Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện lần thứ II - những điểm sáng và triển vọng phát triển ở Thừa Thiên - Huế
03:16 25/11/2014 Lượt xem: 1741 In bài viếtĐiều 6, Nghị định 05/2001/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc quy định định kỳ 5 năm một lần tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (ĐHĐBCDTTS) cấp tỉnh, huyện và 10 năm một lần tổ chức toàn quốc. ĐHĐBCDTTS được tổ chức nhằm củng cố hơn nữa lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; biểu dương khen thưởng và đề ra giải pháp để nhân rộng các điển hình, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; đồng thời là dịp để các DTTS trên địa bàn giao lưu gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
Năm nay, Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức ĐHĐBCDTTS toàn tỉnh lần thứ II (tỉnh có 2 huyện miền núi thuộc vùng DTTS) và giữa tháng 5 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện A Lưới và huyện Nam Đông đã tổ chức thành công ĐHĐBCDTTS cấp huyện. Tại đại hội, các huyện đã trình bày báo cáo nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2009 - 2014 nổi bật với những điểm sáng có tính bền vững và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS trong tương lai gần.
Về kinh tế, từ chỗ loay hoay giải quyết vấn đề cái ăn để xoá đói và góp phần giảm nghèo, bằng con đường thâm canh lúa nước, lập vườn, từ bỏ tập quán “phát, cốt, đốt, trỉa”, bà con đã chuyển sang phát triển các thế mạnh trong nông-lâm nghiệp như trồng rừng, trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) và chăn nuôi đại gia súc, đem lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững; tạo tiền đề để sản xuất hàng hóa nông lâm sản. Huyện Nam Đông và A Lưới hiện có gần 4.200 ha cao su, gần 15.000 ha rừng trồng kinh tế, trên 690 ha cà phê, gần 10.000 con bò; trong đó, đại đa số là của đồng bào DTTS. Ở huyện Nam Đông nhiều hộ có thu nhập 150 đến trên 200 triệu đồng/năm như các hộ Trần Xuân Bí ở xã Hương Sơn, Lê Thị Hương ở xã Thượng Lộ; Hồ Văn Lùng ở xã Thượng Nhật; Phạm Văn Kinh ở xã Thượng Long, Trần Văn Chia ở xã Thượng Quảng... Ở A Lưới có nhiều hộ thu nhập trên 100 triệu đồng như các hộ Hồ Văn Khếp ở xã Hồng Thượng, Lê Thanh Hồng ở xã Hương Lâm, Nguyễn Thị Hạnh ở xã A Ngo, Quỳnh Trân ở xã A Roàng, Hồ Văn Bơi ở xã Hương Nguyên...
Từ chỗ phải vận động quyết liệt, kiên trì, bà con mới trồng rừng, trồng cây công nghiệp; từ chỗ Nhà nước phải đầu tư toàn bộ tiền cho tất cả các khâu công việc, bà con mới đăng ký phát triển sản xuất nguyên liệu nông lâm sản; đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS đã tự bỏ vốn đối ứng để được hưởng chính sách hỗ trợ trồng cao su, trồng mây, trồng rừng kinh tế. Thành tựu này có ý nghĩa quyết định đến nền tảng tư tưởng của bà con DTTS. Bà con thấy rõ hiệu quả, thấy rõ lợi ích của chính gia đình mình và cùng tham gia đầu tư, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường và tính chủ động, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Cái khó trong thu hút đầu tư ở miền núi là cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng phát triển sản xuất hàng hóa. Nhận thức rõ hạn chế này, trong những năm gần đây, huyện Nam Đông và A Lưới đã chuyển hướng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông vào các khu sản xuất nguyên liệu nông lâm sản hàng hóa. Đường ô tô trải nhựa hoặc bê tông hóa đã được đầu tư vào các khu rừng cao su, rừng keo vì vậy thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển, hạ giá thành đầu vào khai thác nguyên liệu, tăng thu nhập trực tiếp cho người dân. Trong 5 năm 2009-2014, vùng DTTS được đầu tư mới và nâng cấp khoảng 100 km đường ô tô; trong đó có 30 km đi vào các khu sản xuất hoặc kết hợp giữa dân sinh và phát triển sản xuất. Việc chuyển hướng đầu tư đã tạo điều kiện để mở rộng diện tích canh tác nông lâm nghiệp mà trọng tâm là trồng rừng kinh tế, trồng cây công nghiệp. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đã gắn liền với biện pháp tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên. Khoảng 25.000 ha rừng tự nhiên đã được giao cho các cộng đồng dân cư và nhóm hộ gia đình quản lý và hưởng lợi đi kèm giải pháp đầu tư trồng mây dưới tán rừng tự nhiên để làm giàu rừng gắn liền với bảo vệ rừng. Điển hình ở A Lưới, tuyến đường lên núi A Bia (đồi thịt băm) - một di tích lịch sử nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, hai bên đường là rừng tự nhiên đã được huyện giao cho các nhóm hộ gia đình trên địa bàn; đồng thời đầu tư thành vùng nguyên liệu mây tập trung hướng tới phát triển làng nghề mây tre đan và sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu và du lịch. Cách làm này mở ra triển vọng bảo vệ tốt rừng tự nhiên với người chủ là đồng bào DTTS, đồng thời giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Nhờ phát triển sản xuất nguyên liệu nông lâm sản hàng hóa như mủ cao su, gỗ nguyên liệu giấy đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động. Mỗi năm, vùng DTTS xuất bán gần 2.500 tấn mủ cao su khô, gần 120 ngàn tấn gỗ nguyên liệu; giải quyết việc làm thường xuyên và tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Theo đó, thương mại và dịch vụ phát triển phục vụ nhu cầu của người sản xuất hàng hóa. Bước đầu, hầu hết các xã có sản xuất nông lâm sản hàng hóa đã manh nha hình thành các chợ nhỏ tự phát. Đây là cơ sở thực tiễn khách quan để quy hoạch mạng lưới chợ cấp xã, một trong những tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào DTTS đã từng bước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ có hiệu quả thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, ở A Lưới có hộ Hồ Văn Tư, xã Hương Lâm, từ một nông dân thuần túy anh đã chuyển đổi nghề nghiệp sang kinh doanh cà phê, cắt tóc, dịch vụ nghề may, dệt zèng… Ở Nam Đông, có các hộ kinh doanh buôn bán như Hồ Trọng Ánh ở xã Hương Hữu, Trần Đình Vỹ ở xã Thượng Long, Nguyễn Ngọc A Rưn ở xã Hương Sơn... Những điển hình này mở ra triển vọng chuyển dịch cơ cấu lao động trong nội bộ đồng bào DTTS, giải quyết việc làm cho những hộ không có hoặc thiếu đất sản xuất; đồng thời góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Tất cả các xã đều có điểm Bưu điện văn hóa có internet. 100% UBND xã có kết nối internet không dây. Mạng lưới điện thoại di động, truyền thanh không dây, truyền hình phủ sóng đến tất cả các thôn bản vùng DTTS. 27 loại báo, tạp chí, thông tin chuyên đề được Nhà nước cấp không thu tiền cho nhiều đối tượng ở các xã, thôn bản vùng DTTS. Hầu như tất cả các hộ gia đình đều có ti vi và điện thoại. Hệ thống công cụ và phương tiện thông tin đa dạng, phong phú đã hỗ trợ đắc lực hoạt động truyền thông thường xuyên, kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nhu cầu cập nhật thông tin về phát triển sản xuất, kinh tế, văn hóa, xã hội,... của người dân, của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Các chính sách xóa nhà tạm theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg và Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn lực hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; các doanh nghiệp hảo tâm cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư và nguồn lực của từng hộ gia đình đã xây dựng mới trên 5.000 căn nhà, giúp hầu như tất cả các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ DTTS xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang. Đến thăm vùng DTTS ở bất kỳ đâu, bức tranh về nhà ở minh họa cho đời sống “an cư lạc nghiệp” của đồng bào, hơn hẳn rất nhiều xã bãi ngang và ven biển.
Trước đây, hầu như tất cả con em đồng bào DTTS rất khó thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng nên Nhà nước đã có chính sách cử tuyển cao đẳng, đại học cho con em đồng bào DTTS thuộc diện chính sách để đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho vùng DTTS. Song, trong 5 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển giáo dục toàn diện từ cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, nâng cao chất lượng thầy cô giáo, công tác khuyến học và biết chú trọng kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng cao chất lượng và quy mô nên số lượng và chất lượng học tập của con em đồng bào DTTS đã được nâng cao rõ rệt. Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chính sách hỗ trợ chi phí học tập trên 800 ngàn/năm học/sinh viên cho con em người DTTS thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy, đã tạo thêm động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua học tập ở vùng DTTS. Trong 5 năm qua, có gần 200 con em người DTTS thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy. Điển hình đáng biểu dương nhất là gia đình ông Phạm Viết Minh người dân tộc Pa Cô, ở xã Phú Vinh, huyện A Lưới dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng vợ chồng ông đã tìm mọi biện pháp khắc phục nuôi 6 người con học đại học, có 5 cháu đã tốt nghiệp, 4 cháu có việc làm ổn định, trong đó, có 1 cháu có trình độ thạc sỹ là cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Huế. Đây là gia đình được tôn vinh là “gia đình hiếu học”, bản thân ông Phạm Việt Minh cũng là người có uy tín nên sức lan tỏa về truyền thống hiếu học sẽ càng được nhân rộng hơn trong nhân dân. Thành quả này mở ra triển vọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho vùng DTTS.
Hy vọng trên những nền tảng này, vùng DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ không chỉ sớm thoát nghèo mà còn sớm cán đích sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn cũng như của cả nước.
ThS. Võ văn Dự
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế
(Tạp chí Dân tộc số 163, tháng 7/2014)
[NNL: DTH]