Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở Gia Lai hiện nay
09:13 15/06/2015 Lượt xem: 55846 In bài viếtLà tỉnh miền núi, vùng cao, thuộc bắc Tây Nguyên, Gia Lai giáp các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk và có 90 km đường biên giới với Vương quốc Campuchia; với diện tích tự nhiên 15.536,93 km2, dân số 1.335.287 người. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện) với 34 dân tộc cùng sinh sống trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,5%.
Qua 28 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, trước những diễn biến phức tạp
của tình hình thế giới và khó khăn trong nước, nhìn chung đội ngũ cán bộ chủ
chốt (CBCC) cấp xã của Gia Lai vẫn giữ được bản lĩnh chính trị vững vàng; trung
thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; tích cực học tập nâng cao trình độ đáp
ứng đòi hỏi của thực tiễn, cùng với nhân dân giải quyết những vấn đề bức xúc về
kinh tế, xã hội ở địa phương.
Về vị trí quan trọng của cấp cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “cấp xã là cấp
gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được thì mọi việc đều
xong xuôi”
Qua khảo sát đội ngũ CBCC cấp xã về các tiêu chí: độ tuổi, trình độ học vấn, lí luận chính trị, chuyên môn đào tạo, tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ DTTS, đi sâu phân tích một số các chức danh CBCC cho thấy:
Trong tổng số 222 chủ tịch HĐND cấp xã, có 48 đồng chí chuyên trách và 178 đồng chí kiêm nhiệm (chiếm 80,18%). Số đồng chí là bí thư đảng ủy xã kiêm chủ tịch HĐND là 101 người (chiếm 45,49%) và phó bí thư đảng ủy xã kiêm chủ tịch HĐND là 73 người (chiếm 32,88%). Như vậy, số Chủ tịch HĐND chuyên trách chiếm 19,82%, so với nhiều địa phương khác tỷ lệ này là khá cao. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các xã...
Trong số 222 chủ tịch UBND xã thì có 206 người chuyên trách, chiếm 92,79%, bí thư đảng ủy xã kiêm chủ tịch UBND là 14 người, chiếm 6,30% và cán bộ tăng cường 2 người, chiếm 0,09%. Trong số 206 chủ tịch UBND xã chuyên trách thì nữ có 10 người, chiếm 4,85%; người kinh là 136 người, chiếm 66,02%, người DTTS là 70 người (chiếm 33,98%); người có đạo là 2 người (chiếm 0,97%)...
Trước yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đội ngũ CBCC trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là về trình độ năng lực. Số CBCC cơ sở có trình độ tiểu học và trung học cơ sở chiếm tỷ lệ khá lớn (chiếm gần 30%), đặc biệt thấp với những người giữ chức danh chủ tịch HĐND, có tới 64,59% có trình độ tiểu học và trung học cơ sở. Điều đáng bàn về trình độ học vấn không phải chỉ là ở cấp học mà còn ở hình thức học. Nếu như hình thức đào tạo tại chức, từ xa, vừa học vừa làm, bổ túc văn hóa phát huy khá tốt trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, xóa mù chữ (phát triển bề rộng) ở những năm trước đây thì hiện nay không thật thích hợp cho việc đào tạo cán bộ (chú trọng thực chất, chiều sâu). Chính việc buông lỏng quản lý, dễ dãi trong đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) nên trong thực tế có số ít cán bộ “học giả bằng thật”. Đây là nguyên nhân làm hạn chế khả năng tiếp thu và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào địa phương.
Có thể nhận thấy, số đông đội ngũ CBCC cấp xã chưa được đào tạo căn bản về lý luận chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước, thường là trúng cử rồi mới đưa đi bồi dưỡng ngắn hạn. thiếu kiến thức cơ bản về quản lý và quản lý kinh tế. Do vậy, ở không ít xã CBCC chính quyền cấp xã không biết xây dựng các chương trình dự án, yếu cả về khả năng tư duy xây dựng kế hoạch và phương pháp tổ chức thực hiện.
Năm 2003, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai và Bahnar cho cán bộ, công chức các cấp, các ngành của địa phương. Từ năm 2003 đến nay, đã ĐT, BD và cấp chứng chỉ cho khoảng 3.000 cán bộ, công chức theo học tiếng dân tộc. Nhìn chung, hầu hết số cán bộ, công chức người Kinh công tác tại vùng DTTS được học tiếng dân tộc đều phát huy tác dụng, có điều kiện gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đồng bào.
Tỉnh đã xây dựng quy chế xét tuyển, chế độ chính sách chung và chế độ ưu tiên trong tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác. Hội đồng xét tuyển của Đề án 3 đã tiến hành tuyển chọn 2 đợt với tổng số 107 sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường về tỉnh và bố trí công tác tại các xã. Các trí thức trẻ đã phát huy khả năng, kiến thức, góp phần phát triển KT - XH của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ của đội ngũ CBCC cấp xã cần khắc phục: còn nhiều CBCC công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa đạt chuẩn về đào tạo cơ bản cũng như về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng quản lý nhà nước... một bộ phận cán bộ trẻ kế cận, được đào tạo tốt hơn nhưng trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ của họ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra. Qua khảo sát cho thấy, có 30% CBCC cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, 60% đáp ứng được một phần yêu cầu nhiệm vụ và chỉ có 10% là đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Để xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã có phẩm chất, năng lực ở Gia lai hiện nay cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho đội ngũ CBCC
Cần làm cho mỗi CBCC nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, từ đó nâng cao ý thức chính trị cho họ, đồng thời nâng cao được thế giới quan, phương pháp luận trong việc xem xét, đánh giá con người, đánh giá đúng các sự vật, hiện tượng nhằm vận dụng tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị có hiệu quả ở địa phương.
Thứ hai, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ góp phần hình thành, củng cố uy tín cho đội ngũ CBCC cấp xã
Trước thực trạng của đội ngũ cán bộ cơ sở, Tỉnh ủy Gia Lai đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, gắn với triển khai thực hiện Đề án 02, 03 của Tỉnh ủy. Tập trung tối đa các nguồn lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, công tác cán bộ (CTCB) phải đi trước một bước trong việc đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nâng cao đời sống các mặt của nhân dân.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác ĐT, BD đội ngũ CBCC và cán bộ kế cận cho cấp xã
Tiếp tục cụ thể hóa yêu cầu, tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã làm cơ sở cho công tác ĐT, BD. Chương trình ĐT, BD cán bộ cấp xã cần thực hiện theo hướng “đào tạo cơ bản”, và “bồi dưỡng theo chức danh”, cập nhật những vấn đề mới về lý luận, thực tiễn và nghiệp vụ công tác.
Cần đa dạng hóa công tác ĐT, BD về hình thức, quy mô, thời gian cho phù hợp với yêu cầu đào tạo cán bộ cấp cơ sở ở địa phương. Một mặt, coi trọng đào tạo chính quy, tập trung nhằm chuẩn bị cho chiến lược cán bộ trong những năm tới; mặt khác, cần quan tâm tới các hình thức bồi dưỡng ngắn hạn về những kỹ năng xử lý tình huống, để đáp ứng công việc trước mắt và lâu dài.
Nội dung chương trình ĐT, BD phải đảm bảo tính hệ thống, nhưng phải tăng tính thực tiễn, khả năng ứng dụng với cán bộ cấp xã. Cần tăng thêm các chương trình ĐT, BD mang tính huấn luyện kỹ năng, chuyên sâu về các kỹ năng, nghiệp vụ cho từng loại chức danh, chuyên môn ở cấp cơ sở (bí thư, chủ tịch, công tác tư pháp, tổ chức,...).
Cần tổ chức một số lớp ĐT, BD riêng cho cán bộ lãnh đạo và kế cận là người DTTS với chương trình gọn nhẹ, phù hợp với đặc điểm nhận thức, tư duy của họ. Những lớp này nên đặt ở các cơ sở ĐT, BD hiện có của tỉnh và khu vực, không cần thiết phải thành lập cơ sở ĐT, BD riêng cho đồng bào DTTS trong bối cảnh cần tinh giản bộ máy hiện nay; tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả việc học tiếng DTTS ở địa phương, trang bị những hiểu biết cần thiết về phong tục, tập quán, luật tục của họ cho cán bộ, công chức cấp xã là người Kinh.
Thứ tư, đổi mới tuyển chọn, bố trí và quản lý CBCC cấp xã cho phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay
Trước mắt, cần rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đánh giá đúng thực trạng về số lượng, cơ cấu, chất lượng để từ đó xây dựng chiến lược cán bộ của tỉnh đến năm 2020 và những năm sau đó. Việc rà soát, đánh giá phải dựa trên những tiêu chí khách quan, hợp lý, trong đó lấy hiệu quả công việc, uy tín, xu hướng phát triển của cán bộ làm căn cứ chủ yếu. Đồng thời, xây dựng quy hoạch cán bộ của tỉnh trong những năm tới phải đảm bảo giữ vững tiêu chuẩn theo quy định đối với từng loại cán bộ, nhưng cũng phải tính đến cơ cấu hợp lý. Đồng thời cần có chính sách kiên quyết nhằm thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ do hạn chế về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, sa sút về phẩm chất, đạo đức, không đủ sức khỏe để làm việc.
Thứ năm, bố trí sử dụng hợp lý CBCC cấp xã gắn với rèn luyện tu dưỡng, học tập của cán bộ.
Bố trí, sử dụng cán bộ một cách khoa học. Làm sao trong bố trí, sử dụng cán bộ phải đảm bảo tiểu chuẩn, đúng với năng lực, sở trường sở đoản của cán bộ, nhằm phát huy tài năng của họ. Là tỉnh có đồng bào DTTS chiếm hơn 44% nên trong cơ cấu phải chú ý nâng dần số lượng cán bộ DTTS, nhất là cán bộ nữ qua từng năm. Đương nhiên cơ cấu phải đảm bảo tiêu chuẩn nhằm giúp cán bộ đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn lúc nào hết, mỗi CBCC phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, chủ động học tập nâng cao trình độ kiến thức các mặt; gần gũi sâu sát đồng bào, “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”.
TS. Nguyễn Thế Tư
TS. Phan Thanh Giản
Học viện Chính trị khu vực III
(Tạp chí Dân tộc số 169, tháng 01/2015)
[NNL: DH]