Mối quan hệ giữa pháp luật với các hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La

10:20 09/06/2015 Lượt xem: 54858 In bài viết

Tính đến hết năm 2013 toàn tỉnh đã xây dựng được trên 3.000 hương ước, bản quy ước tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Đạt được kết quả là:

Các quy định về bảo vệ và phát triển rừng trong hương ước, quy ước của cộng đồng thôn, bản phù hợp với tập quán của địa phương và phù hợp với Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, do vậy đã được nhân dân đồng thuận và chấp hành nghiêm túc.

Hương ước, quy ước góp phần nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm và tính tự giác của từng người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng, từ bản, tiểu khu, tổ dân phố và của nhân dân trong cộng đồng thôn, bản. Phát huy nguồn nhân lực địa phương tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn có đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống…

Nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ rừng được nâng cao hơn trước khi có quy định xây dựng hương ước, quy ước. Quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã giúp người dân thấy rõ lợi ích của rừng và tác hại của việc mất rừng. Nêu cao được quyền dân chủ góp phần vào việc xã hội hóa lĩnh vực quản lý rừng và đưa sự nghiệp bảo vệ rừng trở thành sự nghiệp của toàn dân.

Công tác bảo vệ rừng đã được thực hiện có nền nếp hơn; mức độ vi phạm vào rừng giảm rõ rệt; các vụ vi phạm như chặt cây, đốt nương trái phép ngoài nơi quy định, săn bắn chim thú trái phép, nạn cháy rừng được hạn chế.
Ngoài kết quả đạt được trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng thôn, bản, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn vướng mắc như sau:

Địa bàn rộng, chia cắt lớn, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn; thời tiết diễn biến phức tạp. Năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, đất rừng để làm nương trồng trọt. Mặt khác, còn một số đồng bào dân tộc thiểu số ít người còn quen tập quán sống du canh, du cư (di dịch cư tự do không theo quy hoạch) và canh tác trên đất dốc một thời gian đất bạc màu lại bỏ đi canh tác trên vùng đất khác nên đã không tránh khỏi những vụ phá, đốt rừng để lấy đất làm nương, rẫy.

Do không có kinh phí và việc chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 56/1999/TT-BNN-KL ngày 30/3/1999 chưa được đồng bộ và thường xuyên ở một số ngành liên quan, chính quyền địa phương cơ sở, nên nhiều địa phương không tổ chức xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng bản. Nhiều bản, tiểu khu trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng hương ước, quy ước, song không được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên hương ước, quy ước bảo vệ rừng không có hiệu lực để tổ chức thực hiện, dẫn đến càng gây khó khăn cho chính quyền bản, tiểu khu trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở.

Hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng được xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư số 56/1999/TT-BNN-KL ngày 30/3/1999 chủ yếu là các quy định về quản lý bảo vệ rừng và quyền lợi, nghĩa vụ chung của chủ rừng, trưởng bản về công tác bảo vệ rừng và xử lý vi phạm; chưa xây dựng các quy định về chia sẻ quyền hưởng lợi từ sản phẩm rừng khi được khai thác lâm sản và các nguồn thu nhập khác từ việc bảo vệ và phát triển rừng khi người dân tham gia đóng góp công sức bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy chưa phát huy mục tiêu xã hội hoá công tác bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, nhất là những khu rừng và đất lâm nghiệp giao cho cộng đồng bản quản lý.

Nhiều bản, tiểu khu trên địa bàn tỉnh đến nay không còn duy trì tổ chức thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng đã được xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư số 56/1999 /BNN – KL, mà chỉ có một số quy định về công tác bảo vệ rừng, công tác Phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm đưa vào một phần của hương ước chung của thôn, bản. Do một số nội dung trong quy ước so với quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp, nhất là những cộng đồng bản, tiểu khu không có rừng và đất lâm nghiệp quản lý chung của cộng đồng bản mà đã giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng và do lãnh đạo các tiểu khu, bản thay đổi nhiều lần nên bản hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng bị thất lạc.

Để thực hiện tốt mối quan hệ giữa pháp luật với các hương ước, quy ước cam kết tham gia quản lý bảo vệ rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm tiếp theo, cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
Xây dựng hương ươc, quy ước phù hợp với thực tế của địa phương, phong tục tập quán của từng vùng miền, dân tộc và đi vào thực tiễn cuộc sống, cần phải chỉnh sửa, bổ sung các hương ước, quy ước đã xây dựng trước đây theo hướng dẫn tại Thông tư số 56/1999 BNN – KL trên cơ sở hướng dẫn mới theo Thông tư 70/TT - BNN ngày 01/7/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được sát thực và cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương là rất cần thiết.

Thực hiện lồng ghép nhiều chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao và tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh- xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền làm cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị xác định rõ nội dung nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện chính sách. Làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo và tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực lao động sản xuất, phát triển KT-XH, ổn định đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo tiến tới làm giàu, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.

Tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách làm ăn, chi tiêu, sản xuất kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác quy hoạch, sắp xếp bố trí lại dân cư, đảm bảo định canh định cư, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương quan tâm tiếp tục hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh qua các chính sách an sinh xã hội, các chương trình, chính sách dân tộc khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá, công khai hóa các hoạt động thực hiện chương trình, dự án tại cơ sở; đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ liên quan trực tiếp đến lợi ích người nghèo, tránh thất thoát, lãng phí.

Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; kịp thời có những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng, tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên.

Làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với việc thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh quốc phòng... Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc.

ThS. Tráng A Dương* - Nguyễn Vũ Điền**
* Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ủy ban Dân tộc
** Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La
(Tạp chí Dân tộc số 168, tháng 12/2014)
[NNL: DH]