3 năm thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc

03:16 08/05/2015 Lượt xem: 2101 In bài viết

Một số tồn tại, hạn chế
Chính sách dân tộc hiện nay gồm 130 chính sách, được thể hiện qua 177 văn bản, 37 Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ, 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý 9 chính sách; các Bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Chính sách dân tộc được đánh giá là khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn vùng dân tộc, miền núi.

Tuy nhiên, do nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, thuộc nhiều Bộ, ngành quản lý nên việc rà soát, tổng hợp, đánh giá không thống nhất, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách mới. Nhiều chính sách thực hiện trên cùng địa bàn nhưng riêng lẻ, phân tán, mỗi chương trình, đề án thuộc các Bộ, ngành có cơ chế quản lý khác nhau nên rất khó lồng ghép. Đơn cử Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo (Chương trình 30a) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, là những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đang thực hiện hầu hết các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý. Cùng một nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo cấp huyện, Ủy ban Dân tộc chỉ đạo cấp xã, thôn bản đặc biệt khó khăn và hộ gia đình. Chế độ cử tuyển quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì chỉ đạo tổ chức thực hiện nhưng đối tượng và địa bàn cử tuyển chủ yếu thuộc vùng dân tộc, miền núi do Ủy ban Dân tộc theo dõi, chỉ đạo… Có những chính sách cơ chế triển khai thực hiện, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng quản lý nhà nước chưa được chú trọng đúng mức khiến hiệu quả chưa được như mong muốn, ảnh hưởng đến sự phát triển, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, các nhân tố gắn với tính bền vững của công tác xóa đói giảm nghèo, làm chậm quá trình giải quyết những khó khăn, yếu kém ở vùng dân tộc, miền núi. Một số chính sách mang tính giai đoạn, quy định cứng về chế độ, định mức, chưa theo kịp với biến động giá cả thực tế nên hiệu lực pháp lý chưa cao, thiếu ổn định lâu dài. Trách nhiệm phối hợp trong rà soát các văn bản pháp luật, chính sách dân tộc giữa các Bộ, ngành chưa cao, chưa đồng bộ; còn có tình trạng một số Bộ, ngành "nợ" thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các nhóm chính sách cụ thể quy định tại chương II của Nghị định 05 dẫn đến chậm xử lý, giải quyết những bức xúc trên thực tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số địa phương chưa chủ động thực hiện các chính sách dân tộc, chưa ban hành kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ các trường đại học, cao đẳng và sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.

 Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế là do công tác dân tộc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 05 chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Mặt khác, Nghị định 05 là Nghị định khung, các chính sách quy định trong Nghị định mang tính khái quát cao. Trước những vướng mắc về cơ chế triển khai thực hiện, nguồn lực đảm bảo, sự biến động của tình hình KT-XH… đã dẫn đến quy định chi tiết về điều kiện thụ hưởng, mức hỗ trợ, thủ tục cấp kinh phí, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc gặp nhiều khó khăn. Nghị định 05 có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng là văn bản dưới luật, pháp lệnh nên hiệu lực pháp lý thấp, khi triển khai thực hiện vướng mắc với các quy định của luật chuyên ngành nên khó thực hiện. Trong khi đó, nhận thức của một số Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương về quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc chưa đầy đủ, chưa tương xứng với nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác này, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo nên việc thực hiện Nghị định 05 đến thời điểm này được đánh giá là còn sơ sài, hình thức.

Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 05 trong thời gian tới
Điều 24, Nghị định 05 quy định: Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoạch định, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, tuyên truyền, vận động việc thực hiện chính sách dân tộc theo quy định tại Nghị định này.

Căn cứ quy định và từ tình hình thực tiễn 3 năm triển khai Nghị định 05, thời gian tới, Uỷ ban Dân tộc tập trung đôn đốc các Vụ, đơn vị chủ động, kịp thời phối hợp với các Vụ, đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban Dân tộc đã được ban hành ngày 15/01/2014 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhằm thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Nghị định 05 đảm bảo chất lượng.

Chủ trì, phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành liên quan rà soát, tổng kết, đánh giá hệ thống chính sách dân tộc hiện hành để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án, đề án nhằm cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 05: Điều 5 "Xác định thành phần dân tộc"; Điều 6 "Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số"; Điều 8 "Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn nhân lực"; Điều 9 "Chính sách phát triển bền vững"; Điều 10 "Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo"; Điều 13 "Chính sách bảo tồn và phát triển văn hoá"; Điều 14 "Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số"; Điều 15 "Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số"; Điều 16 "Chính sách y tế, dân số".

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ban hành văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan; tình hình thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương nhằm kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành, những vấn đề nảy sinh và ngăn chặn sai phạm, thất thoát trong thực hiện các chính sách.

 Về phía các Bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành triển khai khung kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; rà soát, sắp xếp lại hệ thống chính sách, tránh chồng chéo, phân tán, khó quản lý, lồng ghép; xây dựng chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo và cận nghèo để giảm nghèo bền vững; xây dựng chính sách hỗ trợ trực tiếp lương thực cho hộ nghèo giáp biên giới, chính sách đối với học sinh bán trú; sửa đổi Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; thay thế Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú; xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động tại các làng nghề truyền thống vùng dân tộc; phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, giảng viên dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số, chính sách đối với các cơ sở dạy nghề chuyên biệt cho người dân tộc thiểu số; hoàn thiện chế độ, chính sách, đặc biệt là định mức và thời hạn hỗ trợ để thực hiện chính sách có hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất đối với huyện nghèo (Nghị quyết 30a). Bộ Nội vụ xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; chính sách đối với cán bộ cấp xã và cán bộ về công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn; chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ, trong đó tập trung vào việc đổi mới nội dung, hình thức thi tuyển, thi nâng ngạch công chức để đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng, thực tài, chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo cơ cấu phù hợp theo đúng nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ.

Các địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch thi hành Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về Nghị định 05; báo cáo kịp thời kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tập trung vào các vấn đề: tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện; xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo ở địa phương, chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số, chính sách đối với người có uy tín...

TCDT
(Tạp chí Dân tộc số 166, tháng 10/2014)
[NNL: DTH]