Giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ hiện nay - Thực trang và giải pháp

10:51 08/05/2015 Lượt xem: 3119 In bài viết

Nguyên nhân nghèo của đồng bào
Tìm hiểu nguyên nhân khiến đồng bào Khmer ở Tây Nam bộ nghèo là rất quan trọng để chúng ta có những chính sách tác động phù hợp. Luận giải về tình trạng nghèo của đồng bào Khmer, có thể đưa ra một số lí do sau:

Thứ nhất, đa số đồng bào Khmer sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chỉ có một bộ phận nhỏ sinh sống ở thành thị. Trong khoảng 500 xã, phường có đông đồng bào Khmer sinh sống thì có đến 321 xã khó khăn và 163 xã đặc biệt khó khăn, vốn là những địa bàn có điểm xuất phát thấp, điều kiện phát triển KT-XH còn nhiều mặt yếu kém, sản xuất khó khăn do điều kiện địa hình chia cắt, điều kiện tự nhiên không thuận lợi… Đây là nguyên nhân khách quan khiến cho đồng bào Khmer nghèo.

Thứ hai, yếu tố ngành nghề sản xuất của đồng bào Khmer cũng là nguyên nhân làm cho đồng bào nghèo. Đồng bào Khmer trước đây cũng như hiện nay sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó trồng lúa nước là chủ yếu, chăn nuôi và trồng trọt hoa màu lúc nông nhàn là công việc làm thêm, chưa phải là sản xuất hàng hóa. Sản xuất nông, ngư nghiệp là ngành chịu nhiều rủi ro cả về thời tiết lẫn thị trường.

Thứ ba, trình độ dân trí của đồng bào Khmer còn thấp. Đa số đồng bào sản xuất nông nghiệp theo tập quán từ bao đời nay, nên việc học tập chưa được đồng bào chú trọng đúng mức. Hơn nữa, nghèo cũng là nguyên nhân khiến đồng bào ít có điều kiện đầu tư cho con em mình ăn học. Theo điều tra dân số năm 2009, dân số của vùng Tây Nam bộ trong độ tuổi 15 trở lên mù chữ còn chiếm tỷ lệ cao: 8,1% (toàn quốc là 6%), đặc biệt người Khmer độ tuổi từ 15 trở lên không biết chữ chiếm 25,6% (tỷ lệ người dân tộc thiểu số độ tuổi 15 trở lên không biết chữ trong toàn quốc chiếm 21,5%).

Thứ tư, một số phong tục, tập quán của đồng bào Khmer cũng gây cản trở cho hoạt động sản xuất. Đồng bào Khmer có hệ thống lễ hội rất phong phú, đặc sắc, nhưng những lễ hội này số lượng ngày tổ chức lớn cũng làm cho hoạt động sản xuất gián đoạn. Hơn nữa, đồng bào Khmer thường có tâm lý thiên về đời sống tinh thần hơn đời sống vật chất, điều này cũng có những mặt tích cực nhưng mặt tiêu cực chính là vì coi đời sống thực là cõi tạm và luôn hướng về tương lai là cõi Niết bàn nên cũng phần nào ảnh hưởng đến ý chí, nỗ lực vươn lên làm giàu của đồng bào Khmer.

Thực trạng công tác giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Tây Nam bộ
Trên cơ sở nắm bắt được những nguyên nhân khiến đồng bào Khmer nghèo, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách để giúp đồng bào Khmer thoát nghèo, đặc biệt là từ năm 1991 Ban bí thư ra Chỉ thị số 68 – CT/TW về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo đó, nhiều chính sách cho đồng bào đã được tổ chức thực hiện và đem lại chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer. Những chính sách giảm nghèo đã và đang triển khai thực hiện trong vùng đồng bào Khmer có thể được chia thành 3 nhóm chính sách lớn với những kết quả cụ thể như sau:

Nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất và sinh kế cho đồng bào Khmer, bao gồm các chính sách tín dụng, ưu đãi cho vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào Khmer, hỗ trợ đất sản xuất, công cụ sản xuất, giống cây, con, hỗ trợ dạy nghề miễn phí, cung cấp dịch vụ khuyến nông – lâm – ngư miễn phí… Ví dụ như về hỗ trợ đất sản xuất, thực hiện theo quyết định 134/2004/QĐ – TTg, đã hỗ trợ được cho trên 100 hộ Khmer; theo quyết định 74/2008/ QĐ – TTg, có hơn 4.700 hộ Khmer thụ hưởng. Về hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer thực hiện theo quyết định 74/2008/ QĐ – TTg, có trên 64.100 người được thu hưởng…

Nhóm chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer tiếp cận với các dịch vụ xã hội như hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở, nước sạch và các dịch vụ pháp lý. Về giáo dục - đào tạo , có chính sách hỗ trợ học sinh là con hộ Khmer nghèo theo Chương trình 135 giai đoạn 2 có gần 76.300 học sinh được hỗ trợ; chính sách cử tuyển học sinh Khmer vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trung cấp theo Nghị định 134/2006 – NĐ – CP từ năm 2006 – 2010 đã cử tuyển được hơn 3.700 học sinh Khmer, chính sách dự bị đại học, mỗi năm có khoảng 1000 học sinh Khmer tham gia các lớp dự bị đại học. Về chính sách chăm sóc sức khỏe, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người Khmer nghèo với tổng kinh phí là hơn 833,4 tỷ đồng theo Quyết định 139/2002/QĐ – TTg. Về hỗ trợ nhà ở, đất ở cho người Khmer nghèo, thực hiện theo Quyết định 167/2008/QĐ – TTg hỗ trợ nhà ở; theo Quyết định 134/2004/QĐ – TTg hỗ trợ nhà ở; theo Quyết định 74/2008/QĐ – TTg đã hỗ trợ đất ở… Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ nước sạch, điện thắp sáng, dầu hỏa… cho đồng bào Khmer nghèo.

Nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng có đông đồng bào Khmer được thể hiện tập trung trong chương trinh 135 giai đoạn II, với các kết quả như: tỉnh Trà Vinh đầu tư xây dựng mới 254 công trình (trường học, giao thông, thủy lợi, điện, chợ, trạm y tế) và duy tu 85 công trình; tỉnh Vĩnh Long đầu tư xây dựng 24 công trình về giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường, trạm y tế, chợ; tỉnh Sóc Trăng xây dựng 500 km đường giao thông nông thôn; 51 công trình cầu, cống; 30 kênh mương thủy lợi; 2,8 km đường điện hạ thế; nâng cấp và xây mới 05 trạm y tế, 14 công trình chợ, 78 nhà sinh hoạt cộng đồng; duy tu 4 công trình trường học…

Nhờ thực hiện các chính sách giảm nghèo trên mà đời sống của đồng bào Khmer không ngừng nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào Khmer không ngừng giảm, tỷ lệ giảm hàng năm khoảng 2 – 3%. Nhiều hộ Khmer thoát nghèo đã vươn lên có cuộc sống khà giả, no đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào Khmer vẫn cao hơn so với mức chung của toàn tỉnh, nhiều hộ vẫn tái nghèo và xuất hiện tình trạng nghèo mới.

Những hạn chế trong công tác giảm nghèo cho đồng bào Khmer có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau:

Các chính sách giảm nghèo cho đồng bào Khmer còn một số bất cập. Chính sách giảm nghèo có tính chất chồng chéo về nội dung trong các chương trình, dự án dẫn tới việc phân tán các nguồn lực cho giảm nghèo.

Thực tế, vẫn còn một bộ phận đồng bào Khmer chưa có ý chí mạnh mẽ trong việc vươn lên làm giàu, còn ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, trợ cấp của nhà nước.

Công tác giảm nghèo chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư nguồn lực. Lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua ít được các doanh nghiệp quan tâm, đồng bào Khmer lại sống ở vùng có địa bàn khó khăn về địa lý, thời tiết nên doanh nghiệp ít đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và vùng có đông đồng bào Khmer.

Một số giải pháp để giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Tây Nam bộ
Từ thực trạng công tác giảm nghèo cho đồng bào Khmer trên địa bàn Tây Nam bộ còn có biểu hiện chưa bền vững, đời sống của nhiều đồng bào còn khó khăn và từ sự phân tích những nguyên nhân dẫn tới sự bất cập đó, trong thời gian tới, công tác giảm nghèo cần chú ý một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào Khmer cần rà soát lại các chính sách hiện có để hoàn thiện chính sách, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung trong nhiều chương trình, dự án dẫn tới định mức hỗ trợ trong mỗi dự án thấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của đồng bào. Các chính sách giảm nghèo phải đồng bộ, nên xây dựng chính sách tổng thể về giảm nghèo cho đồng bào Khmer trên tất cả các nội dung với nguồn kinh phí phù hợp và có tổ chức điều phối để tránh sự phân tán chính sách như hiện nay. Chính sách giảm nghèo cũng cần chú ý để phát huy nội lực chống đỡ với nghèo đói cho đồng bào Khmer như nâng cao trình độ dân trí, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất… hạn chế tình trạng trợ cấp trực tiếp như hiện nay.

Thứ hai, chính sách giảm nghèo cho đồng bào Khmer phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, văn hóa, phong tục của đồng bào. Đồng bào Khmer về đa phần vẫn sản xuất nông nghiệp. Do đó, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng một cách toàn diện cho đồng bào Khmer từ vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ… bằng việc xây dựng những mô hình kinh tế, sản xuất phù hợp với từng vùng với sự tham gia, hỗ trợ từ cả chính quyền, nhà kỹ thuật, nhà doanh nghiệp và bản thân từng hộ Khmer là một hướng đi thích hợp cần được chú trọng để giảm nghèo bền vững cho đồng bào Khmer.

Thứ ba, để giảm nghèo bền vững cho đồng bào Khmer cần gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào có thu nhập ổn định, thường xuyên. Vì vậy, cùng với việc thúc đẩy, hỗ trợ những điều kiện cần thiết cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao cho đồng bào Khmer, cần có những giải pháp tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người Khmer cả về thể chất và trí lực, đặc biệt là trí lực thông qua giáo dục đào tạo, dạy nghề… để đồng bào Khmer có năng lực tiếp cận với thị trường việc làm trong khu vực, đặc biệt là việc làm trong những ngành nghề phi nông nghiệp.

Thứ tư, công tác giảm nghèo cho đồng bào Khmer cũng cần phối hợp chặt chẽ với công tác dân vận một cách hiệu quả để nâng cao ý thức vươn lên làm giàu mạnh mẽ, ý thức nâng cao trình độ, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, tích cực học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất… trong đồng bào Khmer. Chính ý thức và quyết tâm tự lực vươn lên làm giàu của người Khmer bằng trí tuệ, nội lực của mình là một động lực to lớn để giảm nghèo bền vững cho đồng bào. Bởi lẽ, những chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước là những nhân tố ngoại lực, chúng chỉ phát huy hết tác dụng khi kích thích được những nhân tố thuộc về nội lực của đồng bào.

Giảm nghèo cho đồng bào Khmer luôn được coi là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị ở vùng Tây Nam bộ. Vấn đề là phải nỗ lực để tìm kiếm các giải pháp có hiệu quả để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer...
 

ThS. Trịnh Xuân Thắng
(Tạp chí Dân tộc số 166, tháng 10/2014)
[NNL: DTH]