3 năm thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc

04:28 07/05/2015 Lượt xem: 1958 In bài viết

Khoản 1, Điều 21 Nghị định 05 giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc; xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, chính sách đặc thù; các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tiêu chí phân định vùng dân tộc theo trình độ phát triển; tiêu chí xác định thành phần dân tộc; tiêu chí về chuẩn đói nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 05, ở cấp Trung ương, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản: chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn thực hiện Điều 18 của Nghị định 05; Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014, 2015.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, sau 3 năm, thực hiện Nghị định 05, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách cho 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; Nghị quyết 80 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020; Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015.

Bộ Nội vụ trình Thủ tướng phê duyệt: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2011 - 2015, trong đó quy định nội dung đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ chuyên ngành, tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác tại vùng có dân tộc thiểu số sinh sống; Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, trong đó quy định chế độ ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số ít người; Nghị định về công chức xã, phường, thị trấn trong đó có quy định hình thức tuyển dụng công chức không qua thi tuyển ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, trong đó tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lâm nghiệp theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, giai đoạn 2013 - 2020, đối tượng áp dụng gồm cả dân cư tự do, đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015.

Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đang soạn thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 13, 14, 15 của Nghị định 05.

Bộ Giáo dục - Đào tạo trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 49/2010/NDD-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.

Ở cấp địa phương, Ban Dân tộc các tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách, chương trình, đề án thực hiện các quy định của Nghị định 05 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu: Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã xây dựng và ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện Nghị định 05; Ban Dân tộc Thanh Hoá xây dựng và phê duyệt chiến lược công tác dân tộc; Ban Dân tộc An Giang xây dựng Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Khmer, Chăm, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tham mưu cho Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Nghị quyết về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015"…

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Một số địa phương thực hiện tốt chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số, cơ cấu cụ thể tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống cơ quan nhà nước đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình tuyển dụng, sử dụng. Đơn cử tỉnh Gia Lai quy định: "Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đơn vị thuộc tỉnh bố trí ít nhất 10% so với tổng biên chế được giao; các huyện bố trí ít nhất 15% so với tổng biên chế".

Thực hiện Điều 6 Nghị định 05 quy định: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện định kỳ tổ chức 5 năm một lần. Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số định kỳ tổ chức 10 năm một lần Uỷ ban Dân tộc đã có văn bản hướng dẫn và hiện nay, các địa phương đang tiến hành Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện lần thứ II, tiến tới Đại hội cấp tỉnh.

Tổ chức thực hiện các chính sách về văn hoá, văn nghệ, nhiều địa phương đã tiến hành các ngày hội văn hoá truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào; tuyển chọn thí sinh tham gia trình diễn trang phục dân tộc lần thứ I tại Hà Nội… góp phần thiết thực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số gắn với thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Nhìn chung, với sự chủ động của Uỷ ban Dân tộc, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, Nghị định 05 đã được thực thi và đạt kết quả: từng bước rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chồng chéo trong quản lý nhà nước liên quan đến thực hiện chính sách dân tộc. Tình hình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành nghị định ngày càng hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tế, nhóm đối tượng, vùng, miền, đảm bảo thứ tự ưu tiên và phù hợp với yêu cầu đổi mới đất nước. Góp phần thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho công tác dân tộc có bước phát triển đột phá, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền. Giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát huy được giá trị nội lực, tiếp tục vươn lên xoá đói giảm nghèo, làm giàu và xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc, miền núi.

TCDT
(Tạp chí Dân tộc số 164, tháng 8/2014)
[NNL: DTH]