5 năm phát triển, đổi mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế

10:16 08/05/2015 Lượt xem: 2762 In bài viết

Về kinh tế: Tổng giá trị sản xuất năm 2013 tăng 3,23 lần so với năm 2009; tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2008 - 2013 là 28,1%/năm, đạt gần gấp 2 lần so với chỉ tiêu Đại Hội I; thu nhập bình quân đầu người đạt 15,8 triệu đồng/người/năm tăng gấp 2 lần so với năm 2009, đạt 131,7% so với chỉ tiêu Đại Hội I. Giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại đều tăng so với chỉ tiêu đề ra; kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và nước sạch được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố và vững chắc, làm thay đổi một cách cơ bản, toàn diện bộ mặt nông thôn miền núi.

Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn vùng dân tộc ngày càng khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 29,1% năm 2009 xuống còn 11,8 % năm 2013, vượt chỉ tiêu ĐH I; tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2013 còn 9,0 %; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch tích cực; tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong kinh tế nông thôn giảm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trên địa bàn nông thôn giảm từ 67,5% năm 2009 xuống còn 54,1% năm 2013.

Về văn hoá - xã hội: Giá trị tinh thần, trình độ nhận thức và sức khỏe của bà con được nâng lên rõ rệt. Hoạt động văn hoá, thể thao tiếp tục có những chuyển biến tích cực, duy trì đều đặn. Công tác đào tạo nghề, giải tạo việc làm đã triển khai nhiều giải pháp, đã đào tạo cho hơn 1.000 lượt thanh niên với các ngành nghề đa dạng về nông nghiệp và phi nông nghiệp. Chính sách ưu đãi người có công và hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội được ngân sách nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Công tác quốc phòng -an ninh, trật tự an toàn xã hội, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua luôn ổn định và giữ vững. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức tốt việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các hoạt động gây rối, làm mất trật tự, trị an của các thế lực thù địch trong và ngoài nước không xảy ra. Đặc biệt huyện A Lưới là huyện biên giới, vùng cao có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của cả tỉnh, cả nước và cũng là một địa bàn hết sức nhạy cảm về tình hình an ninh chính trị, tuy nhiên 100% đồng bào các dân tộc luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng, một dạ đi theo Đảng và Bác Hồ. Tiềm lực quốc phòng và thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường. Sức mạnh tổng hợp của quân và dân được nâng cao, góp phần tiếp tục giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã ban hành 15 chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, rút ngắn khoảng cách đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu sốvà miền núi so với vùng đồng bằng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng các chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với giảm nghèo. Với phương châm chỉ đạo là “Tập trung huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Những chính sách có sự tác động lớn là: Chương trình 135 đã đầu tư hơn 92 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo, duy tu bảo dưỡng. Chương trình tiếp tục thực hiện hiệu quả do đầu tư đúng hướng, đúng đối tượng, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường và củng cố kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao nhận thức về chính sách và pháp luật và tăng thu nhập cho người dân. Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg: Trong 5 năm, tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, bước đầu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở 8/10 điểm định canh định cư tập trung, giải quyết nơi ở cho 266 hộ, trong đó 131 hộ định canh, định cư tập trung và 135 hộ định canh định cư xen ghép. Chính sách đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất các loại và cơ sở hạ tầng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nơi ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất và được hưởng lợi đầy đủ các dịch vụ thiết yếu của xã hội. chính sách giải quyết đất sản xuất theo Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg: UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh đất của các đơn vị lâm nghiệp nhà nước, chuyển giao gần 20.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số để thực hiện giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Việc thực hiện chính sách này mở ra triển vọng lớn, đồng bào dân tộc thiểu số có đủ đất để không chỉ sản xuất mà còn có thể từng bước vươn lên làm giàu, trồng các loại cây thích hợp dưới tán rừng gắn với việc bảo vệ tốt tài nguyên rừng. Chính sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 56/ QĐ-TTg: UBND tỉnh đã đầu tư gần1,5 tỷ đồng để thăm và chúc tết Nguyên đán cho người có uy tín; hỗ trợ vật chất, thăm hỏi người có uy tín khi bị ốm đau và mất; cung cấp báo Thừa Thiên Huế, báo Dân tộc và Phát triển; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến chính sách pháp luật cho người có uy tín; tổ chức tham quan học tập ngoài tỉnh, thăm lãnh đạo Trung ương. Vai trò người có uy tín trong cộng đồng đã được phát huy tích cực góp phần quan trọng trong việc tổ chức vận động đồng bào hăng hái tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Chính sách giáo dục và văn hóa: ngân sách nhà nước đã đầu tư trên 350 tỷ đồng để triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục (học phí, ăn, ở, đi lại, chi phí học tập) cho đồng bào dân tộc thiểu số . Chính sách cấp thẻ bảo hiểm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 14/ 2012/QĐ-TTg: Tỉnh đã cấp 42.826 thẻ bảo hiểm Y tế hằng năm cho đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng số tiền hơn 10,84 tỷ đồng. Chính sách đã góp phần tích cực trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo hoặc sinh sống ở vùng khó khăn được cấp phát miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh không mất tiền, được hỗ trợ tiền ăn, tiền xe đi về bệnh viện theo quy định hiện hành của nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác dân tộc và chính sách dân tộc vẫn còn biểu hiện những hạn chế, tồn tại như sau: Công tác đào tạo đã có quan tâm quy hoạch và tăng cường, song chưa thật sự đúng mức, còn nhiều bất cập, nhất là ở cấp xã, có nơi còn hụt xa so với yêu cầu; Một số hủ tục lạc hậu như tệ thách cưới, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ phục hồi, nếu không có biện pháp tích cực và triệt để; tỷ lệ tăng dân số còn cao, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự bền vững do chưa có đất để trồng rừng kinh tế hoặc trồng cây công nghiệp. Một bộ phận dân, do ảnh hưởng xây dựng các công trình thuỷ điện, dẫn đến khó khăn về đất sản xuất.

Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn mới là triển khai nghiêm túc, đầy đủ và toàn diện Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 theo Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nhằm nâng cao hơn nữa đời sống, vật chất và tinh thần cho đồng bào. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững quốc phòng - an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Mục tiêu bao trùm là dồn mọi nỗ lực để ưu tiên phấn đấu thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới; đến năm 2019, có ít nhất 95% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Tiếp tục chỉ đạo toàn diện để giảm nhanh số hộ nghèo; từng bước bảo đảm mức sống chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng các vùng nông thôn khác trong tỉnh. Sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững; tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là phục vụ cho phát triển sản xuất hàng hóa. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Để thực hiện tốt mục tiêu tổng quát trên, cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu sau: Về Kinh tế, phấn đấu đến năm 2019: Mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15% cho cả thời kỳ và thu nhập bình quân đầu người/năm đạt tối thiểu 23 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn ≤5%. Chú trọng phát triển ổn định 8.500 -9.000 ha cao su, 20.000 ha rừng trồng kinh tế, 2.500 ha mây các loại, 2.500 ha tre các loại và 20.000 con bò trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực. Phấn đấu gia tăng 20% cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ tại địa bàn, giải quyết lao động tại địa phương và tăng thu nhập nâng cao đời sống. Bảo đảm duy trì và tiếp tục phát triển tốt các dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như ngân hàng, viễn thông, hệ thống chợ… Phát triển mạng lưới chợ nông thôn với nhiều quy mô khác nhau, bảo đảm mỗi xã có 1 chợ, 4-6 xã có 1 chợ thị tứ, mỗi huyện có 1 trung tâm thương mại kiên cố, hiện đại. Ưu tiên phát triển chợ ở các khu vực trung tâm cụm xã thuộc hai huyện Nam Đông, A Lưới gắn với yêu cầu giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc. Về Văn hóa - xã hội, phấn đấu năm 2019: Trong độ tuổi quy định có: 100% trẻ đến trường mẫu giáo; 100% vào tiểu học; trên 95% vào trung học cơ sở; trên 90% vào trung học phổ thông; 100% xã, thị trấn miền núi có trung tâm học tập cộng đồng. Đạt 100% trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 10 loại vắc xin, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mỗi gia đình chỉ có từ 1 - 2 con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 10% ; giảm tỷ lệ tăng dân số < 1,3% . Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 50% ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Khuyến khích và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế-xã hội trong nước và xuất khẩu lao động để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập. Các xã miền núi có khu vui chơi giải trí và thi đấu thể thao.

Từ mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn mới, công tác dân tộc của tỉnh đề ra những giải pháp chủ yếu để thực hiện:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới; coi công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng nước ta; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.

Hai là, tiếp tục huy động, thu hút đầu tư và tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững; chú trọng đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực.

Ba là, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; tiếp tục thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các dân tộc thiểu số, trọng tâm là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tập trung giải quyết dứt điểm những bức xúc về tình trạng, thiếu đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho người dân các vùng định canh định cư, vùng tái định cư, vùng biên giới và các vùng bị thiên tai, bão lũ do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Bốn là, tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách địa phương để hỗ trợ các dân tộc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, rút ngắn sự chênh lệch về phát triển giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng đồng bằng; tạo điều kiện đề đồng bào tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng lợi các dịch vụ, phúc lợi xã hội.

Năm là, phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa từng dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo quy định của pháp luật, loại trừ ra khỏi đời sống các dân tộc những hủ tục lạc hậu và các hoạt động tôn giáo trá hình đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Sáu là, phát huy phong trào thi đua yêu nước, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố an ninh vùng dân tộc thiểu số. Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời giải quyết những phát sinh mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để xảy ra các điểm “nóng”, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội; chủ động và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch đối với Ðảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; với sự nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, không cam chịu đói nghèo, chúng ta tin rằng đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ cố gắng vươn lên xây dựng vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới và cùng với Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

TS. Nguyễn Thị Sửu
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế
(Tạp chí Dân tộc số 164, tháng 8/2014)
[NNL: DTH]