Tăng cường quản lý nhà nước về công tác dân tộc - thiết thực củng cố mối quan hệ dân tộc và đại đoàn kết dân tộc

10:12 09/06/2015 Lượt xem: 18716 In bài viết

Một số thành tựu chủ yếu trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc thời gian qua

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước ta đã khẳng định rõ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”... “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, thực hiện các điều luật của Hiến pháp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2006-2012) Chính phủ đã ban hành 160 văn bản qui phạm pháp luật gồm: 14 Nghị định của Chính phủ, 40 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 27 văn bản phê duyệt đề án, 26 văn bản liên tịch giữa các bộ, ngành và 51 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Mặc dù trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới suy thoái, tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn 2006 – 2012, Chính phủ đã cố gắng dành ra 54.776 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, tốc độ tăng bình quân 20%/ năm.

Đến nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số nước ta đã bình đẳng về chính trị. Số lượng đại biểu là dân tộc thiểu số trong các khóa Quốc hội luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong tổng dân số cả nước. Trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm 17%, cao hơn tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số trong tổng dân số nước ta (14%). Hầu hết các dân tộc thiểu số đều có đại biểu trong Quốc hội. Ở các địa phương, nhiệm kỳ 2011- 2016 đại biểu dân tộc thiểu số trong Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 18% cấp huyện là 20%, cấp xã là 22,5%. Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số đã và đang giữ những chức vụ quan trọng như: Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc…

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc đã được cải thiện rõ rệt. 98,6% số xã có đường ô tô đến trụ sở ủy ban nhân dân xã, có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện lưới quốc gia. Trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số có việc làm cao: Dân tộc Mông đạt 95,5%, Thái 91,4%, Mường 90,4%, Tày 87,6%, Khmer 82,2%, các dân tộc khác bình quân đạt 88,1% ... Tỷ lệ hộ nghèo các tỉnh Đông Bắc giảm 3,62%, Tây Bắc giảm 4,4%, Tây Nguyên giảm 3,04%. Hơn 500.000 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ nhà ở, 72.000 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ đất ở, 153.000 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ nước sinh hoạt.

Công tác chăm sóc sức khỏe, đến hết năm 2012 có 99,39 % số xã vùng dân tộc đã có trạm y tế, 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 94,2% số thôn/bản có cán bộ y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 25%. Tất cả người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí. Một số dịch bệnh trước đây phổ biến ở vùng dân tộc và miền núi được ngăn chặn và đẩy lùi.

Công tác giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ quan trọng: 99,5% số xã có trường tiểu học, 93,2% số xã có trường trung học cơ sở và 96,6% số xã có trường mẫu giáo, mầm non; 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, 90% số xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Cả nước đã có 295 trường phổ thông dân tộc nội trú, với trên 80.000 học sinh các dân tộc theo học, 1.657 trường phổ thông dân tộc bán trú, với khoảng 150.000 học sinh dân tộc theo học. Đến nay, tất cả các dân tộc thiểu số đều có người tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số như: “Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên", "Thánh địa Mỹ Sơn", “Cao nguyên đá Đồng Văn”... được bảo tồn, tôn vinh, được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đồng bào các dân tộc thiểu số được thụ hưởng đời sống văn hóa mới: 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh, 92% người dân được nghe đài phát thanh, 85% được xem truyền hình, nhiều chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Êđê, Chăm, Khmer... Chính phủ cấp miễn phí 19 loại báo, tạp chí đến tận thôn, bản, ấp vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Đã cung cấp dịch vụ Internet đến tận xã, thôn, bản cho 63 tỉnh, thành phố, kể cả vùng sâu, vùng xa.

 Các kết quả trên đã tác động tích cực đến các chiều cạnh của các mối quan hệ dân tộc góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vị thế chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước nâng lên. Một số dân tộc đã phát triển ngang bằng với dân tộc Kinh và hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước. Trên một số lĩnh vực khoảng cách giữa các dân tộc thiểu số, từng bước được thu hẹp ...

Một số hạn chế, yếu kém

Đối chiếu với các nhiệm vụ Quản lý nhà nước về công tác dân tộc đã được qui định trong Nghị định số 05/2012/NĐ-CP, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, yếu kém như sau:

Đến nay, chúng ta vẫn chưa có một đạo luật riêng về công tác dân tộc, để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, các điều luật ghi trong Hiến pháp làm căn cứ pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân tộc, luật hóa các chính sách dân tộc, đầu tư cho vùng dân tộc và giải quyết các vấn đề dân tộc. Một số điều luật đã ban hành, nhưng thực thi ở vùng dân tộc hiệu quả còn rất thấp, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình. Cần khẩn trương tiến hành xác định thành phần dân tộc, tên gọi của một số dân tộc, xây dựng Bảng Danh mục thành phần các dân tộc ở nước ta, để thực hiện chính sách bình đẳng dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đạt hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc còn thiếu hiểu biết pháp luật, chính sách dân tộc, còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, luật tục trái với Luật pháp Nhà nước... Hoạt động tuyên truyền đối ngoại còn hạn chế, chưa tạo ra những diễn đàn đối thoại, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về công tác dân tộc...

Giữa các tỉnh, các địa phương chưa có nhiều hình thức kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, tháo gỡ khó khăn. Các hoạt động giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc còn ít.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hẹp không gian sinh tồn, thiếu đất sản xuất, có xu hướng lùi sâu vào vùng sâu, vùng xa. Một số chính sách dân tộc bên cạnh mặt tích cực, còn xuất hiện tâm lý so bì, thắc mắc giữa các dân tộc. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ người dân tộc thiểu số còn chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan quản lý nhà nước còn thấp. Một số bộ, ngành trung ương không có cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan quản lý nhà nước vùng Tây Nguyên, Tây Nam bộ rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác dân tộc chưa kết hợp chặt chẽ với công tác tôn giáo, tín ngưỡng. Trong thực tế, vấn đề tôn giáo ở các địa phương vùng dân tộc trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều tôn giáo mới phát triển nhanh đã gây ra những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, cộng đồng, tác động không nhỏ đến đoàn kết dân tộc...

Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, củng cố quan hệ dân tộc và tăng cường đoàn kết các dân tộc

Từ thực trạng trên, thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân tộc, giải quyết tốt các mối quan hệ dân tộc, góp phần tăng cường đại đoàn kết dân tộc, với những nội dung chủ yếu như sau:

Cần khẩn trương tiến hành xây dựng một Nghị quyết mới về công tác dân tộc, trên cơ sở đánh giá tổng kết Nghị quyết trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc, trong đó xác định rõ các chủ trương, quan điểm, đường lối cơ bản về vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc và công tác dân tộc trong tình hình mới. Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện một số chỉ thị, thông tri của Đảng, chính sách đối với một số dân tộc: Mông, Khmer, Hoa, Chăm và các dân tộc rất ít người... để đề xuất các chính sách mới phù hợp và hiệu quả hơn, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP, trên cơ sở đó tiến tới xây dựng Luật Dân tộc, cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp về vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc, làm căn cứ pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân tộc, xử lý vấn đề dân tộc, xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc.

Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài, gắn chính sách phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết mối quan hệ dân tộc. Trong điều kiện các dân tộc sinh sống đan xen nhau như hiện nay, không nên ban hành các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội riêng đối với từng dân tộc, để tránh phân biệt, suy bì, thắc mắc giữa các dân tộc. Chính sách cụ thể đối với các dân tộc chỉ nên tập trung vào các lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc.

Cần thay đổi quan điểm tiếp cận giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số theo hướng đầu tư phát triển để xóa đói giảm nghèo. Từng bước giảm dần chính sách bao cấp, hỗ trợ trực tiếp chuyển sang chính sách đầu tư cho cộng đồng, nâng cao năng lực nội sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Để đồng bào có ý thức tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên hòa nhập với cộng đồng, xã hội, tạo bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các đối tượng được thụ hưởng và không được thụ hưởng chính sách...

Trong xây dựng, thực hiện chính sách cần chú ý đến những tác động tích cực, tiêu cực đến quan hệ dân tộc khi chính sách được ban hành... Đặt mục tiêu công bằng, bình đẳng, đảm bảo lợi ích của đồng bào các dân tộc.

Tăng cường các chính sách tuyên truyền, đối thoại, phản bác lại các luận điệu vu cáo của các thế lực thù địch xuyên tạc các quan điểm của Đảng, chính sách dân tộc của Nhà nước ta.

Trong những năm qua, nhờ quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, pháp luật và chính sách dân tộc của Nhà nước, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, cố gắng nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, công tác dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc đã đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, quan hệ các dân tộc, đoàn kết các dân tộc được củng cố. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập, giàu nghèo trong cộng đồng dân tộc, giữa vùng dân tộc thiểu số và cả nước ngày càng doãng cách xa, phân hóa xã hội ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến quan hệ dân tộc, đoàn kết dân tộc. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, để đảm bảo tăng cường mối quan hệ dân tộc và thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới.

TS. Phan Văn Hùng
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm
Chủ tịch Hội đồng khoa học Ủy ban Dân tộc
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]