Ủy ban Dân tộc phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính

09:49 08/06/2015 Lượt xem: 1150 In bài viết

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm 2014, Ủy ban Dân tộc đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính gồm: Quyết định số 02a/QĐ-UBDT ngày 03/01/2014 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2014 của Ủy ban Dân tộc; hướng dẫn các Vụ, đơn vị có liên quan tổ chức chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của Ủy ban Dân tộc; xây dựng các báo cáo quý, 6 tháng gửi Bộ Nội vụ theo quy định…

Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã lồng ghép phổ biến, quán triệt, kiểm điểm, đánh giá về công tác cải cách hành chính tại các hội nghị, cuộc họp giao ban tháng, quý; chỉ đạo mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác cải cách hành chính cho toàn thể lãnh đạo cấp Vụ và công chức, viên chức theo dõi công tác cải cách hành chính của các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban, mời giảng viên là lãnh đạo Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ trực tiếp giảng; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin truyền thông của Ủy ban…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, công tác cải cách hành chính của Ủy ban Dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các Vụ, đơn vị đã chủ động triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, đồng bộ trên 7 lĩnh vực, tương ứng với 7 chỉ số thành phần gồm: công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính.

Đồng chí Hà Hùng - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Trưởng Ban Cải cách Hành chính Ủy ban Dân tộc cho biết: trong công tác cải cách hành chính của Ủy ban Dân tộc, vấn đề được quan tâm nhất là tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân tộc. Công tác dân tộc có đặc thù là mang tính đa ngành, vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngoài trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao cần có kiến thức, năng lực thực tiễn sâu sắc. Đó là sự am hiểu địa bàn vùng dân tộc, miền núi, phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc thiểu số; nắm bắt chính xác tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đồng bào để tham mưu hoạch định chính sách dân tộc đúng, trúng, có tính khả thi. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác dân tộc cũng cần nắm rõ cơ chế vận hành, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở để trả lời các câu hỏi khi chính sách được ban hành thì bộ máy ở cơ sở có làm được không và làm thế nào để đưa chính sách vào cuộc sống?

Ủy ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách dân tộc, chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Những nhiệm vụ này, Ủy ban Dân tộc không thực hiện trực tiếp với người dân mà chủ yếu phối hợp với các Bộ, ngành khác. Chính vì tính đặc thù là hoạt động gián tiếp trên hầu hết các lĩnh vực, do vậy, thủ tục hành chính về công tác dân tộc của Ủy ban Dân tộc không nhiều. Sự hài lòng của người dân đối với Ủy ban Dân tộc thể hiện ở các nội dung: Tính kịp thời trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách dân tộc; mức độ trúng và phù hợp của chính sách với nguyện vọng, mong muốn của đồng bào các dân tộc; thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn để bộ máy chính quyền cơ sở triển khai chính sách nhanh hay chậm...

Để triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử yêu cầu thủ trưởng các Vụ, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung: cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao nhận thức về công tác cải cách hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu Vụ, đơn vị để có quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của UBDT. Hàng năm, các Vụ, đơn vị phải xây dựng kế hoạch cải cách hành chính của Vụ, đơn vị mình sát với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch cải cách hành chính của Uỷ ban giao. Phân công công chức, viên chức theo dõi công tác cải cách hành chính, kiểm điểm, đánh giá định kỳ công tác cải cách hành chính trong các kỳ giao ban của Vụ, đơn vị; gắn công tác cải cách hành chính với việc đánh giá, bình xét công chức, viên chức, công tác thi đua khen thưởng hàng năm; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính đối với các Vụ, đơn vị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu, trong quý IV năm 2014, các Vụ, đơn vị đặc biệt là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm 7 nhiệm vụ trọng tâm, liên quan đến 7 nội dung cải cách hành chính:

 Một là, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác cải cách hành chính của các Vụ, đơn vị.

Hai là, cải cách thể chế: tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kế hoạch rà soát, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình, đề án đã đăng ký trình Chính phủ trong năm 2014.

Ba là, cải cách thủ tục hành chính: kiểm soát các thủ tục hành chính theo kế hoạch, công bố và thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của Uỷ ban.

Bốn là, cải cách tổ chức bộ máy: tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, đơn vị.

Năm là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: hoàn thành đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch của các Vụ, đơn vị; xây dựng tiêu chuẩn, chức danh chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn cho công chức, viên chức của Ủy ban Dân tộc.

Sáu là, cải cách tài chính công: tiếp tục rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về quản lý tài chính công; đẩy mạnh việc thực hiện việc phân cấp cho cơ sở; tổ chức rà soát và bổ sung hoàn thiện việc thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Bảy là, hiện đại hoá hành chính: tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của UBDT giai đoạn 2011-2015; triển khai sử dụng phần mềm điều hành tác nghiệp trong quản lý của UBDT; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 đối với các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu thủ trưởng các Vụ, đơn vị phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ cải cách hành chính; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Thường xuyên báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính về Ủy ban Dân tộc.

TCDT
(Tạp chí Dân tộc số 167, tháng 11/2014)
[NNL: DH]