Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chương trình 135 ở Quảng Ninh
10:33 17/01/2013 Lượt xem: 320 In bài viếtTrong những năm qua, thực hiện Chương trình 135, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện, quan tâm tập trung ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan, diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi và tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 18,39% (năm 1999) xuống còn 4,46% (năm 2009).
Thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, đến nay hệ thống đường giao thông liên xã được triển khai đảm bảo 100% xã đặc biệt khó khăn đã có đường bê tông hoặc đường được trải thảm nhựa đến trung tâm các xã. Thực hiện Chương trình hỗ trợ công trình nước sạch, đến năm 2008 toàn tỉnh có 76,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc số hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 56,74%. Công tác kiên cố hoá trường học được đẩy mạnh thực hiện, các trường trung học cơ sở ở các xã 135 cơ bản đã được đầu tư kiên cố; hiện tỉnh đang triển khai xây nhà ở công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh học nội trú dân nuôi.
Các dịch vụ xã hội được quan tâm đẩy mạnh, đến nay 100% các cháu học sinh từ lớp mẫu giáo 3-6 tuổi đến các cấp học là con hộ nghèo người dân tộc trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đều được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Dự án hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cũng đạt được những hiệu quả thiết thực. Tổng số học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ: 9.090.Tỉnh đã thành lập được 29 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khu vực II; 100% các xã đặc biệt khó khăn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp thành lập đoàn công tác trợ giúp pháp lý tại địa bàn.
Song song với thực hiện Chương trình 135, tỉnh cũng đã lồng ghép thực hiện với một số chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội khác nhằm tạo nguồn lực tổng hợp phát triển kinh tế-xã hội các xã khó khăn.
Tỉnh đã tập trung nguồn vốn, triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với tổng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn gần 40 tỷ đồng.
Đặc biệt đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, giai đoạn 2006-2009 được thực hiện trong 8 huyện 28 xã. Đến năm 2009, toàn tỉnh đã xây dựng được 154 nhà sinh hoạt cộng đồng cho 154 thôn, bản tại các xã thuộc Chương trình 135. Dự kiến trong năm 2010 tỉnh sẽ thực hiện 36 nhà văn hoá trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn và các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II.
Cùng với đó các chính sách và dự án đầu tư trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 được đẩy mạnh, tiêu biểu là Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng vốn thực hiện hơn 27 tỷ đồng.
Về giải quyết nhà ở toàn tỉnh đã xây mới 968 nhà ở cho 968 hộ gia đình nghèo với số vốn gần 8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch về khối lượng và 173% kế hoạch về vốn. Theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có gần 4.000 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở. Điều đặc biệt là cùng với sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ thêm cho mỗi hộ 15 triệu đồng để xây những ngôi nhà đảm bảo bền vững lâu dài.
Chương trình phát triển điện cho vùng dân tộc miền núi trong những năm qua được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2006 đến nay, Quảng Ninh đã đầu tư 45 công trình điện với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng, và giải quyết cho gần 4.000 hộ khu vực xã 135 được sử dụng điện. Tính đến nay, Quảng Ninh đã có 94,3% số hộ dân được sử dụng điện.
Chương trình giao thông nông thôn đã phát huy hiệu
quả thiết thực trong công tác xoá đói giảm nghèo, thông qua nhiều nguồn vốn đầu
tư, đến nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường đến trung tâm xã được rải
nhựa hoặc bê tông, xi măng. Để giải quyết vấn đề đi lại và phục vụ phát triển
sản xuất, kinh doanh cho người dân ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn
miền núi, tỉnh đã cho nghiên cứu, làm thí điểm việc xây dựng cầu treo dân sinh
và nay đã mở rộng chuyển giao và triển khai tới các địa phương trong tỉnh.
Công tác xây dựng các Trạm y tế xã trong những năm qua được tỉnh đặc biệt quan
tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư, tổng kinh phí của tỉnh cân đối để thực hiện Đề án
từ 2006-2009 là 15 tỷ đồng. Kết quả: năm 2006 có 81/186 (43,5%) xã, phường, thị
trấn và đến năm 2009 có 142/186 (76,34%) Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, như vậy
đã đạt mục tiêu đề ra trước một năm. Năm 2010, Quảng Ninh phấn đấu đầu tư và
quyết tâm chỉ đạo để 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia
về cơ sở vật chất. Hiện tại, 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc thường xuyên,
trong đó có 115 trạm có bác sỹ trong biên chế (đạt 61,5%), còn lại đang thực
hiện hình thức tăng cường từ các cơ sở y tế tuyến trên về trạm y tế xã làm việc.
Các trạm y tế đến nay hầu hết đã được trang bị bộ dụng cụ cơ bản, chuyên khoa để
đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường cho người dân.
Chính sách cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg được thực hiện đạt hiệu quả, tổng vốn kế hoạch giao năm 2009 là 3 tỷ đồng, thực hiện cho vay đến 31/12/2009 được 540 hộ vay với số tiền 2 tỷ 700 triệu đồng, đạt 90% kế hoạch.
Với những nỗ lực và cách làm riêng của tỉnh, kết quả trên một lần nữa khẳng định Chương trình 135 là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tế của phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn và nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.
Lê Quang Ngọc