho cả nơi đi và nơi đến. Do vậy, cần có chính sách để ổn định dân cư và đầu tư nguồn lực cho đồng bào nghèo, khó khăn ở nơi mà họ rục rịch, chuẩn bị di cư. Ví dụ như ngoài Bắc cần đầu tư cho các tỉnh phía Bắc khó khăn, tránh để dân đến Tây Nguyên rồi đầu tư cho Tây Nguyên là không ổn.

Ba là, cần có chính sách riêng cho đồng bào dân tộc ở biên giới, thậm chí cấp không gạo cho vùng đồng bào này như tỉnh Hà Giang đang thực hiện. Tại 4 huyện vùng cao, biên giới, núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang, không ai có thể thay thế đồng bào để trông giữ đường biên, cột mốc. Nếu để đồng bào vì đói ăn phải di cư mà chúng ta lại điều động dân cư nơi khác đến chắc là không thể làm như đồng bào ở nơi đấy được. Cho nên cần có chính sách cho những vùng này. Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm và chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách nhưng chính sách lâu dài thì phải tiếp tục nghiên cứu. Cần phải có chính sách phù hợp và có cả chính sách cho biên giới Lào, Campuchia. Đòi hỏi cấp bách nữa là phải có chính sách cho vùng hải đảo, đồng bào ngư dân, chính sách cho vùng có công với cách mạng như An toàn khu (ATK) - những nơi còn rất nhiều đồng bào nghèo.

Bốn là, để làm được việc và tránh những tồn tại như thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đề xuất sắp tới cần xây dựng một bộ tiêu chí xác định hộ nghèo chuẩn hơn. Một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là ở cơ sở vẫn nể nang trong bình xét, công nhận hộ nghèo còn tràn lan. Các đồng chí ở huyện, tỉnh đóng dấu xác nhận gửi lên thì Ban Chỉ đạo Trung ương phải chấp nhận, không có cách nào bác được. Nhưng trên thực tế trong số hộ nghèo có cả người mắc nghiện, thậm chí vi phạm pháp luật, có sức khỏe nhưng lười lao động, dẫn đến đói ăn, nên được công nhận là hộ nghèo. Người dân rất bức xúc và rất mong địa phương giúp Trung ương xác định hộ nghèo thật chính xác.
Chính sách chỉ nên hưởng một lần. Ví dụ, Chương trình 135 hiện nay Ủy ban Dân tộc đang quản lý qua 3 giai đoạn, nhưng có nhiều hộ, địa phương vẫn để hưởng chính sách đủ cả 3 giai đoạn, tức là 15 năm là hộ nghèo, trong khi đó những hộ cận nghèo không được hưởng chính sách gì. Những người vươn lên thoát nghèo nhưng không được hưởng chính sách xin được làm hộ nghèo là vì thế, thậm chí có những người đã phải "chạy" để được làm người nghèo. Đây là vấn đề không thể chấp nhận được, đề nghị phải rất công bằng và kiên quyết.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã có điều kiện nói với đồng bào, thậm chí phê phán rất mạnh. Tôi khẳng định với đồng bào không có ai tốt hơn Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Vì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam cho đồng bào mình rất nhiều thứ: bảo vệ sức khỏe, giáo dục, chỉ trừ mỗi việc "chưa lấy vợ cho". Đồng bào cho Chính phủ cái gì? Cho đến thời điểm này, đồng bào không phải cho Chính phủ thứ gì, thuế cũng không phải nộp mà vẫn nghèo mãi như thế có được không? Tôi đã phát biểu như thế. Chúng ta phải động viên nhưng cũng phải tỏ thái độ. Nếu không sẽ tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước dẫn đến nghèo, từ đó có thể dẫn đến những nguyên nhân bất ổn khác. Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất. Hộ nghèo chỉ hưởng chính sách từ 3-5 năm, không được hưởng lâu hơn và cấp sổ hộ nghèo. Hết thời hạn, muốn ở trong hộ nghèo cũng không được, để đồng bào phải phấn đấu vươn lên.

Năm là, xưa nay, chúng ta ít có chính sách khuyến khích các hộ thoát nghèo. Chúng tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết và cần xây dựng cơ chế, chính sách mạnh, bố trí đủ nguồn lực để khuyến khích đồng bào phấn đấu thoát nghèo. Nếu chính sách này chúng ta chưa có hoặc không đủ sức hút thì đồng bào vẫn ở lại là hộ nghèo. Đối với những tỉnh, huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 20%, đề nghị Chính phủ không trợ cấp mà để địa phương tự trợ cấp, trong đó phân công cụ thể người nghèo phải chịu trách nhiệm làm loại việc gì để tự thoát nghèo, lĩnh vực nào Nhà nước hỗ trợ trên cơ sở đánh giá đúng tiêu chí. Dứt khoát không hỗ trợ đối với những người có sức lao động mà không lao động. Đề nghị Chính phủ cho rà soát lại, kiểm tra, thanh tra hộ nghèo nào không đúng tiêu chí. Đang có sức lao động, lẽ ra anh không phải nghèo mà lại được cho là hộ nghèo do một lí do gì đấy như xét duyệt cảm tình với nhau chẳng hạn, thì đề nghị cũng phải đưa ra khỏi diện hộ nghèo.

Những vấn đề Nhà nước cần giúp đỡ đồng bào nghèo

Trước hết là nâng cao trình độ dân trí. Con người là trung tâm, nhưng trong con người, kiến thức và trí tuệ là số một; đồng bào thiếu cơ bản chỗ này. Hơn 90% lao động chưa qua đào tạo, trình độ dân trí hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến đói, nghèo.

Thứ hai, hướng dẫn và đào tạo nghề, đồng bào rất đơn giản, gần như làm theo bản năng, phụ thuộc vào tự nhiên, chưa sử dụng kiến thức để làm thay đổi môi trường, thay đổi đời sống.

 Thứ ba, rất quan trọng là phải xây dựng lợi thế để đồng bào có thể thoát nghèo. Địa bàn nào có lợi thế gì có thể làm giàu, có thu nhập thì cần được phát huy. Nghiên cứu vùng đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi thấy tình hình đi làm thuê và bán vé số dạo rất phổ biến, có thu nhập cao, đủ trang trải nhu cầu chi tiêu cho một ngày. Nhưng phía Bắc, người dân bán vé số dạo thì ít người mua và cũng không thể xuống sông, xuống biển bắt con cá để ăn, để bán. Vậy chính sách phải như thế nào? Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, bán vé số có thể công nhận là một nghề không? Làm thuê có thu nhập xóa đói, giảm nghèo thì công nhận là nghề có được không? Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu. Nếu không tính những yếu tố này mà chỉ tính những tiêu chí chung như của cả nước thì đây là vấn đề bị sót.

Thứ tư, đề nghị tới đây xây dựng ít chính sách nhưng đa dạng về mục tiêu, ít đầu mối và nhiều nội dung. Ví dụ một tỉnh hay một vùng chỉ cần một Nghị định của Chính phủ nhưng trong đó gồm có cả kinh tế - xã hội, hạ tầng, y tế, giáo dục... Phải cải tiến phương pháp xây dựng chính sách. Quá trình làm, quá trình hoàn thiện chính sách còn quá phức tạp. Ví dụ, lấy ý kiến là cần thiết nhưng có những Bộ mãi không cho ý kiến; sau đó cho ý kiến cũng chỉ vài chữ, không tham gia được vấn đề cụ thể. Các thành viên Chính phủ đa số đồng tình nhưng còn một vài Bộ giữ vai trò quan trọng chưa có ý kiến thì Thủ tướng cũng không quyết được. Đây là vấn đề chúng tôi thấy rất khó khăn, thậm chí chậm trong việc ban hành chính sách. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần chỉ nên để hai chương trình là chương trình giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới, dưới sự điều hành trực tiếp của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.

Đề nghị Đảng, Nhà nước nên có một nghị quyết chuyên đề riêng (có thể Bộ Chính trị là tốt nhất) về phát triển toàn diện các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó tập trung giải quyết khó khăn cho một số dân tộc đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số rất ít người; vì nguy cơ một số dân tộc sẽ mất trên bản đồ các dân tộc Việt Nam; hiện có những dân tộc chỉ còn trên dưới 300 người.

Theo Hiến pháp mới, Quốc hội là cơ quan quyết định chính sách dân tộc. Đề nghị Quốc hội tăng cường công tác xây dựng chính sách và triển khai thực hiện, giám sát các chính sách do Quốc hội ban hành. Chính phủ luôn là người chấp hành và sẵn sàng cùng với các bộ, ngành tiếp tục đổi mới công tác xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách cho người nghèo. Thời gian qua, thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo rất đáng ghi nhận nhưng còn nhiều tồn tại, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của các đại biểu Quốc hội để thực hiện chính sách trong thời gian tới hiệu quả hơn.

Phương Liên