Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mông tỉnh Hà Giang
02:39 08/05/2015 Lượt xem: 5513 In bài viếtHà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có gần 278.000 km đường biên giới với Trung Quốc. Diện tích đất tự nhiên gần 8.000 km2; dân số trên 74,3 vạn người, với 19 dân tộc anh em; trong đó dân tộc Mông chiếm 31,5%, Tày 26%, Dao 15,4%, Kinh 12%, còn lại là các dân tộc khác. Đồng bào dân tộc Mông sinh sống phân bố đều khắp ở các huyện trong tỉnh, tập trung đông ở các huyện vùng cao núi đá phía Bắc và các huyện phía Tây. Huyện có tỷ lệ người Mông đông nhất là Đồng Văn chiếm 89%.
Trong những năm qua, công tác ở vùng đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng luôn được các cấp, các ngành, các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện; những vấn đề bức xúc trong đồng bào các dân tộc từng bước được giải quyết; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Được sự đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương, Hà Giang đã cụ thể hóa nội dung về công tác dân tộc và chính sách dân tộc nói chung, vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng, gắn với các chương trình dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, phù hợp với từng vùng, từng thời điểm, từng dân tộc. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, tính đến nay, đã có trên 400 nghìn người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; công tác giáo dục – đào tạo được chú trọng, thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng cho con em người nghèo và các chương trình hỗ trợ di dân, xóa nhà tạm theo Quyết định 193, Quyết định 167, Chương trình 30a của Chính phủ… Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và dịch vụ việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm, mỗi năm đã có trên 11.000 lao động được đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn. Công tác phát thanh, truyền hình vùng đồng bào dân tộc đã được chú trọng; đã phát hành báo Đảng đến 100% chi bộ, đảng bộ; phát hành Báo Hà Giang đến 100% các trưởng thôn, tổ dân phố; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 98%, phủ sóng truyền hình 92%. Trong nhiều năm nay, tỉnh duy trì Chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc Mông và tờ báo Cực Bắc dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, phù hợp với trình độ dân trí của đồng bào. Bên cạch đó, công tác tôn giáo được cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao cảnh giác chống các luận điệu tuyên truyền lôi kéo, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, giải quyết được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng cho một bộ phận nhân dân và tạo được lòng tin của bộ phận đồng bào có đạo đối với việc thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ đảng viên là người dân tộc Mông. Đến nay 100% thôn bản người Mông có đảng viên. Sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, cán bộ là người dân tộc Mông tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 16,6%, tham gia Ban Chấp hành cấp huyện chiếm 18,8%... Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành quan tâm; chủ động bám sát tình hình, tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề khó khăn, bức xúc, chính vì vậy mà kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, tình hình an ninh chính chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững mạnh.
Một số tồn tại hạn chế ở vùng
đồng bào dân tộc Mông:
Đời sống vật chất, tinh thần ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như đồng bào
dân tộc Mông còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Mông còn cao, chiếm
57% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tập quán canh
tác sản xuất lạc hậu; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân
chung của cả tỉnh. Việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống của dân tộc Mông chưa được quan tâm đúng mức; việc đào tạo nghề,
tạo việc làm cho lao động là người dân tộc Mông còn nhiều bất cập; một bộ phận
thoát nghèo nhưng thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tình trạng di cư tự do,
truyền đạo trái pháp luật, mua bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em, lao động sang Trung
Quốc làm thuê trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân của những hạn chế:
Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt mạnh, thiếu đất sản xuất,
thiếu nước sinh hoạt, dân cư phân tán. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền
và cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc chưa thực sự đầy đủ, trình độ của đội
ngũ cán bộ nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế; sự phối hợp của các ngành trong
việc thực hiện các chủ trương, chính sách về dân tộc đôi khi chưa chặt chẽ, đồng
bộ; một số vấn đề nảy sinh trong nhân dân chậm được nắm bắt hoặc giải quyết chưa
thỏa đáng, kịp thời. Cơ sở hạ tầng thiếu, bất cập, trình độ sản xuất của nhân
dân còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại,
trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa phát huy được nội lực, tiềm năng sẵn
có của địa phương để vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Nhiệm vụ và giải pháp phát
triển kinh tế- xã hội ở vùng dân tộc Mông:
Một là: Phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí
cho vùng đồng bào Mông
Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư giúp đỡ về vốn, vật tư, kỹ thuật… để đồng bào đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển chăn nuôi. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình dự án đầu tư trên địa bàn, Chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a, chương trình 167 và các chương trình của TW, của tỉnh; lồng ghép các chương trình dự án trên cùng một địa bàn đảm bảo tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn đầu tư. Quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Mông; khôi phục và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên đối với đội ngũ giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa và học sinh con em các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, lựa chọn đào tạo bồi dưỡng cán bộ là con em dân tộc Mông.
Hai là: Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đường lối chính sách, pháp luật Nhà nước, giải quyết tốt tình hình tôn giáo, chống di dịch cư tự do trong vùng đồng bào Mông.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để đồng bào hiểu rõ và tự giác thực hiện; động viên, phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung đồng bào dân tộc Mông nói riêng; tăng cường chất lượng và thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Mông; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động của “Hội Nghệ nhân dân gian”gắn với khôi phục và phát triển nghề truyền thống, văn hóa dân gian của các dân tộc; phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh với các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, buôn bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố.
Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp làm tốt công tác quản lý địa bàn, không để những hộ di cư tự do bán tài sản, đất đai, đặc biệt là ngăn chặn những người mua lại của hộ di cư tự do, tập trung quản lý chặt chẽ về công tác hộ tịch, hộ khẩu ở cấp cơ sở, thường xuyên theo dõi tạm trú, tạm vắng từ cấp thôn bản để kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ba là: làm tốt công tác đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh
Phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú để tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào dân tộc. Chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bố trí sử dụng cán bộ người Mông vào những vị trí cần thiết, thích hợp ở địa phương, cơ sở. Củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào Mông đủ mạnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về đời sống giữa các vùng dân tộc, nhất là đồng bào Mông với các dân tộc khác. Tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội về nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình hiện nay.
Một số kiến nghị, đề xuất với Trung ương:
1. Đề nghị đánh giá những chính sách đã và đang triển khai thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc. Đối với các chính sách có hiệu quả thì tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, những chương trình, chính sách không phù hợp, hiệu quả thấp nên chấm dứt để tập trung nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, chính sách mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân, tránh đầu tư dàn trải.
2. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như: kéo điện lưới, làm hồ treo chứa nước sinh hoạt, đường giao thông… ở những nơi hiện nay còn thiếu hoặc chưa có để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách và ổn định cuộc sống lâu dài cho đồng bào.
3. Có chính sách đặc thù ưu tiên đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số cho địa phương; tăng thêm chỉ tiêu cử tuyển, tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc của tỉnh vào các trường đại học, cao đẳng, các trường đào tạo nghề; có chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ lên công tác tại các tỉnh miền núi, biên giới; cho cán bộ công tác ở vùng biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên miền núi.
4. Đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường tuần tra biên giới, quy hoạch ổn định dân cư vùng biên giới, tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho việc quy tụ các hộ dân cư sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng nguy cơ sạt lở, vùng đặc biệt khó khăn về sống tập trung tại các thôn bản gắn với xây dựng nông thôn mới. Có những chính sách đãi ngộ, đầu tư đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyễn Bình Minh
(Tạp chí Dân tộc số 166, tháng 10/2014)
[NNL: DTH]