Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh thực hiện dân chủ là phát triển kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam

10:15 09/06/2015 Lượt xem: 55577 In bài viết

Lôgic của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ràng. Mục tiêu là cái quyết định, còn phương thức là cái bị quyết định. Phương thức nào phù hợp, giúp đạt được mục tiêu thì lựa chọn, còn phương thức nào không phù hợp, cản trở quá trình đến mục tiêu thì không lựa chọn hoặc từ bỏ. Quan điểm về mối quan hệ giữa đặc trưng mục tiêu và đặc trưng phương thức của Hồ Chí Minh đã cung cấp cơ sở phương pháp luận quan trọng để Đảng ta có những điều chỉnh kịp thời về phương thức thực hiện mục tiêu, mở ra thời kỳ đổi mới.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chủ trương coi nền kinh tế nhiều thành phần là sự tồn tại tất yếu trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta, cho phép khai thác mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể vào xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, trước mắt là huy động được vốn đầu tư, giải quyết việc làm. Ngoài ra, quan điểm về cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế là sử dụng để cải tạo, cải tạo để sử dụng tốt hơn và được coi là nhiệm vụ tiến hành trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Đại hội VII tiếp tục xây dựng, hoàn thiện vấn đề này. Đảng ta khẳng định: “ Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, không phân biệt đối xử, không tước đoạt tài sản hợp pháp, không gò ép tập thể hóa tư liệu sản xuất… và trong nền kinh tế thị trường, với quyền tự do kinh doanh được pháp luật đảm bảo, từ ba loại hình sở hữu cơ bản (toàn dân, tập thể, tư nhân)”, “... Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật. Mọi đơn vị kinh tế, không phân biệt quan hệ sở hữu đều hoạt động theo cơ chế tự chủ kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh với nhau bình đẳng trước pháp luật”.

Như vậy, quan điểm của Đại hội VII là sự khẳng định, kế thừa của Đại hội VI và có bổ sung, phát triển một số điểm mới quan trọng: Một là, chính thức thừa nhận sở hữu tư nhân cùng tồn tại với sở hữu nhà nước và tập thể trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta và được Nhà nước bảo hộ những thu nhập hợp pháp. Hai là, vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể sẽ được cụ thể hóa bằng các chế định pháp lý nhằm phục vụ có hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Những điểm mới trên đã tạo sự bình đẳng thực sự trước pháp luật giữa các thành phần kinh tế và mọi hình thức sở hữu, là động lực thúc đẩy sức sản xuất trong xã hội phát triển mạnh mẽ. Đại hội cũng nhấn mạnh, thành phần kinh tế quốc doanh phải được củng cố, phát triển, sắp xếp lại, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý để nắm vững những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế nhằm phát huy vai trò chủ đạo và chức năng là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ. Tóm lại, chủ trương này đã tạo ra điểm nhấn quyết định trong tiến trình đổi mới, tháo bỏ mọi “ rào cản” cho sức sản xuất phát triển trên tất cả các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế, huy động được mọi nguồn lực trong xã hội vào xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Đại hội IX của Đảng xác định, ở nước ta, cần phát triển 6 thành phần kinh tế, tức là ngoài 5 thành phần kinh tế nêu trên, có thêm thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và nhấn mạnh các thành phần kinh tế đó đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đây là quá trình đổi mới tư duy kinh tế của Đảng, có tầm quan trọng đặc biệt, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, đơn vị, tập thể khai thác phát huy mọi tiềm năng, nội lực, tạo ra một tổng hợp lực thật sự cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được thể hiện ở các nội dung: (1) Các thành phần kinh tế không chỉ phát triển bên cạnh nhau mà còn thâm nhập vào với nhau nhiều hình thức kinh tế hỗn hợp, đa dạng kể cả hình thức kinh tế cổ phần, tạo thành một chỉnh thể của nền kinh tế quá độ. (2) Trong các thành phần kinh tế, quyền sở hữu và quyền sử dụng tư liệu sản xuất được tách biệt và có cơ chế đảm bảo để huy động động lực của sự phát triển. (3) Trong cơ chế kinh doanh, thừa nhận quyền tự chủ sản xuất và hoạt động kinh tế của các đơn vị kinh tế kể cả hộ gia đình. (4) Cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ, các thành phần kinh tế vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau để cùng phát triển dưới tác động của luật pháp và theo luật pháp của Nhà nước, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. (5) Phát triển kinh tế nhiều thành phần là lực lượng và sức mạnh để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở đó mà các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, việc xác định và phát triển các loại hình sở hữu, phân định các thành phần kinh tế là cần thiết, hợp quy luật làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế nói chung và tạo điều kiện cho từng thành phần kinh tế nói riêng phát triển, phát huy dân chủ được mọi nguồn sức mạnh, giải phóng mọi năng lực sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy, cạnh tranh lẫn nhau làm cho nền kinh tế của đất nước thực sự năng động phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần để thực hiện dân chủ thực sự đã được phát triển lên trình độ mới với một hình thức mới, phù hợp với quy luật vận động của sự phát triển kinh tế và xu thế phát triển của thế giới.

ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy
Khoa Nghiên cứu lý luận - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]