Tác động của thiết chế xã hội truyền thống đến sự tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía bắc

09:19 08/05/2015 Lượt xem: 7791 In bài viết

Miền núi phía Bắc bao gồm 15 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái. Đây là địa bàn miền núi và trung du bao quanh đồng bằng sông Hồng. Là địa bàn có nhiều tiềm năng, song so với cả nước thì đây là vùng chậm phát triển về các lĩnh vực. Tỷ lệ nghèo đói của cư dân các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao nhất nước: Tây Bắc; 28%; Đông Bắc:17,4% cá biệt có nơi tỷ lệ hộ nghèo tới 60%1. (Tỷ lệ nghèo cả nước là 10,7%). Với, hơn 12 triệu người (chiếm khoảng 14,5% dân số cả nước) theo điều tra dân số năm 2009. Trong đó đồng bào DTTS cư trú trên địa bàn khoảng 6 triệu 200 ngàn người, chiếm hơn 51% dân số toàn vùng, có tỉnh, tỷ lệ dân cư dân tộc thiểu số rất lớn: Cao Bằng 95%; Hà Giang: 87,9%; Lai Châu: 83,1%; Điện Biên: 83,1%; Hòa Bình: 72,3%. Toàn khu vực miền núi phía Bắc có 29 thành phần dân tộc. Trong 28 DTTS, dân cư chiếm khoảng 57% tổng dân số của 53 DTTS trong cả nước. Với sự phân bố dân cư tộc người xen kẽ lớn giữa các địa phương đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa tộc người, thiết chế xã hội tộc người và sự chênh lệch về trình độ phát triển cùng với những khó khăn trong phát triển thể chế chính trị ở các vùng này.

Qua điều tra khảo sát ở các tỉnh miền núi phía Bắc tàn dư của thiết chế xã hội truyền thống còn tồn tại và tác động lớn đến quá trình phát triển của hệ thống chính trị đương đại ở các địa phương với những rào cản đối với sự tham chính của phụ nữ DTTS.

Thứ nhất, kết cấu bản làng khép kín theo quan hệ tộc người (bản, làng ở các khu vực, nhất là ở khu vực III đặc biệt khó khăn, tàn dư của thiết chế cơ sở cũ vẫn tồn tại, ảnh hưởng lớn: bản, làng vẫn được cư dân coi đó là thiết chế quan trọng nhất. Già làng, trưởng bản có vai trò, uy tín lớn.

Thứ hai, trình độ dân trí của cư dân thấp và việc giáo dục, đào tạo ít quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ học tập nâng cao trình độ (ở các tộc người Mông, Dao, Cống, Mảng, Lự, Sila, Pupéo) hầu hết phụ nữ ít được đến trường các cháu gái cùng lắm thì học hết phổ thông cơ sở rồi lấy chồng, thậm chí nhiều cháu không hề được đi học vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, thiết chế bản, làng với tàn dư của chế độ lang đạo, phìa tạo trước đây không tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính. Việc kỳ thị phân biệt, bất bình đẳng giới diễn ra ở khá nhiều tộc người vùng cao. Thiết chế làng, bản khép kín với vai trò quan trọng của trưởng họ, trưởng tộc... đã cản trở phụ nữ ở đây phấn đấu, học tập, tham chính.

Thứ tư, phong tục tập quán, lối sống, quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào ý thức của các tộc người. Vì vậy người phụ nữ không quan tâm, không thiết tha gì đến việc tham gia vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp.

 Thứ năm, hạn chế về giao lưu, hạn chế từ hệ thống chính trị cấp xã thường nặng tính khép kín lại dựa vào kinh nghiệm nên các chủ trương, chính sách, vai trò thể chế hóa quyền bình đẳng nam nữ, quyền tham chính của phụ nữ các tộc người thiểu số chưa thể vận hành được ở nhiều địa phương, nhiều vùng dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, trình độ, năng lực quản lý điều hành của cán bộ chủ chốt cấp xã ở nhiều tộc người còn rất hạn chế. Đặc biệt là sự thiếu hụt về cơ cấu số lượng cán bộ dân tộc thiểu số so với dân cư trên địa bàn (ở các tộc người: Mông, Dao, Mảng, Giáy, Cống, Lự v.v...).

Điều quan trọng khác là cơ cấu nam nữ trong hệ thống chính trị các cấp mất cân đối trầm trọng. Tỷ lệ tham chính của phụ nữ ở các địa phương (nhất là vùng II, III) còn rất thấp so với yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị hiện nay. Trong các nguyên nhân tác động hạn chế sự tham chính của phụ nữ ở các địa phương này có nguyên nhân rất quan trọng từ rào cản của thiết chế xã hội truyền thống ở vùng DTTS.
Mặc dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến quyền tham chính của phụ nữ, nhất là phụ nữ các DTTS. Song hiện nay ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc, quyền tham chính của phụ nữ còn gặp nhiều trở ngại. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp xã, cấp huyện còn rất hạn chế. Có nhiều tộc người chưa hề có cán bộ phụ nữ tham gia vào bất cứ cương vị nào của hệ thống chính trị các cấp, như tộc người Sila, La Hủ, Cống, Mảng, Lự.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy những khó khăn, rào cản tác động gây hạn chế đối với quyền tham chính của phụ nữ các tộc người thiểu số trên các phương diện sau:

Một là: phong tục tập quán lạc hậu với những quan niệm xem thường vai trò của phụ nữ đối với công tác xã hội.

Hai là: xây dựng quy hoạch cán bộ, cụ thể hóa cách tiêu chí về số lượng, chất lượng cơ cấu v.v... đến việc tạo nguồn cán bộ nói chung, tạo nguồn cán bộ nữ nói riêng còn hạn chế đã tạo ra khó khăn vướng mắc trong việc tham chính của phụ nữ.

Từ thực trạng tổ chức cán bộ và phương thức hoạt động cho thấy ở nhiều địa phương còn rất lúng túng trong việc xác định chức năng nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị; Vai trò của phụ nữ nói chung, của cán bộ nữ còn rất mờ nhạt trong việc tham chính... đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mà các cấp uỷ, chính quyền địa phương ở vùng DTTS phải nắm rõ và giải quyết.

Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở các địa phương, tăng quyền tham chính của phụ nữ DTTS trong điều kiện hiện nay cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính trị ở các địa phương
- Tiếp tục quán triệt đúng, đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cán bộ gắn với đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị các vùng dân tộc thiểu số các địa phương.

Cần điều tra, rà soát thường xuyên về cơ cấu tổ chức, bộ máy cán bộ của hệ thống chính trị các cấp, (đặc biệt là số lượng, chất lượng, giới tính, cơ cấu của cán bộ cấp cơ sở). Việc điều tra khảo sát phải được tiến hành bài bản chi tiết không chỉ về số lượng cán bộ chung chung mà là số lượng cán bộ chủ chốt của từng tộc người vốn có ở địa phương, để so sánh với cơ cấu dân cư các tộc người thấy được tộc người nào đủ cán bộ, tộc người nào thiếu cán bộ.

- Đảng uỷ và chính quyền các cấp phải chỉ đạo, kiểm tra, giúp đỡ hệ thống chính trị cấp cơ sở công tác quy hoạch cán bộ (dài hạn, ngắn hạn; quy hoạch cán bộ phải tính đến đầy đủ các quy trình: đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đào tạo lại, đặc biệt phải có kế hoạch tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc thiểu số còn rất ít, đặc biệt khó khăn).

- Giải quyết thỏa đáng phù hợp các lợi ích kinh tế cho đội ngũ cán bộ, thực hiện đúng chế độ đãi ngộ cán bộ là người DTTS hoặc cán bộ thuộc tộc người đa số công tác lâu năm tại các vùng DTTS.

- Quan tâm ưu tiên cho công tác giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS đủ về số lượng, đáp ứng tốt về chất lượng (nhất là chất lượng công tác quản lý, điều hành, thực thi các lĩnh vực chuyên môn được đào tạo) tương ứng, phù hợp về cơ cấu (cơ cấu cán bộ với cơ cấu dân cư tộc người, cơ cấu nam nữ, độ tuổi…).

- Kết hợp việc xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị các cấp với việc đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị các vùng DTTS, đồng thời phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng thành viên của hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của tập thể, đơn vị với trách nhiệm, nỗ lực của từng người cán bộ.

Chỉ có thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu trên mới có thể đổi mới, hoàn thiện trên thực tế hệ thống chính trị các vùng DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay.

Nhóm giải pháp chủ yếu để tăng cường vai trò tham chính của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở các địa phương
- Tiếp tục quán triệt đầy đủ và thống nhất trong hệ thống chính trị các cấp, về những chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền bình đẳng giới nói chung, quyền tham chính của phụ nữ, nhất là phụ nữ các DTTS trong sự nghiệp phát triển KT – XH nói chung, trong việc đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực của hệ thống chính trị, đặc biệt là hiệu quả của hệ thống chính trị cấp cơ sở.

Trong thực tế, tâm lý trọng nam khinh nữ, hạ thấp vai trò của người phụ nữ là tâm lý còn tồn tại dai dẳng, do thiết chế xã hội truyền thống các vùng dân tộc thiểu số tạo ra. Để ngăn ngừa khắc phục, xóa bỏ tâm lý đó không dễ dàng, đơn giản mà phải tạo ra chuyển biến, thay đổi thật sự trong tư tưởng của cán bộ và nhân dân, cả trong tư tưởng, nếp nghĩ của phụ nữ các DTTS. Bình đẳng giới nói chung, bình đẳng nam - nữ trong thực hiện quyền tham chính của phụ nữ, lôi cuốn phụ nữ các DTTS tham gia vào công tác xã hội, vào quản lý, điều hành công việc của hệ thống chính trị các cấp là việc làm vừa thường xuyên, vừa rất cấp bách hiện nay. Đặc biệt với các tộc người mà số cán bộ nữ quá ít hoặc chưa tham chính như Mảng, Cống, Pupéo, Sila… đòi hỏi các cấp uỷ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân phải thống nhất nhận thức, chung tay giải quyết mới tạo ra chuyển biến thật sự ở cộng đồng nói chung, trong phụ nữ nói riêng.

- Phải thực thi nghiêm túc điều mà pháp luật đã quy định: nghiêm cấm, xử lý nghiêm việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, phân biệt kỳ thị đối với phụ nữ nói chung, vi phạm nguyên tắc Đảng về đổi mới xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò tham chính của phụ nữ các dân tộc thiểu số.

Đối với các vùng DTTS việc thực thi pháp luật hiện nay còn rất hạn chế. Việc sử dụng những yếu tố tích cực của luật tục, khắc phục, loại bỏ những tác động tiêu cực từ luật tục nói chung đến xây dựng cơ cấu cán bộ, phát huy quyền tham chính của phụ nữ nói riêng đã và đang là vấn đề có ý nghĩa thời sự mà, hệ thống chính trị các cấp phải giải quyết.

- Xác định rõ vai trò của các thành viên của hệ thống chính trị, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, quyền tham chính của phụ nữ các dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt chú trọng vai trò trực tiếp của Hội phụ nữ các cấp.

Phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phụ nữ theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam nói chung, quyền tham chính của phụ nữ ở các cấp, các ngành. Vai trò của Hội phụ nữ vô cùng quan trọng trong việc thực hiện bình đẳng giới và quyền tham chính của phụ nữ các DTTS.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số ở các địa phương, các tộc người.

Giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ đã và đang là vấn đề cấp bách để các địa phương, các tộc người có đủ số lượng cần thiết cho đội ngũ phụ nữ là người DTTS, lại vừa bảo đảm chất lượng, cơ cấu của đội ngũ này. Đây chính là giải pháp khắc phục, chấm dứt hiện trạng thiếu vắng cán bộ nữ trong một số tộc người ở hầu hết các cấp, các địa phương.

- Phát huy trên thực tế vai trò của gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản và những người có uy tín trong các tộc người thiểu số đối với việc thực hiện bình đẳng nam nữ, tăng cường tham chính của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở các địa phương hiện nay.

 Sự đồng thuận giữa gia đình, dòng họ, thiết chế cộng đồng bản, làng là yêu cầu và điều kiện quan trọng, cần thiết để thực hiện quyền bình đẳng giới, quyền tham chính của phụ nữ các DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay.

- Nâng cao nhận thức trách nhiệm của bản thân người phụ nữ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số ở các địa phương trong việc thực hiện quyền tham chính của mình. Đây cũng là giải pháp có ý nghĩa thời sự và có giá trị thực tiễn rất lớn đối với việc thực hiện quyền tham chính tăng cường vai trò tham chính của phụ nữ các DTTS. Ngoài trách nhiệm của cộng đồng, xã hội, hệ thống chính trị, là điều kiện khách quan cần thiết thì ý thức, trách nhiệm của cá nhân người phụ nữ, cán bộ nữ là người DTTS giữ vai trò quan trọng trực tiếp trong việc thực hiện quyền tham chính của phụ nữ DTTS ở các địa phương đã nêu.

Thực trạng về tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị các vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc, sự tác động cản trở của thiết chế xã hội truyền thống đối với việc tham chính của người phụ nữ ở các địa phương vừa nêu đã và đang là vấn đề có ý nghĩa thời sự. Vì vậy, phải thực hiện đồng bộ cả 2 nhóm giải pháp về: tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị với nhóm giải pháp tăng cường quyền tham chính của phụ nữ DTTS mới đưa đến hiệu quả mong muốn; phát huy hiệu quả quyền tham chính của phụ nữ các DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc trước yêu cầu đòi hỏi phát triển toàn diện các vùng DTTS hiện nay ở nước ta.


PGS, TS. Nguyễn Quốc Phẩm
TS. Nguyễn Thị Hà

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(Tạp chí Dân tộc số 166, tháng 10/2014)
[NNL: DTH]