Một số giải pháp bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay

10:56 11/06/2015 Lượt xem: 92617 In bài viết

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, DTTS của Đảng và nhà nước, trong những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế- xã hội đã được thực hiện trong vùng: Chính sách phát triển lâm nghiệp, phát triển nghề rừng; Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn (CT 135), Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo (QĐ 134/2004/ QĐ-TTg), Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS ĐBKK vay vốn phát triển sản xuất (QĐ32/2007/QĐ-TTg, QĐ 126/2008/QĐ-TTg); Chính sách định canh, định cư; chính sách qui tụ, bố trí và ổn định dân cư; chính sách phát triển khai thác và chế biến khoáng sản; Chính sách đầu tư phát triển thủy điện… Nhờ thực hiện tốt các chính sách, trong mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của cả nước đạt 7-8 %, riêng các tỉnh miền núi phía bắc đạt từ 8-11%. Cơ cấu kinh tế miền núi phía bắc chuyển dịch hợp lý. Bình quân giảm nghèo ở các xã ĐBKK là 3%, ở các huyện 30a là 4-5%/năm, trong khi cả nước là 2%/năm(1). Các chính sách đã làm thay đổi căn bản đời sống của đồng bào. Nhưng song cùng với sự phát triển ấy là sự biến đổi môi trường tự nhiên, là sự ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí, sự suy giảm đa dạng sinh học, các sự cố môi trường gia tăng. Nguyên nhân cơ bản là do trong quá trình thực hiện các chính sách đã có những tác động ngược lại đối với môi trường. Chương trình 134/2008, Chương trình 135 giai đoạn 1, giai đoạn 2 có hợp phần hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống nhưng không hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho đồng bào, do vậy một số đồng bào vẫn phóng uế bừa bãi. Chính phủ có Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, trong quá trình thực hiện một số địa phương đã không hỗ trợ bằng tiền mà bằng 10m3 gỗ. Đây chính là đầu mối của việc phá rừng trên diện rộng. Việc giao cho các tỉnh tự qui hoạch thủy điện nhỏ dẫn đến sự phát triển ồ ạt thủy điện ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Trong khi ngân sách địa phương chưa thu được bao nhiêu từ thủy điện, thì tình trạng khô hạn, lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Việc bố trí tái định cư cho đồng bào nằm trong khu vực dự án làm chậm và không phù hợp với lối sống, tập quán canh tác của đồng bào, dẫn đến một số ít người dân bỏ khu tái định cư, tự tìm nơi ở mới và kéo theo đó là hiện tượng phá rừng, lập bản, lấy đất sản xuất. Bên cạnh đó, áp lực gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế cũng tác động không nhỏ đến việc điều chỉnh chính sách của địa phương. Sự cấp giấy phép ồ ạt, xây dựng vội vàng các công trình thủy điện, các công trình khai khoáng cho các doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu về trình độ kỹ thuật là nguyên nhân trực tiếp gây nên các sự cố môi trường như sạt lở, chấn động địa chất, suy thoái, ô nhiễm tài nguyên nước, đất, rừng... Môi trường tự nhiên suy thoái, ô nhiễm đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của đồng bào DTTS, khiến bệnh tật hiểm nghèo phát sinh.

 Hiện nay, môi trường miền núi phía Bắc và môi trường tự nhiên Việt Nam đang đứng trước những thách thức cơ bản sau:
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị bảo vệ môi trường thấp kém, lạc hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, nhưng kinh phí đầu tư cho môi trường còn thấp, năng lực cán bộ quản lý môi trường hạn chế.
Sự gia tăng dân số, di cư tự do và đói nghèo gây ra áp lực lớn đối với tài nguyên và môi trường.

Các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đồng bộ. Bảo vệ môi trường chưa được lồng ghép một cách hài hòa với phát triển kinh tế- xã hội, dẫn đến khó khăn cho ngăn ngừa ô nhiễm và bảo đảm phát triển bền vững.
Nhận thức về môi trường và phát triển bền vững chưa đầy đủ, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn thấp.

Để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường tiến tới phát triển bền vững vùng miền núi phía bắc, cần các nhóm giải pháp sau:

1. Nhóm giải pháp về xây dựng, thực hiện hệ thống thể chế luật pháp bảo vệ môi trường.

1.1. Khi hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và tầm nhìn dài hạn. Chúng ta cũng cần nhận thức rõ vấn đề an ninh môi trường trước những đe dọa nghiêm trọng bởi các yếu tố như: biến đổi khí hậu; sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng; những mâu thuẫn phát sinh trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, nguồn nước của các dòng sông lớn khi chảy vào Việt Nam lại bắt nguồn từ nước ngoài và bị khống chế từ nước ngoài, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh,... đều tác động đến an ninh nguồn nước và hậu quả chưa thể lường hết được. An ninh môi trường nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ gây tác động xấu đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, do vậy khi tiến hành hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng, từng ngành, địa phương, phải gắn với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và có tầm nhìn dài hạn.

1.2. Cần có bản đồ phân vùng môi trường làm căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường vùng dân tộc, miền núi. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh ở các tỉnh miền núi phía Bắc lại tỷ lệ nghịch với vấn đề môi trường, nên cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất sạch; trong đó ưu tiên các dự án đầu tư về xử lý chất thải, khôi phục môi trường. Trong các hợp phần của các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, ngoài việc hỗ trợ giống, cây, con, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hướng dẫn bà con kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật mới với tri thức địa phương để vừa nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi vừa bảo vệ độ phì cho đất, chống xói mòn, rửa trôi.

1.3. Cần tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đề ra. Đổi mới và kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhất là ở cấp cơ sở (theo Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ quy định tổ chức bộ phận chuyên môn về BVMT tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước). Bố trí nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường đảm bảo đúng Nghị quyết số 41/NQ-TW là không dưới 1% tổng chi ngân sách cho công tác BVMT. Đầu tư có trọng điểm để giải quyết các vấn đề về môi trường, các điểm nóng về môi trường thuộc khu vực công ích như bãi xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, hệ thống xử lý chất thải y tế, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải công nghiệp ở các khu công nghiệp.

Thực hiện nghiêm túc luật Bảo vệ môi trường, luật Đất đai, luật Bảo vệ và phát triển rừng, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020. Trước mắt, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế, bệnh viện, làng nghề, các lưu vực sông, vùng nông thôn và miền núi. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần điều chỉnh lại mức thuế tài nguyên, thuế khai thác, sử dụng nước cho phù hợp với thực tế và phải có qui định rõ ràng mức đóng thuế thỏa đáng của doanh nghiệp cho địa phương và nhà nước, tránh tình trạng đóng thuế hình thức như hiện nay.

1.4. Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế vào công tác BVMT. Tạo cơ chế phối hợp, hợp tác và huy động mọi thành phần kinh tế, toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường. Để huy động được toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường, nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách chia sẻ lợi ích trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, phân phối công bằng lợi nhuận giữa nhà nước, các đơn vị kinh tế và người dân. Doanh nghiệp phải thường xuyên sử dụng một phần lợi nhuận từ công trình để chăm lo đời sống của đồng bào. Người dân trồng rừng cần được hưởng phần kinh phí thỏa đáng cho việc đã tạo ra môi trường không khí trong lành, đã tạo ra trữ lượng nước lớn cho các công trình thủy điện. Nên dành một phần chi phí thuế tài nguyên, lợi nhuận của các dự án sản xuất từ tài nguyên miền núi đầu tư trở lại cho đồng bào DTTS, để đồng bào ổn định cuộc sống, hạn chế du canh, du cư, hạn chế chặt phá rừng bừa bãi làm nương rẫy.

2. Nhóm giải pháp gắn phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững vùng miền núi phía bắc.

2.1 Sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, nhất là các mỏ nhỏ, phân tán. Sử dụng các chế tài pháp luật, các chính sách, công cụ kinh tế và biện pháp hành chính nhằm thực hiện tốt các qui định pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở địa bàn khai thác mỏ.

2.2 Tăng cường công tác thẩm định kế hoạch phát triển thủy điện trước khi cấp giấy phép xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tránh ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước trong vùng.

2.3 Tổ chức xây dựng nghề rừng, quản lý nghề rừng và thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng. Tổ chức thực hiện tốt các Chương trình 327, 661 phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nhằm tạo lá phổi xanh cho vùng nông thôn miền núi. Xây dựng và ban hành các chính sách về miễn giảm thuế sử dụng đất, các chính sách quản lý vùng đệm, vùng lõi rừng. Thúc đẩy phát triển nông - lâm nghiệp sinh thái, khuyến khích trồng rừng dược liệu ở những vùng có lợi thế so sánh. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết với dân để phát triển rừng bằng nhiều hình thức linh hoạt như thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của dân để trồng rừng nguyên liệu, chế biến lâm sản, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật... Chuyển đất và rừng của những nông lâm trường sử dụng kém hiệu quả giao cho dân, thôn bản và các tổ chức kinh tế khác. Tiến tới giao rừng, đất rừng cho cộng đồng làng, bản.

 2.4. Có kế hoạch và kinh phí thỏa đáng thu gom rác thải: rác thải rắn, rác thải bệnh viện cần có hố chôn lấp, sử lý đúng tiêu chuẩn, nhằm tránh nhiễm bẩn, nhiễm độc nguồn nước. Đồng thời có chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy tri thức địa phương, trong đó, quan tâm đặc biệt tới các luật tục tiến bộ, kết hợp luật tục với chế tài pháp luật trong bảo vệ môi trường.

2.5. Chính quyền địa phương cần cụ thể hóa và đưa chính sách bảo vệ môi trường vào chương trình hành động, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, tăng cường sự tham gia của cả cộng đồng vào quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong hợp phần của các chương trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn cần tăng cường hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn đồng bào xây hố xí hợp vệ sinh. Nên tránh tình trạng đổ đầu đối với các vùng mà cần căn cứ vào đặc điểm từng vùng có chính sách hỗ trợ cụ thể để tăng nhanh số hố xí hợp vệ sinh, giúp đồng bào từ bỏ thói quen đi vệ sinh tùy tiện trong rừng. Tăng cường kinh phí hỗ trợ để bà con có điều kiện thay tấm lợp Phờrôximăng bằng nguyên liệu tôn hoặc mái tranh, mái ngói, nhằm giúp đồng bào tránh các bệnh ung thư khi sử dụng nước sinh hoạt hứng qua tấm lợp về sau.

2.6. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường và phát triển bền vững nhằm xây dựng phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường. Môi trường ô nhiễm, các sự cố môi trường gia tăng ở vùng miền núi phía bắc ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của đồng bào, không chỉ đơn thuần do phát triển kinh tế, thương mại hay do áp lực dân số mà còn là vấn đề phức tạp liên quan đến lối sống, văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS. Để thay đổi thói quen, tập tục là cả vấn đề lớn, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động phải kiên trì, và chắc chắn. Cần tăng cường kinh phí truyên truyền để tuyên truyền bà con từ bỏ thói quen cũ canh tác cũ, phá rừng làm nương rẫy, sống rải rác ở trên núi cao hạ sơn, qui tụ thành làng bản, tránh nguy hiểm và đảm bảo vệ sinh môi trường.

 Chính quyền các cấp cùng với các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ, người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng chung tay, góp sức, tuyên truyền, giáo dục đồng bào nâng cao nhận thức về môi trường, từng bước hình thành quan niệm mới về phát triển và phát triển bền vững; tuyên truyền người dân sử dụng, bảo vệ tốt nguồn đất, nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Nên sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng, chữ viết phổ thông và tiếng dân tộc; tuyên truyền miệng; thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng; tổ chức các cuộc thi truyên truyền gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế- xã hội bằng hình thức thi viết hoặc sân khấu hóa, chuyển thể thành những kịch bản có dùng ngôn ngữ, cách nói của đồng bào. Nội dung, cách thức tuyên truyền gắn với từng chương trình chính sách phát triển kinh tế- xã hội và đối tượng cụ thể.

TS. Vũ Thị thanh Minh
Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]