Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng

04:40 07/05/2015 Lượt xem: 3107 In bài viết

Qua khảo sát tại 143 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành có 11.344 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 589 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động DTTS, chiếm 5,19%; đơn vị có tỷ lệ cao nhất là Ban Dân tộc tỉnh 33,3%. Ở cấp huyện hiện có 1.745/19.472 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiếm 8,96%.

Nhận thức rõ vai trò của cán bộ người DTTS, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các cơ quan làm công tác cán bộ tỉnh, huyện đã chủ động làm tốt công tác tuyển dụng, xét tuyển công chức, viên chức; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, trong đó có chính sách cán bộ người DTTS đến các ngành, các cấp và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17 - NQ/TU ngày 20/10/2008 “Về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức được quy định khá cụ thể và chi tiết về việc: tuyển dụng, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, từ chức, luân chuyển, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật… Do đó đã điều chỉnh khá toàn diện và đầy đủ các quan hệ phát sinh trong thực tiễn quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức đúng quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cho từng giai đoạn, phù hợp với cơ cấu dân số của tỉnh. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS cho từng giai đoạn cách mạng theo hướng tăng số lượng, nâng cao về chất lượng, có tính đến cơ cấu dân tộc. Điều đó thể hiện trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị tương đương giai đoạn 2015-2020. Chẳng hạn cấp tỉnh: quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ là cán bộ DTTS 7/92 vị, đạt 7,6%; Ban Thường vụ 3/23 vị, đạt 13%; Ủy viên HĐND tỉnh 1/4 vị, đạt 25%; cấp phó các ban Đảng 2/54 vị, đạt 3,7%; Mặt trận và các đoàn thể: cấp trưởng 1/17 vị, đạt 5,88%; cấp phó 7/22 vị, đạt 31,82%...

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ dân tộc ngày càng được nâng cao. Đã có 16 thạc sĩ, 387 đại học, 24 cao đẳng, 79 trung cấp… bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Bên cạnh những chuyển biến kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ một số hạn chế sau:

Việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ DTTS của một số cơ quan, đơn vị, ngành chưa thật sự hợp lý, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo được tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, công chức; nhiều nơi còn mang tính chắp vá, chỉ mới giải quyết những vấn đề trước mắt, thiếu chiến lược lâu dài. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa mang tính căn bản, hệ thống. Việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực thi nhiệm vụ cụ thể chưa được chú trọng; phương pháp đào tạo còn nặng về thuyết trình, lý luận, ít xử lý tình huống trong thực tế; nội dung, chương trình đào tạo còn trùng lặp; kết quả đào tạo, bồi dưỡng chưa được đánh giá một cách đầy đủ, kịp thời và khách quan; khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng chưa cao, có trường hợp chưa hợp lý.

Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chú trọng việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo cán bộ DTTS. Hiện có 29 cơ quan, đơn vị không có cán bộ DTTS. Một số cơ quan đầu ngành của tỉnh không có cán bộ DTTS như UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy. Một số địa phương có đông đồng bào DTTS, nhưng không có cán bộ DTTS như khối chính quyền huyện Bảo Lâm. Huyện Đam Rông có 77,7% đồng bào DTTS, cán bộ DTTS nhiều nhất trong cấp huyện nhưng cũng chỉ chiếm 17,48%. Bên cạnh đó công tác quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý vẫn còn nhiều bất cập; tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ, công chức vào quy hoạch chưa được cụ thể hóa đối với từng loại công chức. Mục tiêu quy hoạch cán bộ, công chức chưa được xác định rõ ràng ở từng cấp, từng đơn vị. Tỷ lệ công chức được bổ nhiệm từ nguồn quy hoạch thấp. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ, công chức kế nhiệm cho ngành, địa phương mình. Chưa thực hiện tốt các khâu sau quy hoạch như kiểm tra, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công chức theo quy định.

Cơ cấu tỷ lệ cán bộ dân tộc gốc Tây Nguyên ở các cấp, các ngành chưa thật sự tương xứng với cơ cấu dân số của tỉnh (dân số chiếm 21%, cán bộ người dân tộc chỉ chiếm 9,7%; dân số dân tộc bản địa chiếm 17%, cán bộ dân tộc bản địa chiếm 4,59%).

Sự mất cân đối còn ở chỗ cán bộ lãnh đạo và cán bộ công chức ở các cơ quan đảng, chính quyền chỉ chiếm tỷ lệ 5,19%. Điều đó cho thấy việc bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS, đặc biệt là người DTTS gốc Tây Nguyên còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chiến lược dài hơi cho những thập kỷ tới đây.

Điều đáng lưu ý có nơi, có lúc lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thật sự tin tưởng khi giao nhiệm vụ cho cán bộ DTTS, dẫn đến tình trạng cán bộ DTTS, bức xúc, tự ti do đó phấn đấu cầm chừng, bàng quan trước các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Đội ngũ cán bộ DTTS chủ yếu được bố trí ở các ngành y tế, giáo dục, khối Mặt trận và các đoàn thể. Cán bộ cấp xã phần lớn bán chuyên trách chiếm 49,6%; khối Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh có 31 người, chiếm 11,63% nhưng đa số ở Hội Chữ thập đỏ và chủ yếu hợp đồng (18 người, chiếm 58%).

Một số cán bộ, công chức có trình độ văn hóa, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp (cấp xã còn 47 người có trình độ tiểu học, chiếm 3,88%; trung học cơ sở có 297 người, chiếm 24,5%); trình độ lý luận chính trị phần lớn mới chỉ có trình độ trung cấp, còn cao cấp, cử nhân chiếm số lượng hạn chế (cấp xã có 330 người, chiếm 27,3%; cấp huyện 83 người, chiếm 4,25%; cấp tỉnh có 79 người, chiếm 13,41%).

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở Lâm Đồng hiện nay, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy đảng các cấp. Các chủ thể của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển bền vững, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo. Cấp ủy, chính quyền cần xây dựng các đề án về phát triển nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc nói riêng làm cơ sở để bổ sung nguồn cán bộ, công chức kịp thời, có chất lượng. Nên chăng trong nghị quyết của các đảng bộ đưa tỷ lệ cán bộ, công chức là người DTTS khoảng 15-20%; những huyện có đông đồng bào DTTS thì khoảng 20-25%. Đây là quy định bắt buộc đặt ra cho các cấp ủy, cơ quan, đơn vị coi đây là một trong những nhiệm vụ của mình.

- Chủ động làm tốt công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ, công chức. Cần khảo sát đánh giá chính xác hiện trạng cán bộ người DTTS. Có như vậy mới có căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, đưa cán bộ, công chức vào quy hoạch đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện. Công tác quy hoạch cán bộ theo hướng mở và động- không giới hạn trong cơ quan, đơn vị mình; đảm bảo 3 độ tuổi để chuyển tiếp các thế hệ cán bộ, công chức; mỗi chức danh quy hoạch 2-3 cán bộ; mỗi cán bộ quy hoạch 2-3 chức danh và hằng năm phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch cán bộ. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng còn 824 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng là con em đồng bào DTTS. Đây là nguồn cán bộ có chất lượng đặt ra cho các cấp ủy đảng phải đưa vào quy hoạch, sử dụng đội ngũ sinh viên này, nhất là đối với cấp xã, từng bước trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường trong những năm tới.

- Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc. Đây là công việc “gốc” của Đảng, nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS “vừa hồng vừa chuyên”. Cần đa dạng hóa nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ, an ninh quốc phòng, công tác vận động quần chúng, dân tộc, tôn giáo… Kết hợp đào tạo chính quy, tại chức, bồi dưỡng ngắn ngày, tập huấn, tham quan các mô hình trình diễn, nhằm nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn, năng lực tư duy và kiến thức thực tiễn. Đặc biệt trong những năm tới vừa coi trọng đào tạo chính quy, cơ bản cho cán bộ, công chức người dân tộc, cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn từ 7 đến 10 ngày, chủ yếu trang bị kiến thức mới, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý tình huống, tác nghiệp có tính chất “cầm tay chỉ việc”, nhất là đối với cán bộ, công chức cấp xã. Luân chuyển cán bộ cũng là hình thức để cán bộ, công chức học hỏi nhân dân, đồng nghiệp và tích hợp kiến thức thực tiễn một cách toàn diện.

- Bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức. Phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, năng lực sở trường của cán bộ, công chức để bố trí sử dụng hợp lý cán bộ. Không để chênh lệch quá lớn trong bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc trong các cơ quan, đơn vị. Cần có quan điểm lịch sử cụ thể trong bố trí, sử dụng cán bộ. Cán bộ người dân tộc tuy có những tiêu chí còn thấp so với cán bộ người Kinh nhưng phải mạnh dạn, tin tưởng giao nhiệm vụ cho họ, không nên quá cầu toàn. Quá trình cán bộ người DTTS tổ chức thực hiện nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ người Kinh cần tận tình giúp đỡ. Trong những năm tới phải tăng dần cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc trong HTCT các cấp. Đồng thời trước khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức người dân tộc cần tham khảo ý kiến nhận xét của nhân dân, bởi họ hiểu rõ phẩm chất, năng lực và xu hướng triển vọng của cán bộ.

- Đổi mới chính sách đối với cán bộ người dân tộc. Lợi ích là khâu nhạy cảm thôi thúc con người hành động. Chính sách cán bộ xuyên suốt ở các khâu của công tác cán bộ, bao hàm cả chính sách về vật chất và tinh thần. Chính sách hợp lý, kịp thời sẽ khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tận tụy với công việc, năng động sáng tạo, hoàn thành tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao.

TS. Nguyễn Thế Tư
Học viện Chính trị Khu vực III (Đà Nẵng)

(Tạp chí Dân tộc số 165, tháng 9/2014)
[NNL: DTH]