Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên trong nhà trường
10:29 08/06/2015 Lượt xem: 82308 In bài viếtSinh viên Việt Nam - những chủ nhân tương lai của đất nước có vị trí và vai trò rất quan trọng trong xã hội. Song trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, sự tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, đã làm xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực trong lối sống, đạo đức của một bộ phận không nhỏ sinh viên, nên việc giáo dục đạo đức cho sinh viên đang là vấn đề cấp thiết, được toàn xã hội quan tâm. Để khắc phục những biểu hiện tiêu cực đó, nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành các cuộc điều tra xã hội học, tâm lý học, triết học…và xác định ba chủ thể có vai trò chủ đạo trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên chính là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường có vai trò hết sức to lớn trong giáo dục đạo đức cho sinh viên để sau này họ có thể trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Vai trò của nhà trường trong
giáo dục đạo đức cho sinh viên
Giai đoạn đại học là giai đoạn có nhiều biến đổi to lớn cả về tâm sinh lý
cũng như khẳng định sự tích lũy tri thức và vốn sống. Sinh viên phải tự chủ động
đưa ra các quyết định về thái độ, hành động và chịu trách nhiệm về bản thân thay
vì nhận được sự chỉ bảo, bao bọc thường xuyên của gia đình. Sinh viên sẽ tiếp
thu và tích lũy tri thức chuyên ngành, đồng thời mở rộng cơ hội, khả năng sáng
tạo và phát huy những tiềm lực tri thức của mình, sống một cuộc sống mới chủ
động hơn, xác lập các mối quan hệ xã hội, tham gia vào quá trình xã hội hoá… Do
đó, ngay từ đầu việc giáo dục nhân sinh quan cho sinh viên là công tác rất quan
trọng. Sứ mệnh này thuộc về nhà trường nhằm giúp cho sinh viên nhanh chóng thích
ứng với cuộc sống mới ở môi trường đại học, từ đó tạo ra các tiền đề, nền tảng
lành mạnh trong sự phát triển của họ sau này.
Nhà trường là chủ thể chính trong giáo dục nghĩa vụ đạo đức cho sinh viên. Việc bắt buộc phải thực hiện kỷ cương, nề nếp trong dạy và học lúc đầu có thể là yếu tố khách quan chi phối hành vi, thái độ của sinh viên nhưng dần về sau chúng sẽ trở thành nguyên tắc sống.
Những nội dung giáo dục đạo đức cho sinh viên trong nhà trường hiện nay
Do những hoạt động của sinh viên thường gắn liền với nhà trường nên các trường đại học có vai trò chủ đạo nhất trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Mỗi chủ trương, hoạt động của nhà trường đều có tác động trực tiếp đến việc hình thành thế giới quan và nhân sinh quan mới cho sinh viên bởi những tri thức mà họ thu nhận được trước đó còn chưa đầy đủ. Mỗi sinh viên đều có nhu cầu khám phá tri thức mới, cuộc sống mới, các giá trị mới nên nhà trường càng có vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng cho họ. Ngay từ những buổi đầu tiên của sinh viên năm thứ nhất, các trường đại học và cao đẳng đã tiến hành kì học chính trị nhằm bồi dưỡng cho sinh viên lý tưởng, bản lĩnh, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khơi dậy niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn. Nhờ khóa học này mà mỗi sinh viên thu nhận thêm tri thức về lĩnh vực chính trị, xã hội. Nhiều sinh viên đã thể hiện mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng để có thể rèn luyện, trưởng thành và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Kì học này cũng có ý nghĩa lớn trong việc giúp sinh viên nhận thức về tình hình đất nước, những sự kiện xảy ra trên thế giới để họ có thể xác định quan điểm, thái độ, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Ngoài công tác giáo dục lý tưởng, nhà trường cũng chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống cho sinh viên như: truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học, truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn…nhằm giáo dục cho sinh viên sự hiểu biết và trân trọng, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc.
Việc giáo dục đạo đức cho sinh viên cũng được gắn liền với việc giáo dục pháp luật. Sinh viên ngoài việc nắm bắt những nội qui, qui chế nhà trường còn cần có những hiểu biết cơ bản về pháp luật, về an toàn giao thông, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội… Giáo dục cho sinh viên đạo đức và pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giúp họ vừa có ý thức tự giác, chủ động vừa nhận thức được những giới hạn cụ thể trong thái độ và hành vi của mình.
Giáo dục đạo đức cho sinh viên không thể chỉ ở việc tuân thủ thực hiện những qui tắc, chuẩn mực cứng nhắc. Nhà trường cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, giáo dục những kỹ năng “mềm” để sinh viên có thể xử lý các tình huống nảy sinh trong cuộc sống một cách tích cực nhất. Để có thể đạt được mục tiêu như vậy thì nhà trường phải tạo môi trường cho sinh viên sinh hoạt, rèn luyện, phát triển toàn diện, có sức khoẻ tốt và đời sống tinh thần phong phú lành mạnh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng bồi dưỡng thể lực tạo tiền đề vật chất để sinh viên có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ khác như học tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động xã hội.
Như vậy, có thể thấy rằng vai trò giáo dục đạo đức của nhà trường đối với sinh viên là rất quan trọng. Giáo dục đạo đức từ nhà trường là bước gắn kết giữa giáo dục đạo đức gia đình và giáo dục đạo đức xã hội.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học
Mặc dù có nhiều thành tích đáng kể song hiện nay công tác giáo dục đạo đức ở các trường cao đẳng, đại học vẫn chỉ đang dừng lại ở các hoạt động, phong trào bề nổi, điều này đã dẫn đến nhiều hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên trong nhà trường. Để nâng cao hiệu quả, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, mỗi nhà trường cần bổ sung thêm một số nguyên tắc cơ bản về đạo đức trong ứng xử của sinh viên và hình thức xử lý đối với những sinh viên vi phạm ở những cấp độ khác nhau. Bước đầu, có thể tiến hành điều tra xã hội học nhằm thu nhận ý kiến từ cả hai phía sinh viên và giảng viên nhằm đưa ra được bộ qui tắc vừa phù hợp, mềm dẻo và có tác dụng tích cực nhất.
Thứ hai, để đạt được hiệu quả cao trong giáo dục đạo đức cho sinh viên thì bản thân mỗi giảng viên phải là tấm gương về đạo đức. Những bài học đạo đức chỉ thực sự có giá trị, có tính thuyết phục khi người thuyết giảng bài học đó là tấm gương mẫu mực. Mỗi giảng viên cần nêu cao lòng yêu nghề, thái độ công bằng, tinh thần trách nhiệm…nhằm tạo được niềm tin cho sinh viên. Thầy cô ngoài việc truyền đạt tri thức còn phải định hướng và kịp thời uốn nắn hành vi, thái độ của sinh viên, tạo cho sinh viên có điều kiện thuận lợi nhất để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống và tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa mới.
Thứ ba, nhà trường cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn và Hội trong giáo dục đạo đức cho sinh viên, phải phát huy hơn nữa tính chủ động tích cực của mình, đặc biệt là trong việc tổ chức nhiều các hoạt động tập thể với hình thức phong phú, đa dạng thu hút được nhiều sinh viên tham gia nhằm làm cho họ có nhiều điều kiện tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào các hoạt động, tổ chức xã hội tạo sự gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn, Hội trong việc giáo dục nghĩa vụ đạo đức cho sinh viên, cần có sự phối hợp với các tổ chức xã hội khác như Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động, nhà trường…để tạo sự thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác xây dựng và giáo dục nghĩa vụ đạo đức mới cho sinh viên.
Bên cạnh những hoạt động tập thể, Đoàn và Hội cũng cần có những chủ trương hỗ trợ cho sinh viên trong học tập, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên tìm hiểu thực tế, vừa mang tính giải trí, vừa là sự học hỏi lẫn nhau…giúp sinh viên ngày càng gắn bó, sống tình cảm và có trách nhiệm với mọi người hơn trong cuộc sống.
Thứ tư là cần gắn kết ba chủ thể gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Gia đình chính là môi trường hình thành nhân cách bởi từ gia đình con người có những định hướng giá trị đầu tiên về cuộc sống. Đây cũng là nơi gắn bó suốt cuộc đời nên môi trường gia đình có ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm, nếp sống của mỗi người.
Để đạt được hiệu quả trong việc phối hợp giữa 3 chủ thể giáo dục, chúng ta cần phải thường xuyên có sự tổng kết, rút kinh nghiệm; chính sách cho thanh niên phải có sự đóng góp tiếng nói của thanh niên, có sự góp ý, phản hồi; các chủ trương phải được phổ biến rộng rãi. Có như vậy, công tác giáo dục nghĩa vụ đạo đức cho sinh viên từ phía gia đình, nhà trường và xã hội mới đạt được sự thống nhất và hiệu quả thiết thực.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Thương
Học viện Quản lý giáo dục
(Tạp chí Dân tộc số 167, tháng 11/2014)
[NNL: DH]