Ý kiến các bộ, ngành về chính sách dân tộc

10:13 08/05/2015 Lượt xem: 1567 In bài viết

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Dự báo từ nay đến năm 2020, tình hình công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta cơ bản thuận lợi. Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện đường lối, chính sách dân tộc nhất quán, toàn diện, đúng đắn; niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền chặt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc cơ bản ổn định; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc, miền núi tạo điều kiện để đồng bào vươn lên cùng cả nước.

Thời gian tới, đề nghị cần tăng cường công tác đối ngoại về công tác dân tộc; đổi mới tư duy xây dựng chính sách dân tộc, không nên đặt vấn đề bao cấp mãi, mà chỉ hỗ trợ trong giai đoạn, đối tượng nhất định để đồng bào phát huy năng lực nội sinh, để có năng lực nội sinh phải quan tâm công tác giáo dục đào tạo. Tiến hành điều tra, thống kê dân tộc, xây dựng tiêu chí xác định dân tộc, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thành phần dân tộc; xây dựng tiêu chí làm thước đo trình độ phát triển với mỗi dân tộc; chống tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, phát huy các mô hình giúp đỡ, kết nghĩa giữa người Kinh và người dân tộc; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; tăng cường công tác phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Uỷ ban Dân tộc.

Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư
Mặc dù đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi chưa đáp ứng nhu cầu nhưng cũng là sự cố gắng lớn của Chính phủ. 7 năm qua, tốc độ tăng vốn đầu tư hàng năm cho các tỉnh vùng dân tộc, miền núi là 21%, trong khi bình quân của cả nước chỉ có 16%. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đồng tình với nhận định của các Bộ, ngành, đó là: chính sách quá nhiều dẫn đến chồng chéo, chia cắt trong điều hành; hiệu quả đầu tư, hỗ trợ chưa cao do tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, ít đầu tư sinh kế cho đồng bào.

Về kiến nghị của Uỷ ban Dân tộc bổ sung vốn Chương trình 135 năm 2014 - 2015, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị Chính phủ bố trí 790 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2013. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất tìm thêm vốn ODA và vốn trung hạn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Giai đoạn 2016 - 2020, chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp vùng dân tộc, miền núi cần làm thế nào phát huy được nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt cho đồng bào, có tỉnh làm tốt, có tỉnh làm chưa tốt. Tỉnh thực hiện tốt là do biết dựa vào dân, lắng nghe tiếng nói của dân và dân là chủ thể làm. Vì vậy, đề ra chính sách phải phát huy được cơ chế này, tức là cách tiếp cận dựa vào cộng đồng, người dân và chính quyền địa phương phải được phát biểu ý kiến và là chủ thể trực tiếp thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Ăn, ở, đi lại là những vấn đề được đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm nhất. Thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, toàn quốc đã giải quyết được trên 500.000 căn nhà cho hộ nghèo. Hiện, Bộ Xây dựng đang đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chiếm trên 50% số hộ nghèo của cả nước; đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành điều tra, khảo sát, đề xuất chính sách về nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Từ năm 2006 đến nay, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương đang tổ chức thực hiện Nghị định số 134/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, còn những bất cập: sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, bố trí công việc chưa phù hợp với chuyên môn được đào tạo... Đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, đề xuất xây dựng Nghị định mới về chính sách cử tuyển.

Thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, vừa qua, Bộ Nội vụ và Uỷ ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn Điều 11 về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, đang tiến hành lấy ý kiến của các Bộ, ngành chức năng. Dự thảo Thông tư đưa ra một số giải pháp giải quyết khó khăn trong công tác cán bộ dân tộc thiểu số: quy định tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp; tỷ lệ tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số vào cơ quan nhà nước; bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định thì cho nợ một số văn bằng, chứng chỉ và cử đi học hoàn thiện trong thời gian bổ nhiệm…

GS, TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo
Nhà nước đã ban hành 12 chính sách về giáo dục đào tạo vùng dân tộc, miền núi. Nhờ đó, đã xoá được tình trạng xã "trắng" về mầm non và xây dựng mạng lưới trên 300 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 4 trường dự bị đại học dành cho học sinh dân tộc thiểu số. Quan điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo là ưu tiên thành lập các trường đại học, cao đẳng tại vùng dân tộc, miền núi và vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Trong công tác đào tạo học sinh dân tộc thiểu số, áp dụng các chính sách: tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với học sinh nghèo người dân tộc thiểu số tại các huyện 30a; cử tuyển trên 13.000 sinh viên thuộc 54 dân tộc; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường…
Hiện nay, chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính cho học sinh dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng giá cả (80% mức lương tối thiểu và ở bậc học mầm non là 120.000đ/cháu/tháng). Đối với hệ cử tuyển chỉ có 62% sinh viên đại học ra trường tìm được việc làm, đồng nghĩa với gần 40% sinh viên thất nghiệp là sự lãng phí và bất cập trong khi vùng dân tộc, miền núi thiếu nhân lực chất lượng cao. Từ thực trạng trên, Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ học tập đối với học sinh dân tộc thiểu số; nghiên cứu cơ chế ưu tiên tuyển dụng, bố trí việc làm cho con em dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong cơ quan nhà nước...
Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng thành lập Học viện Dân tộc là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ, nhất là với những dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương và Uỷ ban Dân tộc hoàn thiện các điều kiện thành lập Học viện: xin thành phố Hà Nội cấp đất, xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ giảng viên…

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường
Vùng dân tộc, miền núi có trình độ phát triển thấp về kinh tế - xã hội so với bình quân chung của cả nước cũng như so với các vùng, miền khác, vì vậy cần được quan tâm đầu tư qua hệ thống chính sách để phát triển.

Vùng dân tộc, miền núi có tiềm năng về đất đai, khoáng sản nhưng khai thác, sử dụng chưa hiệu quả. Trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và cạnh tranh đang kém lợi thế so với các vùng khác nên cần được đầu tư thỏa đáng để tăng khả năng cạnh tranh. Mặt khác, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa đồng bào dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, giữa miền núi với đồng bằng đang có xu hướng doãng ra nên cần có chính sách phù hợp để khắc phục. Chính sách dân tộc thời gian qua được ban hành nhiều, tương đối đồng bộ, đúng, trúng nhưng nguồn lực thiếu nên hiệu quả giảm.

Bộ Tài nguyên - Môi trường đã quan tâm thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai. Luật Đất đai vừa được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất; miễn giảm thuế đất ở, đất sản xuất… Chính phủ, các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo rà soát quỹ đất của nông, lâm trường giao lại cho địa phương ưu tiên bố trí đất ở, đất sản xuất vì đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đất ở, đất sản xuất là điều kiện tiên quyết để ổn định sản xuất và đời sống. Có chính sách bảo vệ môi trường, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường vùng dân tộc, miền núi.

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Kết nối mạng lưới giao thông miền núi với đồng bằng, Bộ Giao thông Vận tải đã có Chiến lược phát triển giao thông miền núi và kế hoạch xây dựng 286 cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi, miền Trung - Tây Nguyên. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ bố trí vốn để thực hiện.
Thống kê năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy tai nạn giao thông vùng dân tộc, miền núi có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân là do hiểu biết Luật Giao thông của đồng bào còn hạn chế. Đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Luật Giao thông nói riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Những năm qua, các chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành đầy đủ, thể hiện: Quy định ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hoá các dân tộc; phê duyệt đề án bảo tồn, phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá… Kết quả thực hiện các chính sách, đề án đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư chưa đảm bảo hoặc sử dụng nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả phần nào đã hạn chế tác động tích cực của chính sách. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ đầu tư cho văn hóa tương đương đầu tư phát triển kinh tế; tạo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển văn hoá, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để có cơ thể văn hoá khoẻ mạnh, đủ sức đề kháng với tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp
Đề xuất của Uỷ ban Dân tộc chính sách dân tộc giai đoạn tới cần chuyển hướng từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển ở vùng dân tộc là giải pháp giúp đồng bào thoát nghèo bền vững. Bộ Tư pháp đồng tình thành lập Học viện Dân tộc nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Riêng Dự án Luật Dân tộc là vấn đề lớn. Chính sách dân tộc mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, đã và đang chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành nên cần tiếp tục nghiên cứu thêm quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Dân tộc.
Thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP về công tác dân tộc, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh những dịch vụ công ở vùng dân tộc, miền núi. Về phía Bộ Tư pháp đã có nhiều giải pháp đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với những dịch vụ công dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Phương Liên (Lược ghi)
(Tạp chí Dân tộc số 164, tháng 8/2014)
[NNL: DTH]