Quản lý chất lượng đào tạo cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên

09:52 08/06/2015 Lượt xem: 1976 In bài viết

Quan điểm, định hướng, quản lý chất lượng đào tạo CBCC cấp xã người DTTS ở Điện Biên
Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC người DTTS là một trong những khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII, đưa Điện Biên thoát khỏi tình trạng kém phát triển, phấn đấu từng bước trở thành tỉnh phát triển trong khu vực miền núi phía Bắc.

Phát triển nguồn nhân lực là người DTTS dựa trên nhu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển nhân tài, lấy giáo dục phổ thông làm nền tảng. Hướng tới sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, khả năng thích ứng, năng động sáng tạo, ý thức kỷ luật hành chính; tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng và truyền thống cách mạng, đảm bảo yêu cầu phát triển toàn diện con người.

Nâng cao chất lượng đào tạo CBCC người DTTS cấp xã là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, nhằm phát huy nguồn lực toàn xã hội; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trong của công tác cán bộ; quán triệt và thực hiện đúng các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giải pháp quản lý chất lượng đào tạo CBCC cấp xã người DTTS ở Điện Biên
Gồm 4 nhóm giải pháp về: Hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý chất lượng đào tạo CBCC người DTTS; Hoạt động quản lý chất lượng đào tạo nguồn, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo CBCC cấp xã người DTTS; Quản lý chất lượng quy trình, khung chương trình, giáo trình, đào tạo CBCC cấp xã người DTTS; Quản lý chất lượng giáo viên và phương pháp dạy - học; Quản lý chất lượng học viên và hoạt động học tập của học viên.

Nhóm giải pháp quản lý chất lượng quy trình, khung chương trình, giáo trình, đào tạo CBCC cấp xã người DTTTS
Quản lý quy trình đào tạo cán bộ, công chức cấp xã người DTTS theo định hướng ISO: Áp dụng ISO vào quá trình đào tạo CBCC cấp xã người DTTS là nhằm xây dựng và thực hiện một hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo dựa trên các nguyên tắc cơ bản và các yêu cầu để tạo ra một phương pháp làm việc khoa học, đảm bảo công việc có chất lượng, thỏa mãn nhu cầu của người học và qua đó nâng cao tính chất phục vụ, gắn bó giữa nhà đào tạo và người học.

Quản lý chất lượng khung chương trình đào tạo CBCC cấp xã người DTTS: Muốn quản lý tốt chất lượng khung chương trình đào tạo thì phải quản lý tốt toàn bộ các bước trong chu trình đó. Ví dụ, muốn thiết kế khung chương trình đào tạo có chất lượng, thì phải làm tốt bước phân tích, đánh giá nhu cầu đào tạo. Sau đó, để duy trì được chất lượng của khung chương trình thì quá trình thực hiện đào tạo phải đảm bảo chất lượng. Sau khi kết thúc hoạt động đào tạo thì phải tiến hành đánh giá, thẩm định tác động. Trên cơ sở đó có sự thiết kế lại cho phù hợp với nhu cầu và bối cảnh của CBCC cấp xã người DTTS.
Quản lý chất lượng giáo trình đào tạo CBCC chức cấp xã người DTTS: để quản lý tốt chất lượng giáo trình đào tạo CBCC nói chung và CBCC cấp xã người DTTS nói riêng cần quan tâm đến một số điểm sau: cần xác định cụ thể các tiêu chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng là gì; cấu trúc và nội dung của giáo trình đào tạo, tài liệu bồi dưỡng phải thể hiện sự cân đối giữa các nội dung, giữa kiến thức và kỹ năng, giữa lý thuyết và thực hành; khi biên soạn giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cần qui định rõ các khối kiến thức và kỹ năng mà học viên phải biết, nên biết và có thể biết; khi biên soạn chương trình nên sử dụng văn phong đơn giản, có hình ảnh minh họa giúp học viên dễ hiểu.

Nhóm giải pháp quản lý chất lượng giáo viên và phương pháp dạy - học
Quản lý chất lượng giảng viên theo các tiêu chí chuẩn hóa, hiện đại hóa và̀ phù hợp tính tộc người: có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chất lượng tốt, nhưng nếu việc truyền đạt các nội dung của chương trình đào tạo, bồi dưỡng kém thì việc đạt được mục tiêu của đào tạo cũng sẽ kém hiệu quả, không có kết quả đầu ra tốt. Có thể nói giảng viên là người quyết định đến sự thành công hay thất bại của một chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Cần quan tâm hơn nữa về việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; bên cạnh việc thu hút tuyển dụng, cử đi đào tạo nâng cao trình độ thì cần đẩy mạnh hơn nữa việc tạo điều kiện cho giảng viên đi thực tiễn cơ sở.

Quản lý chất lượng của phương pháp dạy – học theo hướng lấy người học làm trung tâm của giảng viên: phương pháp này rất phù hợp với đối tượng học viên là những người lớn, đã có kinh nghiệm công tác, bởi vì người lớn học tốt nhất khi nhu cầu của họ được đáp ứng tức thì, khi họ được tham gia, được dựa theo kinh nghiệm, được sự phản hồi, được tôn trọng, và quá trình học tập diễn ra trong một môi trường thân thiện.

Nhóm giải pháp quản lý chất lượng học viên và hoạt động học tập của học viên
Quản lý chất lượng nguồn và tạo nguồn đào tạo CBCC cấp xã người DTTS: theo số lượng thống kê tính đến ngày 30/6/2013, tổng số CBCC cấp xã của tỉnh Điện Biên là 2.613 người, trong đó số CBCC cấp xã người DTTS là 2.234 người, chiếm 85,1%. Qua kết quả điều tra khảo sát và thống kê: Đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS hiện nay của tỉnh Điện Biên chưa có cơ cấu hợp lý về giới tính và độ tuổi. Bên cạnh đó, tỉ lệ CBCC cấp xã người DTTS đã được tham dự các khóa đào tạo bồi dưỡng cũng chưa đồng đều.Từ thực tế nêu trên cho thấy, công tác đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS còn nhiều bất cập, hạn chế và để khắc phục tình trạng này trong những năm tới cần quan tâm tới các biện pháp sau:

Thứ nhất, khi qui hoạch cán bộ nguồn cấp xã là người DTTS cần ưu tiên cho cán bộ nữ và ưu tiên cho cán bộ chuyên trách dưới 30 tuổi. Cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ công chức xã người DTTS về lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước. Việc qui hoạch, kế hoạch đào tạo cần gắn với bố trí, sử dụng và sử dụng nguồn cán bộ lâu dài. Thứ hai, cần quan tâm hơn nữa đối với công tác quản lý, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS. Thứ ba, cần nâng cao hiệu lực việc thực thi chính sách đối với cán bộ người DTTS để đảm bảo quyền lợi cho người đi học. Ngoài ra, cơ quan cử cán bộ đi học cũng nên có chế độ đãi ngộ, khuyến khích cán bộ đi học. Thứ tư, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để lựa chọn nguồn cán bộ từ các trường nội trú, tức là chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông là cử đi đào tạo nguồn. Đặc biệt là cần phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, động viên và lựa chọn cán bộ nguồn từ các trường nội trú. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui hoạch đào tạo nguồn CBCC xã người DTTS và việc sử dụng cán bộ sau đào tạo.

Quản lý đánh giá chất lượng học tập của học viên; nhóm giải pháp quản lý đánh giá chất lượng học là nhóm giải pháp trọng tâm bởi vì cái đích cuối cùng của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng là hướng tới và tác động vào người học nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ của họ.

 Quản lý đánh giá chất lượng hoạt động rèn luyện của học viên: quá trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã người DTTS không chỉ trang bị cho học viên kiến thức và kỹ năng, mà còn là quá trình rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của người lãnh đạo, quản lý. Vì thế, các nhà quản lý đào tạo cần phải có biện pháp quản lý tốt học viên và thiết lập các tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của học viên.

Muốn quản lý chất lượng hoạt động rèn luyện của học viên thì trước hết các cơ sở đào tạo cần ban hành qui chế học tập thống nhất cho các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Cần phổ biến, tuyên truyền, thuyết phục học viên nhận thức rõ về nhiệm vụ học tập của mình. Cần tạo một môi trường học tập thân thiện cùng với sự hợp tác kịp thời giữa nhà quản lý đào tạo với học viên sẽ tạo điều kiện tốt cho sự rèn luyện của học viên nhằm đạt kết quả cao trong học tập.
 

Nguyễn Văn An
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên
(Tạp chí Dân tộc số 166, tháng 10/2014)
[NNL: DTH]