Xác định tộc danh với bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020
02:59 11/03/2013 Lượt xem: 554 In bài viếtViệc bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số gắn liền với việc xác định tộc danh dân tộc thiểu số bản địa. Xác định tộc danh đúng thì văn hoá của dân tộc thiểu số bản địa được bảo tồn, phát triển đúng nó là nó. Xác định sai tộc danh thì văn hoá của dân tộc thiểu số bản địa bị hiểu sai lệch, thất truyền, thậm chí bị phủ nhận, thủ tiêu.
Việc bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu
số gắn liền với việc xác định tộc danh dân tộc thiểu số bản địa. Xác định tộc
danh đúng thì văn hoá của dân tộc thiểu số bản địa được bảo tồn, phát triển đúng
nó là nó. Xác định sai tộc danh thì văn hoá của dân tộc thiểu số bản địa bị hiểu
sai lệch, thất truyền, thậm chí bị phủ nhận, thủ tiêu.
Trong thực tiễn, nhiều kho tàng văn hoá dân tộc đặc sắc của nhiều dân tộc bản
địa đến nay không nghiên cứu, bảo tồn, phát triển hoặc có nghiên cứu nhưng giới
thiệu gán ghép vào văn hoá của dân tộc khác. Trong đó nổi lên có văn hoá của các
dân tộc: Nguồn, Mầy, Sách, Rục, Khùa ở Quảng Bình; Cuối, Họ, Kẹo, Mọn, Đan Lai,
Lâm La, Ly Hà ở Nghệ An… mà lý do rất đơn giản vì trong bản danh mục 54 dân tộc
Việt Nam không có tên các dân tộc này. Chẳng nói đâu xa, Chương trình Liên hoan
dân ca Việt Nam năm 2005, 2007, 2009, 2011 không có dân ca Sách, dân ca Mầy, dân
ca Khùa, dân ca Poọng… Năm 2005, dân ca Hò Thuốc Cá “hôi lên là hôi lên” của dân
tộc Nguồn được giới thiệu “dân ca dân tộc Rục” đến nay vẫn giới thiệu “dân ca
dân tộc Rục”. Năm 2009, với các dân tộc gọi là dân tộc Thổ ở Nghệ An có hai tiết
mục “Gọi trăng” và “Đu đu điềng điềng” thì tiết mục “Gọi trăng” giới thiệu “dân
ca dân tộc Đan Lai”, còn tiết mục “Đu đu điềng điềng” giới thiệu “dân ca dân tộc
Thổ” mà theo nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nó là của người Kẹo, Họ, Mọn thì “bộ
phận Kẹo, Họ, Mọn… thực chất là một nhóm địa phương ngoại vi không điển hình của
dân tộc Mường” (Ninh Viết Giao biên soạn, Địa chí huyện Quỳ Hợp, Nhà xuất bản
Nghệ An, 2003, trang 139) và Ngôn ngữ “Đồng bào Thổ Mọn nói theo phương ngữ
Mường (thuộc phương ngữ Nam Á), “đồng bào Cuối tiếng nói Cuối” (Ninh Viết Giao,
2003, sđd, 199)…
Công văn số 945/UBDT-VDT ngày 4/12/2009 của Uỷ ban Dân tộc “Trả lời đơn kiến
nghị của công dân” cho biết: “ Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Uỷ ban Dân tộc
thực hiện đề án “Điều tra, nghiên cứu, xác định thành phần, tên gọi một số dân
tộc thiểu số và xây dựng bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam” và trong
bài “Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam và định hướng bảo tồn, phát triển đến
năm 2020” đăng trên Tạp chí Dân tộc số 129, tháng 9/2011, ở trang 52, tác giả
Nguyễn Đức Luận cho biết: “Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số
1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ở
Việt Nam đến năm 2020” đã đem lại niềm vui và niềm hy vọng cho đồng bào các dân
tộc thiểu số bản địa có văn hoá dân tộc bản địa đặc sắc nhưng bị mất tên trong
danh mục 54 dân tộc thì lần này sẽ có tên trong “Bản danh mục thành phần các dân
tộc Việt Nam” để văn hoá dân tộc của mình được hưởng đề án “Bảo tồn, phát triển
văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đến năm 2020” bình đẳng với văn hoá các
dân tộc khác trên đất nước Việt Nam.
Để thực hiện 2 đề án trên, chúng tôi xin có hai ý kiến như sau:
1.Về tên gọi “Bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam” xin đề nghị lấy tên
là “Bản danh mục các tộc người của dân tộc Việt Nam” vì nó đúng chân lý “Dân tộc
Việt Nam là một”, vừa khắc phục được sự nhầm lẫn nội hàm khoa học giữa từ “dân
tộc” trong thuật ngữ “dân tộc Việt Nam” với từ “dân tộc” trong các thuật ngữ
“dân tộc Kinh, dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Tày, dân tộc Mông…”. Như vậy,
dân tộc Việt Nam không chỉ có 54 tộc người mà có thể 55, 56, 57, 60, 80… tộc
người và văn hoá dân tộc bản địa của các dân tộc thiểu số bản địa đích thực đúng
nó là nó mới thực sự được “bảo tồn, phát triển” bình đẳng với văn hoá các dân
tộc thiểu số khác của văn hoá dân tộc Việt Nam.
2.Về tộc danh của người Nguồn, hiện nay, ngoài nhiều ý kiến khác nhau của các
nhà khoa học thì nội bộ người Nguồn chưa thực sự đồng thuận. Đại thể là:
-Một bộ phận trước sau vẫn khẳng định: Tiếng Nguồn là tiếng mẹ đẻ dân tộc Nguồn
của mình; văn hoá dân gian Nguồn là văn hoá dân tộc Nguồn của mình; ý thức dân
tộc tự nhận, tự gọi là Ngài Nguồn, dân tộc Nguồn của mình.
- Một bộ phận theo vết xe xưa thì cứ cho rằng: “Nhà nước quy định 54 dân tộc,
không có 55 dân tộc, không công nhận người Nguồn là dân tộc Nguồn, nên không
phải là dân tộc Nguồn mà là dân tộc Mường, dân tộc Thổ (?!). Vì theo họ “tiếng
Nguồn có một số tiếng nói giống tiếng Mường, tiếng Thổ; Gia phả các họ của họ là
Lê, Nguyễn, Phạm, Trần… của người Kinh, người Mường, người Thổ ở Thanh Hoá, Nghệ
An, Hà Tĩnh vào ở Cơ Sa-Kim Linh, huyện Minh Hoá cuối thế kỷ XV, thời Hồng Đức
1470-1497 lại đây, phải đổi sang họ Đinh, họ Cao của Ngài Nguồn và phải nói
tiếng Nguồn để sinh sống với Ngài Nguồn, nếu không như vậy thì sẽ bị Ngài Nguồn
cho ra khỏi xứ sở của Ngài Nguồn (người Nguồn)?!
Lớn lên và quá trình điền dã sưu tầm văn hoá dân gian, chúng tôi được nhiều
người Nguồn đầu bạc phơ phơ giải thích như vậy. Hiện nay, có không ít người
Nguồn, trong đó có cán bộ lãnh đạo huyện vẫn giải thích như vậy (?!) Kết quả
nghiên cứu của mình, chúng tôi thấy đây là một sự giải thích vô lý, thiếu tự
trọng, tự tôn dân tộc, thiếu kiến thức khoa học về lịch sử, về văn hoá bản địa,
về văn hoá dân gian, về dân tộc học… Do chưa hiểu đầy đủ tiến trình lịch sử loài
người từ Công xã nguyên thuỷ đến nay, chưa biết 3 tiêu chuẩn chủ yếu xác định
thành phần, tên gọi dân tộc, chưa biết 3 nguồn tài liệu chủ yếu “dựng lại lịch
sử tổ tiên từ thời nguyên thuỷ đến nay”, chưa hiểu hết giá trị “phản ánh sự thực
lịch sử” của “kho truyện truyền miệng dân gian (truyền thuyết, thần thoại, cổ
tích…)” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử 6, Nhà xuất bản Giáo dục, tháng 3/2000,
trang 4,5)… nên đã có sự giải thích như vậy. Điều đáng phê phán là nhiều người
nghiên cứu hiện nay có trình độ kiến thức khoa học cao vẫn cứ chấp nhận sự giải
thích này, lấy sự giải thích này làm nguồn tài liệu khoa học phủ nhận tiếng
Nguồn và văn hoá dân gian Nguồn, phủ nhận ý thức dân tộc tự nhận, tự gọi Ngài
Nguồn, dân tộc Nguồn; trước đây xếp người Nguồn là dân tộc Kinh cho văn minh nay
nghiên cứu lại, xếp người Nguồn thuộc dân tộc Thổ, gọi là Thổ Nguồn Minh Hoá để
hưởng dân tộc thiểu số (!?)
Việc xác nhận và đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận “Người Nguồn là dân tộc
Nguồn” là xác nhận và đề nghị của tập thể Thường vụ Huyện uỷ, Thường trực Hội
đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện Minh Hoá trong Báo cáo “Về dân tộc Nguồn
ở huyện Minh Hoá” do ông Cao Văn Đàn, Bí thư huyện uỷ Minh Hoá ký tên, đóng dấu
ngày 4/11/1992 và báo cáo “Người Nguồn là dân tộc Nguồn” do ông Đinh Xuân Bội,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Minh Hoá ký tên, đóng dấu ngày 7/2/1998. Theo
chúng tôi biết, hai văn bản này đã gửi lên các cấp uỷ đảng, chính quyền nhà nước
tỉnh Quảng Bình và Trung ương.
Những kết quả nghiên cứu khoa học được thể hiện trong Bộ sách “Từ điển tiếng
Nguồn tập I, tập II” (Bản thảo 2006, 2007) và kho sách “Văn hoá dân gian của
người Nguồn ở Việt Nam” đã xuất bản và được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng
thưởng 5 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và 2 giải tặng phẩm là cơ sở khoa học và
minh chứng cho sự đúng đắn của xác nhận và đề nghị của tập thể Thường vụ huyện
uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện Minh Hoá “Người Nguồn
là dân tộc Nguồn”. Ở đây, người Nguồn không nói sai tiếng mẹ đẻ dân tộc Nguồn là
tiếng Nguồn của mình; không sinh sống sai và không lưu truyền sai văn hoá dân
gian Nguồn là văn hoá dân tộc Nguồn của mình; không tự nhận, tự gọi sai tên dân
tộc là Ngài Nguồn dân tộc Nguồn của mình.
Rất mong lãnh đạo huyện Minh Hoá và 4 vạn đồng bào Nguồn đang nói tiếng Nguồn;
đang ăn “cơm pồi, ôốc tực, cà lào, thâu lang cà quẹng” (cơm bột ngô, ốc vặn, cà
dại, rau khoai cà đắng); đang hát “Hò Thuốc cá “hôi lên là hôi lên”; đang tổ
chức Lễ hội Rằm tháng Ba cúng cầu Pụt tại Thác Pụt và vui chơi, buôn bán tại chợ
Sạt; đang kể các “Xuyện tời hơ” (Chuyện đời xưa); Ôông Đùng mấy Thàng Sắt; Sự
tích Thác Pụt, Pụt chợ tha, tha không chợ Pụt; ăn uốc con nhà Dác sinh ra người
Mầy, người Nguồn, người Puôn; Thương con Xóc Côôc, ăn vôn lóc rọt… đồng thuận
với xác nhận và đề nghị của tập thể Thường vụ Huyện uỷ, Thường trực Hội đồng
nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Minh Hoá “Người Nguồn là dân tộc Nguồn” có sự
thống nhất đề nghị các nhà khoa học Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan
nhà nước hữu quan xem xét, công nhận dân tộc Nguồn.
Chúng ta tin tưởng, hy vọng lần này tộc danh các dân tộc thiểu số bản địa, trong
đó có dân tộc Nguồn ở Việt Nam được xác định đúng để văn hoá của các dân tộc
được tôn trọng, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển bình đẳng trong thực hiện Đề án
“Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đến năm 2020” hiện
nay và mai sau.
Đinh Thanh Dự