Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

08:57 15/01/2013 Lượt xem: 311 In bài viết

Xuất phát từ nhận thức vị trí chiến lược của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc điểm của vấn đề dân tộc thiểu số nước ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nhằm thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc, đưa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển trong sự phát triển chung của đất nước. Để các dân tộc thiểu số sớm có được đội ngũ cán bộ đồng bộ, trong đó có nhiều người giỏi, đủ sức giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của dân tộc mình, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, công tác cán bộ: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay". Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng nhấn mạnh, phải: “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất - kỹ thuật các cấp học, mở thêm các trường nội trú, bán trú và có chính sách bảo đảm đủ giáo viên cho các vùng này” và “Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ công nhân, con em những gia đình có công với cách mạng”.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, chiến lược của Đảng về xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả khả quan. Đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, xem xét việc thực hiện từng chính sách trong chiến lược này, thấy có mặt được, mặt chưa được.

Ví như, việc thực hiện chính sách tạo nguồn. Để tạo nguồn nhân lực ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta đã lấy công tác giáo dục, nâng cao dân trí gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh làm nền tảng. Các chủ trương, biện pháp cho công tác này được triển khai thực hiện, bao gồm: xóa mù chữ và chống tái mù chữ, tiến tới phổ cập giáo dục tiểu học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa; mở rộng và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường dạy nghề, trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, chuẩn bị nguồn lực để đào tạo con em các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, ưu đãi việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học, thực hiện chế độ cử tuyển; mở rộng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận; thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo viên công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Nhờ đó, công tác tạo nguồn đã đạt được thành tích quan trọng. Tuy nhiên, cũng còn không ít các vấn đề cần khắc phục, như: chất lượng cán bộ sau khi được đào tạo chưa cao do hạn chế về tiếp thu kiến thức trong chương trình phổ thông; cơ sở vật chất của hệ thống trường học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục; việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học- kỹ thuật chưa gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng và từng dân tộc. Thành tựu trong công tác giáo dục là đáng ghi nhận, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, chưa vững chắc và thiếu tính bền vững.

Hay như, việc thực hiện chính sách sử dụng, đãi ngộ. Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chính sách ưu tiên trong việc sử dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; một mặt, sử dụng đan xen giữa cán bộ dân tộc đa số và cán bộ dân tộc thiểu số, nhằm tăng cường sự hỗ trợ nhau nâng cao năng lực và hiệu quả công tác; mặt khác, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ tại chỗ cho từng vùng và từng dân tộc, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với cán bộ dân tộc thiểu số công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, khi xem xét thực trạng nguồn nhân lực ở một số địa phương cho thấy, vẫn còn tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng cán bộ dân tộc. Thêm nữa, trình độ chuyên môn, kỹ thuật trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở địa phương còn khá thấp. Mặc dù Nhà nước ta đã tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng, nhưng việc quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu quy hoạch. Hiện nay, không ít cử nhân, kỹ sư được đào tạo từ Đại học Tây Nguyên là con em các dân tộc thiểu số chưa sắp xếp được việc làm. Tình trạng này cũng diễn ra ở các địa phương khác. ở đây không phải do không có nhu cầu, mà do địa phương không có biên chế nên số cán bộ trên chưa được tiếp nhận và tuyển dụng. Chính điều đó dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những phát triển mới của đất nước ta hiện nay đòi hỏi một nguồn nhân lực toàn diện, có chất lượng cao. Đấy là, một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các lĩnh vực có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực dự báo, định hướng sự phát triển theo quan điểm của Đảng và năng lực tổ chức thực hiện; có đạo đức, lối sống trong sáng; có kiến thức về khoa học quản lý, lãnh đạo và đã trải qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả. Một đội ngũ chuyên gia khoa học, văn hóa có kiến thức vững vàng, luôn cập nhật những kiến thức mới của thế giới và gắn bó với thực tiễn, có sức sáng tạo, có tâm huyết với sự nghiệp phát triển đất nước, cộng tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và người lao động cùng sáng tạo những công trình, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Một đội ngũ doanh nhân đông đảo, tâm huyết với sự nghiệp phát triển của đất nước, có ý chí và năng lực phát triển doanh nghiệp, hiểu biết và tận dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Một đội ngũ đông đảo những người lao động có trình độ học thức và tay nghề cao, có đầu óc sáng tạo, đủ sức tiếp cận và vận hành các công nghệ mới. Một đội ngũ cán bộ quân sự, an ninh trung thành với chế độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được trang bị kiến thức toàn diện, tinh thông nghiệp vụ... Nếu đặt những yêu cầu này trước thực tế đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số, với khoảng 50% có trình độ chuyên môn ở bậc trung, sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo đối với cấp tỉnh và tỷ lệ này ở cấp huyện, cơ sở là 80%, thì thấy việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cấp thiết đến thế nào. Để tháo gỡ vấn đề này, nền tảng vẫn là hai nhân tố: sự vươn lên của chính bản thân đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, gắn liền với nhu cầu phát triển; sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước, xuất phát từ tổng thể của cộng đồng quốc gia, của từng vùng và từng dân tộc. Từ đó, tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số một cách toàn diện. Trước hết là một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất chính trị và năng lực công tác, gắn bó với quần chúng, đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng. Cùng với đó, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển một đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật đông đảo, có cơ cấu phù hợp với sự phát triển của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo mọi điều kiện, thậm chí nâng đỡ cho các doanh nhân là người dân tộc thiểu số đang manh nha phát triển, coi đây là thành phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Có những tiêu chí ưu tiên về trình độ văn hóa để con em các dân tộc thiểu số được tham gia nghĩa vụ quân sự, được đào tạo trong các trường sĩ quan, trường kỹ thuật, nghiệp vụ của quân đội và công an, nhằm hình thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn này.

Trước mắt, cần nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số một cách toàn diện, trên cơ sở đó kiến nghị với Trung ương về chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng những yêu cầu mới. Trong đó, vấn đề tạo nguồn nhân lực và đào tạo cán bộ cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được coi là nền tảng trong chiến lược này. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết tốt việc sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có phù hợp và hiệu quả; xây dựng kế hoạch đào tạo và tái đào tạo gắn liền với yêu cầu phát triển hiện nay; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, các ngành kinh tế trọng điểm ở từng địa phương; kết hợp sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ người Kinh để bổ sung cho nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Phải quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc đổi mới việc thực hành chính sách ưu đãi đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số: “Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi... Ra sức bồi dưỡng cán bộ địa phương, cán bộ phụ nữ và cán bộ xã về mọi mặt”. Trong tình hình hiện nay, việc thực hành chính sách ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được coi là để đầu tư phát triển. Muốn có nguồn nhân lực dồi dào, cần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số với chính sách đặc biệt; bao gồm: tăng cường đội ngũ giáo viên có đủ số lượng và chất lượng, bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị dạy và học hiện đại; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; có chính sách, chế độ đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số ít người, dân tộc thiểu số trong chương trình bảo tồn nòi giống của Chính phủ; đa dạng hóa các loại hình đào tạo gắn liền với thực tế của từng vùng và từng dân tộc. Cần tập trung đào tạo cán bộ tại chỗ bằng nhiều hình thức theo một quy hoạch thống nhất và quy chế hóa, nhằm tránh tình trạng đào tạo cán bộ tại chỗ nhưng lại không được sử dụng như mục đích đã đề ra. Đặc biệt, từ vị trí chiến lược trọng yếu của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần phát huy nguồn nhân lực trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh qua việc kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh. Để làm tốt những vấn đề nêu trên, cần thông suốt nhận thức: đầu tư xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là đầu tư cho sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh cho vùng, miền mà là cho cả nước, do đó phải có chiến lược đúng và toàn diện.

Nguyễn Phúc Khánh