Nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về hội nhập quốc tế

10:45 08/05/2015 Lượt xem: 3320 In bài viết

Trong tiến trình hội nhập quốc tế (HNQT) của nước ta, Đảng và Nhà nước ta đã và đang luôn quan tâm đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc thông qua những chủ trương và chính sách quan trọng cùng nguồn lực đầu tư đáng kể nhằm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo những vùng khó khăn. Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, vùng dân tộc, miền núi luôn có vị trí chiến lược và ý nghĩa vô cùng quan trọng, do đó, quá trình HNQT tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ý nghĩa của quá trình Hội nhập quốc tế đối với vùng dân tộc thiểu số
HNQT đã mang đến những thành tựu phát triển công nghệ, giúp bà con làm quen với phương thức, kiến thức sản xuất mới, tiếp cận với các công cụ sản xuất hiện đại hơn, dần xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu, công cụ sản xuất thô sơ, hiệu quả thấp trước kia góp phần đẩy mạnh sản xuất vùng DTTS, nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Hội nhập kinh tế quốc tế góp phần tăng cường và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm của vùng miền núi, dân tộc, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh sản xuất từ vùng đồng bào các dân tộc như chè, cà-phê, cao-su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hạt điềụ, sắn, ngô các loại, lạc nhân, hạt tiêu, ớt, vừng, đỗ, một số sản phẩm của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm....

Tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm.

Vùng dân tộc và miền núi là những nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú đặc biệt là tiềm năng khoáng sản, lâm sản, tài nguyên du lịch tự nhiên, với những phong tục, tập quán đa dạng của đồng bào các dân tộc góp phần làm phong phú tài nguyên du lịch nhân văn. Do đó HNQT góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của vùng.

Cùng với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hội nhập đã mang lại những chia sẻ và tham gia của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo của vùng đồng bào dân tộc. Cộng đồng quốc tế không chỉ hỗ trợ về vật chất mà bao gồm cả chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao dân trí, chăm sóc y tế, phổ cập giáo dục... cho đồng bào các DTTS.

Hội nhập đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trao đổi, học tập, tiếp thu những giá trị, tinh hoa của nhau để làm phong phú cho nền văn hóa của dân tộc mình, đồng thời đẩy mạnh tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

Những thách thức trong quá trình Hội nhập của đồng bào DTTS
Trên lĩnh vực xã hội, quá trình hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá đặt ra một thách thức lớn trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội làm cho sự phân tầng, phân hoá xã hội cũng trở thành một trong những yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển của vùng. Một số bộ phận dân cư không được hưởng lợi, thậm chí bị thua thiệt do quá trình hội nhập quốc tế, nhiều nơi những người dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, đất ở ảnh hưởng lớn đến đời sống. Với xuất phát điểm thấp, đồng bào các dân tộc khó nắm bắt, tiếp thu thành quả khoa học và công nghệ cao để phát triển kinh tế - xã hội cũng như theo kịp sự phát triển nhanh của các trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ khác trên cả nước.

Thực tế cho thấy trong thời gian gần đây sự di cư tự do ồ ạt từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam, nhất là khu vực Tây Nguyên đã làm bản đồ phân bố thành phần DTTS ở nhiều tỉnh đã thay đổi khá lớn, gây khó khăn cho các nhà quản lý.

Về văn hoá, quá trình hội nhập cho phép các dân tộc có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau hơn hiểu biết nhiều hơn, nhưng đây cũng là nguyên nhân làm cho văn hóa của các dân tộc ngày càng mất dần đi bản sắc riêng. Mặt khác, hội nhập quốc tế đặt nước ta trước nguy cơ bị các giá trị ngoại lai, nhất là các giá trị văn hoá phương Tây xâm nhập ồ ạt, làm tổn hại bản sắc văn hoá dân tộc. Trang phục truyền thống của một số dân tộc hầu như không còn thấy trong đời sống của đồng bào DTTS hiện nay.

Nhu cầu hội nhập quốc tế để được học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ, năng lực của đồng bào DTTS là chính đáng, nhưng việc hội nhập, giao lưu, học hỏi của đồng bào DTTS nếu không được định hướng quản lý tốt sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là về đạo đức, lối sống.

 Về an ninh quốc gia, các nguy cơ đe dọa an ninh ngày càng phức tạp hơn, bên cạnh các hiểm hoạ mang tính truyền thống, đã xuất hiện các nguy cơ phi truyền thống (an ninh môi trường, dịch bệnh, khủng bố...). Chính sách mở cửa của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các phần tử xấu thâm nhập, chống phá Nhà nước vì mục đích chính trị, an ninh và kinh tế. Những phần tử này đã dựa vào địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, lợi dụng lòng tin, nhận thức còn bị hạn chế, đời sống vật chất khó khăn, thiếu thốn của đồng bào các dân tộc thiểu số để tuyên truyền, thông tin sai lệch chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Một số giải pháp nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về Hội nhập quốc tế ở vùng DTTS
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, trưởng thôn, bản, người có uy tín và đồng bào DTTS về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của HNQT.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức về HNQT của người có uy tín trong cộng đồng bằng nhiều hình thức: tập huấn, giao lưu trong nước và quốc tế, hội thảo, tham quan... nhằm phát huy hiệu quả cao nhất vai trò của họ trong việc tuyên truyền cho đồng bào DTTS về hội nhập quốc tế.

Nâng cao nhận thức về hội nhập quốc phòng, an ninh nhất là đối với đồng bào dân tộc. Chủ động và tích cực triển khai tốt chính sách dân tộc và tôn giáo, xoá đói giảm nghèo, khắc phục khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Nâng cao nhận thức về hội nhập văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác: Tăng cường giáo dục cho đồng bào dân tộc, nhất là thanh niên DTTS biết trân trọng, gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, kết hợp hội nhập với hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền và tiếp thu những mô hình phát triển văn hóa, xã hội thành công trên thế giới cho đồng bào.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Nhu cầu hội nhập quốc tế để được học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ, năng lực là chính đáng, nhưng việc hội nhập, giao lưu, học hỏi của cán bộ, đồng bào DTTS đang còn hạn chế, thiếu sự định hướng, quản lý của các cơ quan, tổ chức. Điều này làm nảy sinh và lây lan những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài trong đồng bào DTTS Việt Nam, đặc biệt là về đạo đức, lối sống. Để thực hiện có hiệu quả đào tạo nâng cao năng lực kiến thức về hội nhập, các cơ sở đào tạo cán bộ quản lý của các địa phương và Trung ương cần đổi mới và thường xuyên cập nhật kiến thức mới về hội nhập, có tài liệu đào tạo bồi dưỡng về hội nhập quốc tế.

Thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về hoạt động đối ngoại của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan; đổi mới nội dung, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch; đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các địa phương.

ThS. Hà Mai Phương
(Tạp chí Dân tộc số 166, tháng 10/2014)
[NNL: DTH]