Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Khmer Tây Nam Bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
10:25 08/06/2015 Lượt xem: 10505 In bài viếtCác giá trị văn hóa người Khmer vùng Tây Nam Bộ
Văn hóa vật thể
Về nhà ở: nhìn chung, người Khmer vùng Tây Nam bộ thường sống trên những vùng
đất cao, định cư để làm nhà; điều này giúp họ chống chọi với nắng gió phương Nam
và tránh được mùa nước nổi hằng năm. Người Khmer trước đây thường ở nhà sàn, đặc
điểm nhà sàn là nét đặc trưng đầu tiên cần ghi nhận ở người Khmer. Người Khmer
thường tập hợp các gia đình lại, sống cộng cư thành những phum, sóc.
Về chùa và kiến trúc chùa Khmer: Chùa Khmer thường nằm trên một khu đất rộng, là một tổng thể kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer. Trong không gian chùa, ngoài kiến trúc nhà chùa với các ngôi nhà có mái cao thẳng đứng, hoa văn họa tiết sơn vàng, còn có nhiều hệ thống tượng, điển hình của nghệ thuật điêu khắc tạo hình Khmer (tượng Phật, thần Kabil Maha Prum, nữ thần đất, hung thần Reahu, tiên nữ, vũ nữ Apsara, chằm, người chim, vua khỉ Hanuaman, rồng, rắn, linh thú…) làm nên sự khác biệt giữa chùa Khmer và các chùa của người Kinh, người Hoa.
Về trang phục, nhạc cụ và các giá trị văn hóa vật thể khác: trong cách ăn mặc của người Khmer có phần phức tạp, đặc thù của họ vẫn là chiếc váy “xàm pốt” cho nữ và “xà rông” cho nam. Trong âm nhạc, người Khmer có dàn nhạc ngũ âm, một dàn nhạc có âm lượng lớn dùng trong các nghi lễ trang trọng. Ngoài dàn nhạc ngũ âm, người Khmer còn có các nhạc cụ khác: đôi “chập ngã”; dàn nhạc dây “Plêing Khssè”; sáo trúc (Khloy)…và rất nhiều nhạc cụ độc đáo khác. Người Khmer Tây Nam bộ khai thác nhiều món ăn dựa vào nguồn tự nhiên mang lại, đặc biệt là món mắm “Bò hóc” và các loại bún như “bún nước lèo”, “canh xiêm lo” và món “cốm dẹp”.
Văn hóa phi vật thể
Phong tục tập quán, văn hóa tâm linh: có những giá trị rất đặc biệt, mang
bản sắc rất riêng của người Khmer Tây Nam bộ. Nghi lễ cưới, sinh, tang ma của
người Khmer Tây Nam bộ là một chuỗi những nghi lễ khá cầu kì và phức tạp. Các
hình thức tín ngưỡng dân gian được lưu giữ qua một số hình thức lễ hội ở các
ngày vào năm mới của người Khmer như Tết Chôl Thnăm Thmây, ngày Choôl Sâng-Kran
Thmây, ngày Vônabat, ngày Lơng Sak, Lễ cúng trăng (Óoc Ombóc), Lễ cúng ông bà (Sen
Đôn Ta). Ngoài ra, người Khmer Tây Nam bộ còn có đến gần 30 ngày lễ khác nhau
bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và Phật giáo như lễ cúng Niết Tà, cúng Arăk,
cúng Tổ…. Trong các lễ lớn, thường có hai cuộc hội thu hút rất đông người đó là
“đua ghe ngo” và “đua bò”.
Âm nhạc, sân khấu, múa, văn học: trước hết là sân khấu Rôbăm, Yukê, rồi múa Ram Vong, Lâm Leev, Saravan; các điệu hát dân gian như: Aday, Chhay Yam, hát ru con… Đặc biệt, người Khmer Tây Nam bộ đã sáng tạo ra 2 loại hình sân khấu mang bản sắc riêng của riêng mình mà người Khmer ở Campuchia không có, đó là nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê. Trong lĩnh vực văn học, người Khmer còn lưu giữ rất nhiều kho tàng văn học dân gian, văn vần, văn xuôi…Ngôn ngữ, trong phạm vi cộng đồng, dân tộc, phum, sóc người Khmer nói tiếng Khmer, một thứ tiếng đa âm.
Tác động của toàn cầu hóa đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa Khmer vùng Tây Nam bộ
Toàn cầu hóa là thành quả của văn minh nhân loại và là xu thế khách quan, mang đến cho các quốc gia những giá trị văn minh có tính phổ quát của nhân loại; với các nước kém phát triển thì góp phần giúp nâng cao trình độ văn minh, làm hiện đại hóa nền văn hóa. Đồng thời toàn cầu hóa cũng đưa văn hóa các dân tộc ra khỏi biên giới, giới thiệu và khẳng định những nét bản địa không trộn lẫn, làm phong phú nền văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã và đang đặt ra không ít những thách thức cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ nói riêng. Với toàn cầu hóa, thế giới dường như không còn phân biệt rõ ràng biên giới, cởi mở và liên kết hơn, nhưng lại cũng dễ xảy ra xung đột hơn với các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tệ phân biệt chủng tộc và sự thiếu khoan dung.
Có thể nói, nền văn hoá cổ truyền các dân tộc Khmer Tây Nam bộ đang đứng trước thử thách của một thời kỳ phát triển mới do những cơ sở kinh tế - xã hội trước đó đã bị thu hẹp nhường chỗ cho những yếu tố văn hóa mới của xã hội hiện đại, cùng với đó là những yếu tố văn hoá ngoại lai đang dần xâm nhập đã tác động rất lớn đến nền văn hóa cổ truyền dân tộc Khmer Tây Nam bộ. Để bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chuẩn bị hành trang cho văn hóa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều chính sách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer Tây Nam bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Khmer ở Tây Nam bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của người Khmer vùng Tây Nam bộ, tạo chuyển biến sâu sắc trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và trở thành phong trào yêu nước sâu rộng trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững quốc phòng an ninh, góp phần chăm lo tốt đời sống đồng bào Khmer.
Về văn giáo dục, các cấp chính quyền đã quan tâm củng cố và phát triển các loại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường thanh niên dân tộc ở các huyện, tỉnh có đông đồng bào Khmer. Đặc biệt là việc mở trường sư phạm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là người dân tộc Khmer, kể cả sư sãi có khả năng, dạy song ngữ ở cấp I, II; biên soạn sách giáo khoa song ngữ Việt - Khmer. Từ năm 2006, Chương trình dạy tiếng Khmer được cải cách, nâng cao thành 7 trình độ, áp dụng từ lớp 3 đến lớp 9. Điểm nổi bật là việc mở trường tạo nguồn đào tạo cán bộ Khmer và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nam bộ; quan tâm đào tạo cán bộ Khmer tại trường Đại học Cần Thơ, Đại học Trà Vinh. Học sinh Khmer được miễn học phí ở các cấp học. Nghiên cứu cấp học bổng cho những học sinh thuộc diện chính sách và học sinh giỏi ở tất cả các cấp học, ngành học...
Về văn học, nghệ thuật, các cấp chính quyền đã có kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hoá dân tộc Khmer; xây dựng nhà truyền thống và một số trung tâm văn hoá tiêu biểu của đồng bào Khmer như nhà trưng bày văn hóa Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Có chính sách củng cố và duy trì các đội văn nghệ dân tộc Khmer chuyên nghiệp như: Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh - Trà Vinh, Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng; xây dựng Nhà diễn tập Đoàn Nghệ thuật Khmer tại các địa phương; khuyến khích phong trào văn nghệ quần chúng. Đặc biệt, Trường Đại học Trà Vinh đã thành lập Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia trong việc chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào Khmer Nam bộ, trong đó có bộ môn nghệ thuật Khmer. Tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer được sử dụng tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Đài Truyền hình và phát thanh của các tỉnh đông đồng bào Khmer có chương trình phát sóng bằng tiếng Khmer.
Về chùa Khmer: tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hoá chùa Khmer kết hợp với nội dung văn hoá mới. Ở những chùa có điều kiện đã xây dựng thành những trung tâm văn hoá - thông tin, hướng dẫn thực hiện nếp sống mới của đồng bào Khmer; các phum, sóc, thành nơi thực nghiệm và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, nghiên cứu để đưa một số chùa Khmer có ý nghĩa tiêu biểu về lịch sử và văn hoá vào danh mục xếp hạng của Nhà nước. Về lễ hội, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống của người Khmer cũng được quan tâm. Từ năm 2003 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức “Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Khmer Nam bộ” hai năm/lần ở các tỉnh Tây Nam bộ và tổ chức “Những ngày văn hóa Khmer Nam bộ tại Hà Nội”… Lễ hội “Đua bò Bảy núi” được nâng lên thành lễ hội cấp tỉnh, được tổ chức hằng năm ở An Giang. Năm 2008, Lễ hội Ooc-Om-Boc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách 15 lễ hội thuộc Chương trình quốc gia về Du lịch Việt Nam.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Khmer ở Tây Nam bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng người Khmer về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer không chỉ làm phong phú thêm nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn là vũ khí sắc bén đánh tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với vai trò là người vận động cần thực hiện tốt phương châm “3 cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), xem công tác truyền thông là biện pháp hữu hiệu nhất để làm cho mỗi con người xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, thay đổi nhận thức: không có dân tộc lớn hay nhỏ, không có sự kỳ thị giữa dân tộc đông người với dân tộc ít người, mà phải biết trân trọng và tự hào về dân tộc mình, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa mà cha ông đã bao đời sáng tạo nên.
Thứ hai, đào tạo nhân lực nòng cốt đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc Khmer. Theo đó, cần đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để họ nhận thức và tham gia với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình, thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng…
Thứ ba, đối với ngành Giáo dục, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đưa chương trình dạy song ngữ (tiếng Việt - tiếng Khmer) vào tất cả các trường nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Thứ tư, gắn bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc Khmer với phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa phát triển văn hoá và kinh tế; hài hoà giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.
Thứ năm, Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, chú trọng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào Khmer. Nhà nước đầu tư kinh phí để sưu tầm những giá trị văn hóa của đồng bào Khmer có nguy cơ mai một, cũng như kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân; thường xuyên mở lớp truyền dạy cho lớp trẻ về nghệ thuật: hát, múa, đánh nhạc ngũ âm, điêu khắc, chạm trổ….
ThS. Đoàn Trung Dũng
Võ Văn Chỉ
(Tạp chí Dân tộc số 167, tháng 11/2014)
[NNL: DH]