Tăng cường phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc với Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam

09:58 10/03/2015 Lượt xem: 1012 In bài viết

Ban Kinh tế Trung ương là Ban Đảng đầu tiên ký kết phối hợp chương trình công tác với Ủy ban Dân tộc. Theo văn bản ký kết, hai bên có trách nhiệm: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao; các chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người; tham gia ý kiến thẩm định các đề án, dự án lớn về công tác dân tộc trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội trong công tác dân tộc; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong công tác dân tộc. Phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các thông tin chuyên đề, kết quả nghiên cứu, khảo sát về công tác dân tộc...

Theo chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu viện trợ, đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số. Chủ trì hoặc phối hợp quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam quản lý các hoạt động trợ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước. Phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam kiểm tra, giám sát việc vận động nguồn lực và quản lý, sử dụng nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số…

Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam có trách nhiệm chủ trì vận động, kêu gọi hoặc phối hợp vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và cá nhân nước ngoài triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số. Chủ trì lựa chọn các tổ chức phi chính phủ, các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài để triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có lồng ghép với việc thực hiện Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 – 2017...

Với chức năng là tổ chức chính trị - xã hội, chuyên trách hoạt động đối ngoại nhân dân – một trong ba chân kiềng của hoạt động ngoại giao, những năm qua, Liên hiệp đã tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cá nhân viện trợ trên 2,5 tỷ USD cho Việt Nam. Phần lớn là các dự án viện trợ liên quan đến y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ký kết Chương trình phối hợp công tác mở ra hướng đi chung cho hai cơ quan trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 – 2017.

Nhóm phóng viên
(Tạp chí Dân tộc số 166, tháng 10/2014)
[NNL: DTH]