Thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hệ thống chính trị

03:37 25/11/2014 Lượt xem: 2154 In bài viết

Đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ nghe được ý kiến của đông đủ các Bộ, ngành tập trung đánh giá về chính sách dân tộc đã và đang thực hiện; đề xuất chính sách giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030 trong bối cảnh đến năm 2015, hầu hết các chính sách dân tộc hết hiệu lực, đặt ra yêu cầu phải khẩn trương xây dựng chính sách mới, thực hiện cho giai đoạn 2016 - 2020 ngay từ năm 2014.

Hiện nay, nước ta có 130 chính sách dân tộc, được thể hiện tại 177 văn bản, 37 Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ, 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trong đó Ủy ban Dân tộc quản lý 9 chính sách, các Bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước bằng việc ban hành những chủ trương, chính sách riêng phù hợp với địa bàn. Nguồn lực được bố trí thực hiện chính sách vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2006 - 2012 là 150.000 tỷ đồng; các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý được bố trí gần 32.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Bộ, ngành cho rằng hệ thống chính sách dân tộc đã khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc, miền núi. Cơ chế chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ; từ hỗ trợ chuyển sang đầu tư. Các chính sách được quan tâm phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương, vai trò của người dân và các đối tượng thụ hưởng được phát huy, tạo sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và địa phương để hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Thông qua hệ thống chính sách hiện hành, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc, miền núi thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh 3 - 4%/năm, cao hơn nhiều tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển tích cực, dân trí được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy…

Đồng chí Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, người đã từng kinh qua hai cương vị: Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (giai đoạn 2002 - 2007) khẳng định: thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã tạo nên một điểm đặc biệt của Việt Nam so với thế giới, đó là niềm tin tuyệt đối của đồng bào các dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Niềm tin đó đã góp phần củng cố, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; kết hợp với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện quan trọng để đồng bào các dân tộc vươn lên cùng cả nước.

Bên cạnh thành tựu là những khó khăn, thách thức, không thể xem nhẹ được các Bộ, ngành tập trung phân tích: vùng dân tộc và miền núi hiện là vùng khó khăn nhất nước, tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững, cơ sở hạ tầng thấp kém. Toàn quốc đang còn 2.068 xã, trên 18.000 thôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%; kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp: còn tới 17,2% người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên không biết chữ; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo gần 90%. Việc thiếu đất sản xuất, không gian sinh tồn bị thu hẹp đã ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Trong hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ đạt chuẩn còn thấp, thiếu cán bộ người dân tộc thiểu số hoặc có cán bộ dân tộc nhưng chưa được đào tạo; trọng lượng tiếng nói trong xã hội của đồng bào có xu hướng giảm sút…

Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, hạn chế là do đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai; cơ sở hạ tầng yếu kém; xuất phát điểm về kinh tế xã hội của vùng dân tộc miền núi thấp so với mặt bằng chung. Công tác dân tộc mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, mô hình tổ chức quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ khi thành lập (1946) đến nay đã trải qua nhiều mô hình tổ chức với chức năng nhiệm vụ khác nhau nên thiếu sự ổn định. Mặc dù đất nước đã đổi mới gần 30 năm nhưng thể chế quản lý nhà nước nói chung, hệ thống chính sách dân tộc nói riêng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và đổi mới. Nhận thức về công tác dân tộc, vị trí vai trò vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước ở một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương chưa sâu sắc, chưa thực sự coi công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Nhất trí với những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong thực hiện chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc chỉ ra, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng còn có sự trùng lặp về đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách; nội dung chính sách chưa đồng bộ, chưa được kết nối để đảm bảo mục tiêu đề ra; chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn; chính sách thường có mục tiêu lớn nhưng thời gian và nguồn lực thực hiện không tương xứng… Hệ lụy là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục là nhóm nghèo nhất, yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất và dễ bị cư xử bất bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, tiềm ẩn nguy cơ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc miền núi diễn biến phức tạp. Biểu hiện sự bất bình đẳng về đời sống kinh tế là chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng doãng ra; bất bình đẳng về chính trị thể hiện ở số lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ chức vụ trong hệ thống chính trị không tương xứng với tỷ lệ dân tộc; đồng bào các dân tộc thiểu số bị động, lúng túng giữa bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc với hội nhập, phát triển cùng thời đại.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu Đảng và Nhà nước phải có những quyết sách mới cho vùng dân tộc, trên quan điểm đổi mới tư duy xây dựng chính sách và hoàn thiện thể chế. Chính sách không nên bao cấp mãi mà chỉ mang tính hỗ trợ trong giai đoạn nhất định, với đối tượng nhất định nhằm giúp đồng bào các dân tộc phát huy năng lực nội sinh, để có sức mạnh nội sinh thì phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo. Cách tiếp cận xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 cần theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực và giảm đầu mối văn bản quản lý. Chuyển từ chính sách hỗ trợ sang chính sách đầu tư; đối với những vùng khó khăn cần có những dự án trọng điểm cụ thể.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc. Tất cả các Bộ, ngành đều có trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Kết quả thực hiện chính sách, công tác dân tộc quyết định sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Chúng ta thực hiện không tốt chính sách dân tộc là không ổn định và không ổn định thì không phát triển bền vững. Ổn định chính trị xã hội phải trên nền tảng là lòng tin của nhân dân ủng hộ chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, nhất trí và đồng thuận”.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm và tập trung khắc phục những hạn chế trong triển khai chính sách dân tộc, nhất là trên 4 vấn đề: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn quá lớn, có nơi lên tới trên 50% mà nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, điều kiện canh tác khó khăn, trình độ canh tác hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp; trình độ học vấn, dân trí vùng dân tộc và miền núi chưa cao; đội ngũ cán bộ vùng dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu và không đồng đều; hạ tầng kinh tế và xã hội vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà vước là đúng đắn nhưng nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là người đứng đầu có nơi, có lúc chưa đúng mức, chưa theo sát thực tế, nhất là trong nghiên cứu, đề xuất và triển khai các chính sách đặc thù ở địa phương; vẫn còn nhiều chính sách chồng chéo, thậm chí một số chính sách ban hành nhưng không khả thi; sự chỉ đạo, cơ chế phối hợp triển khai chính sách dân tộc chưa tốt; bố trí nguồn lực đầu tư chưa tương xứng và việc sử dụng các nguồn lực có nơi không hiệu quả; việc kiểm tra đôn đốc triển khai chính sách dân tộc còn chưa chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, từ đó đề ra được những chính sách đặc thù thiết thực và hiệu quả để phát triển vùng dân tộc. Toàn hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các thành viên Chính phủ tiếp tục quán triệt sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, đồng thời chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc bằng các chương trình, kế hoạch, nghị quyết và chính sách cụ thể, thiết thực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tới đây sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai chính sách dân tộc một cách cụ thể tới từng Bộ, ngành theo chức năng được giao. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách bất cập, không phù hợp với thực tế, có cơ chế, chính sách tập trung giải quyết bằng được vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, đồng thời có cơ chế thiết thực hỗ trợ phát triển sản xuất hộ gia đình gắn với trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và phát triển chăn nuôi bò...

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán nguồn lực đầu tư tối đa trong năm 2015 cho vùng dân tộc, miền núi. Đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực thi chính sách dân tộc gắn với đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân tộc….

Cùng với những phát biểu mang tính gợi mở, định hướng cho công tác dân tộc thời gian tới, Thủ tướng đã chấp thuận và giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Dân tộc, trong đó có những đề xuất: có tác động đến hoạt động cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc trong những năm tới cấp kinh phí còn thiếu năm 2014 cho Chương trình 135, tăng nguồn chính trị phí hàng năm, thành lập Học viện Dân tộc...

Bên cạnh sự ủng hộ của người đứng đầu Chính phủ, tất cả các Bộ, ngành dự họp cũng cơ bản đồng thuận với các đề xuất của Ủy ban Dân tộc về quan điểm xây dựng chính sách và nội dung chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Đó là cơ sở để tin rằng, giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống chính sách dân tộc sẽ có sự đổi mới, thể chế hoá được quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta: "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển".

                                                                                                                                                                                                                                                            

Thực hiện: Quang Hải - Phương Liên
Mạnh Cường - Bình Minh
(Tạp chí Dân tộc số 163, tháng 7/2014)
[NNL: DTH]