Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng giữ vững chủ quyền quốc gia

03:22 24/12/2014 Lượt xem: 1098 In bài viết

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam năm 2012, nước ta có 5 vùng biển: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nước ta có bờ biển trải dài 3.260 km dọc Bắc – Trung – Nam, trên biển có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, với trữ lượng hải sản lớn và phong phú, trữ lượng khoáng sản, nhất là dầu khí to lớn, tiềm năng du lịch gắn với biển và trên biển dồi dào. Dọc bờ biển và trên biển Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố, với 12 thành phố lớn, 125 huyện, thị xã ven biển, 100 cảng biển, khoảng 238.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá. Năm 2007, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp khoảng 49% GDP cả nước, trong đó riêng kinh tế trên biển chiếm khoảng 22%; các ngành kinh tế biển quan trọng như dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch biển đều tăng trưởng với nhịp độ cao… Có 12 cửa sông chảy ra biển, 50% dân số ở các tỉnh sống ven biển, tài nguyên: phong phú và da dạng, trữ lượng khai thác hải sản: 3-4 triệu tấn/năm, trữ lượng dầu khí: 3-4 tỷ tấn. Biển có tiềm năng về kinh tế giao thông hàng hải. Về Quốc phòng - an ninh: Biển Việt Nam có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Khống chế đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á. Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số 14 cuộc chiến tranh chống xâm lược có đến 10 cuộc chiến tranh kẻ thù hoàn toàn sử dụng đường biển hoặc kết hợp với đường bộ để tiến công.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), xác định: vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc. Đặc biệt, ngày 9-2-2007, Hội nghị Trung ương 4, khóa X, ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc kết hợp phát triển kinh tế biển đảo gắn với quốc phòng, an ninh ở nước ta thời gian qua đã được chú trọng thông qua một số nội dung cơ bản như:

Đẩy mạnh việc đưa dân ra quần đảo Trường Sa

Thực hiện Quyết định số 1492 về việc: "Nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020". Quân chủng Hải quân đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ nhất trí với dự án đưa dân ra sống tại quần đảo Trường Sa (Dự án đưa dân ra Trường Sa là một dự án nhánh để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ)
- Về thời gian mỗi hộ dân ra đảo: 5 năm (nếu như đã hết hạn mà có nguyện vọng ở lại thì sẽ được hưởng chế độ cao hơn).
- Về thời gian nghỉ phép của các hộ dân: cứ 2 năm được đi phép vào đất liền một lần (cả hộ gia đình), thời gian nghỉ phép là 25 ngày (nếu như không nghỉ phép mà ở lại đảo thì sẽ được hưởng 100.000đ/1người/ngày).
- Về nhà ở cho các hộ dân: Diện tích đất của mỗi hộ dân là 200 m2 (trong đó diện tích nhà ở là 104 m2 - còn lại là sân và diện tích đất để trồng rau xanh). Nhà ở được xây dựng đẹp và rất cơ bản (trị giá mỗi căn hộ khoảng 1,3 tỷ đồng - tính cả giá vận chuyển vật liệu ra đảo), phía trước có cổng mái ngói, bồn hoa; phía sau có diện tích tăng gia; có bờ tường phân cách giữa các hộ dân; nhà ở có 2 phòng nghỉ, 1 phòng khách, 1 phòng ăn, 1 bếp, 1 bể chứa nước mưa khoảng 24 m3; công trình vệ sinh khép kín với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho một gia đình.
- Về phương tiện nghe, nhìn: Mỗi hộ dân được cấp 01 ti vi màu 21 inch, 01 đầu đĩa, một thiết bị để thu vệ tinh, 01 máy điện thoại di động (mỗi tháng Nhà nước hỗ trợ 300.000đ cho mỗi hộ dân để liên lạc với người thân ở trong đất liền).
- Về nhu yếu phẩm và quần áo: Người dân được cấp nhu yếu phẩm cấp như quân đội; về quần áo mỗi năm Nhà nước sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
- Về chế độ lương: Nếu một hộ gia đình có 3 người thì một năm sẽ được khoảng 160 triệu đồng. Thu nhập tương đương với đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc.
- Về tiêu chuẩn ăn hàng ngày: Người lớn hưởng 100%, còn trẻ em hưởng 80% tiêu chuẩn mà mỗi cán bộ và chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa được hưởng. Các đơn vị quân đội trên đảo sẽ có trách nhiệm cấp cho người dân và không phải trả tiền.
- Về việc làm: Sau khi Nhà nước triển khai xây dựng hoàn thành các âu tàu tại các đảo, sẽ hỗ trợ về phương tiện và ngư cụ cho các hộ dân để khai thác đánh bắt hải sản và sẽ có tàu ra thu mua, chế biến, cũng như cung cấp nhiên liệu trên biển, không để tình trạng đưa dân ra đảo sinh sống mà không có công ăn việc làm.
Sau một thời gian tiến hành phối hợp với các cơ quan ban ngành đoàn thể của tỉnh Khánh Hòa để tuyên truyền vận động nhân dân. Ngày 5/4/2008, tàu của Quân chủng Hải quân đã chở 21 hộ dân với 74 nhân khẩu và 12 cán bộ xã ra sinh sống tại quần đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa; xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn - mỗi đảo có 7 gia đình). Hiện nay, Quân chủng Hải quân đang làm việc với tỉnh Quảng Ngãi để đưa ngư dân ra sinh sống và khai thác ở đảo Trường Sa, khi ngư dân ra sẽ nâng cao hiệu quả khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện nay trên Quần đảo Trường Sa cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã được cải thiện đáng kể, có Nhà khách thủ đô; nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; 3 ngôi Chùa; tượng đài liệt sĩ; điện bằng năng lượng gió và mặt trời; mạng điện thoại Viettel đã được phủ sóng khắp toàn bộ quần đảo... các công trình hoạt động trên đã thực sự góp phần quan trọng trong việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH gắn với củng cố quốc phòng an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, nâng cao khả năng phòng thủ bảo vệ, điều kiện bảo đảm đời sống sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên đảo.

Tăng cường trang bị, cho ngư dân vay đóng tàu mới, công suất lớn

Cuối tháng 7/2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với Quảng Ngãi, xúc tiến đề án thành lập các đoàn tầu lớn đánh bắt xa bờ; Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam có chương trình “tấm lưới nghĩa tình” thu trên 40 tỉ đồng ủng hộ ngư dân. Như vậy chúng ta kiên quyết đưa ngư dân ra đánh bắt tại ngư trường truyền thống của ta. Khánh Hòa hiện có gần 750 tàu có công suất máy từ 90 đến hơn 400 mã lực, đây là đội tàu chuyên khai thác hải sản khơi xa và đánh bắt nhiều dòng hải sản có giá trị cho xuất khẩu. Năm 2011, vận dụng chính sách của Trung ương, Khánh Hòa đã triển khai hỗ trợ 8,5 tỷ đồng cho 155 tàu có công suất lớn thực hiện 213 chuyến biển khơi xa (bao gồm hỗ trợ dầu, bảo hiểm thuyền viên) nhờ đó đóng góp đáng kể cho sản lượng khai thác năm 2011 của tỉnh là 79.000 tấn hải sản các loại. Không những hỗ trợ vật chất từ đất liền mà ngay cả ở các ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa và DK1 (nhà giàn). Trên khu vực Biển Đông, Việt Nam đã xây dựng cụm 7 khu vực nhà giàn, mỗi nhà giàn là một Trạm Dịch vụ Kinh tế-Khoa học kỹ thuật (DVKT-KHKT), giao Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý.

Nơi bà con ngư dân tập trung đánh bắt luôn được sự giúp đỡ của cán bộ, nhân dân trên các đảo. Năm 2012, giúp cho 300 tàu với số tiền 74 tỷ đồng, năm 2013, Khánh Hòa đã hỗ trợ 10,5 tỷ đồng cho 165 tàu có công suất lớn, thực hiện 224 chuyến biển khơi xa. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 220/418 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên được lắp đặt máy VX-1700. Mỗi máy có giá 28 triệu đồng, được Chính phủ hỗ trợ hoàn toàn. Máy VX-1700 có chức năng đàm thoại và báo cáo vị trí tàu bằng vệ tinh GPS để truyền về bờ một cách chính xác.

Hiện đại hóa quân đội

Về chủ trương chung xây dựng quân đội ta hiện nay là “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”. Song xuất phát từ tình hình nhiệm vụ cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ IX đã xác định sẽ xây dựng một bộ phận quân đội tiến lên hiện đại (Lực lượng thông tin liên lạc; tác chiến điện tử; Quân chủng PK-PQ; Quân chủng Hải quân). Tức là “Xây dựng Hải quân NDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại”. Những năm gần đây, nhất là từ năm 2010 đến nay Quân chủng Hải quân đã được Đảng, Nhà nước và quân đội quan tâm, đầu tư mua sắm các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại: tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, máy bay thủy phi cơ cánh bằng…

Nhận thức sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông; đồng thời qua đó nêu cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên vùng biển là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

TS. Nguyễn Thị Hoài Phương
Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng)
(Tạp chí Dân tộc số 164, tháng 8/2014)
[NNL: DTH]